Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NGÀY QUÂN ĐỘI

NGÀY QUÂN ĐỘI Biết tôi đang ở Hà Tiên, mấy bạn trẻ rủ đi viếng nghĩa trang liệt sỹ, những người lính hy sinh trong những ngày đầu tiên của c...

NGÀY QUÂN ĐỘI

Biết tôi đang ở Hà Tiên, mấy bạn trẻ rủ đi viếng nghĩa trang liệt sỹ, những người lính hy sinh trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến biên giới Tây Nam nhân ngày 22/12.

Không hiểu sao, một phần đời của tôi lại gắn với nghĩa trang nhiều đến thế, trải dọc trên khắp đất nước tôi, từ Bắc đến Nam nơi nào cũng có nghĩa trang của những người lính, một lần ở Quảng Trị, người chủ khách sạn mà tôi ghé vào nghỉ chân nói với tôi với giọng buồn buồn : “Đặc sản của quê tôi là nghĩa trang liệt sỹ”. Cậu ruột tôi cũng gửi xác ở đây vào mùa hè đỏ lửa năm 72 khi mới qua 20 tuổi được mấy ngày.

 Khi lần đầu vào Nam, nơi tôi đến vào ngày hôm sau cũng là nghĩa trang của những người lính VNCH, bức tượng “Tiếc thương” đã bị giật đổ, nhưng những người dân sống gần đó kể cho tôi nghe rằng vào những đêm trăng lạnh lại thấy bức tượng hiện về, không ở vị trí cũ mà đứng sừng sững giữa xa lộ.

Tôi từng đến các nghĩa trang ở châu Âu, nghĩa trang Arlington ở Washington DC, bạt ngàn nghĩa trang lính gần biên giới Trung- Việt, có những nghĩa trang như ở Malipho (Vân Nam) có đến gần 10 ngàn người, ông quản trang nói với tôi : “Phần lớn là không có xác, chúng tôi chôn một bộ quần áo cùng với bảng tên người lính”. Tôi lại nhớ đến lúc chôn đồng đội, vì lọt ở giữa vòng vây, nơi bạn nằm không dám đắp thành nấm mộ, chỉ đánh dấu trên bản đồ chờ sau chiến dịch. Hay khi tiếng súng vừa dứt, một trong những việc đầu tiên là đi chôn những người lính Trung Quốc bị bỏ lại, có những hố tập thể, bị đổ xăng đốt rồi lấp đất sơ sài, mùi thịt cháy, mùi xác chết đang phân hủy ám vào người, nằm trong tóc, trong những lỗ chân lông, tắm cả tuần mà vẫn cứ thấy phảng phất đâu đó. Một người lính TQ mà tôi gặp kể, hàng năm vào ngày này anh cũng thường sang VN, lén đến nghĩa trang người lính Việt của trận Lão Sơn nơi anh đã tham gia thắp một nén nhang coi như một lời tạ lỗi. Anh bảo tôi : “Chúng ta đang cười nói bình thường, rồi bỗng một hồi kèn lệnh vang lên, chúng ta bị tiêm thuốc độc vào não, cầm súng bắn vào nhau như những động vật máu lạnh”. Anh ao ước có một ngày được sang VN đi từ Bắc vào Nam viếng thăm các nghĩa trang người lính, bất kể khi sống họ đứng ở phía nào.

 Người ta bảo, những đội quân thì khác nhau nhưng những người lính thì giống nhau. Cũng phải, khi ra trận người lính mang lời Tổ Quốc trên môi, sống sót trở về thì Tổ Quốc cất trong đáy tim, cái đọng mãi là tình đồng đội. Vì thế, gặp nhau những người lính dễ trở nên gần gũi, bất kể đã có thời chĩa súng vào nhau, chỉ cần cùng uống một ly rượu cay nồng tưởng nhớ bạn bè đã khuất.

Ngô Nhật Đăng



Không có nhận xét nào