Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NGƯỜI THÂN LÀ DUYÊN PHẬN MỘT LẦN ,CHƯA CHẮC ĐÃ GẶP LẠI Ở KIẾP SAU...

Người thân là duyên phận một lần, chưa chắc đã gặp lại ở kiếp sau... Ngày nào dắt chó ra công viên đi dạo, tôi cũng gặp một người đàn ông ng...

Người thân là duyên phận một lần, chưa chắc đã gặp lại ở kiếp sau...

Ngày nào dắt chó ra công viên đi dạo, tôi cũng gặp một người đàn ông ngoài 40 tuổi đẩy xe lăn một người đàn ông già đi dọc công viên. Một lần tôi đánh bạo hỏi anh, thì được biết họ là cha con. Người cha ấy bị tai biến cách đây 5 năm, lúc đầu rất nguy kịch, sau dần dần bình phục nhưng không thể đi được nữa.

Ông chỉ có một người con trai duy nhất. Vợ ông đã qua đời trước khi ông bị bạo bệnh 6 năm. 6 năm đó, người đàn ông này gần như khép kín cuộc sống của mình lại, ít giao tiếp, mỗi ngày tụng kinh cho vợ rồi lại ngồi nhìn ra lan can ngoài kia là công viên, nơi hai ông bà đã từng dắt nhau đi dạo.

Người con trai hiểu được những gì cha mình đang phải chịu đựng khi mất mẹ, anh nghỉ việc ở một tập đoàn lớn, về kinh doanh tại nhà để mỗi ngày được gần cha, dù lúc này, anh đã có vợ và 2 con. Anh hiểu rằng sự ấm áp của gia đình sẽ là liều thuốc trị liệu cho cha những năm tháng bị tâm bệnh cuối đời.

Rồi ông cũng gục ngã trước những muộn phiền và bị tai biến nặng. Người con hiểu, sự gần gũi cha lúc này quan trọng hơn bao giờ hết, nhiều khi còn thức để trông từng nhịp thở. Đến khi cha qua cơn nguy kịch, anh như một người giúp việc tỉ mẩn, quan tâm chăm sóc từng li từng tí. Sự quan tâm ấy cũng là một cách giúp cha anh có thể hồi phục và mỗi ngày, anh đẩy xe lăn đưa cha đi dạo công viên để ông cảm nhận cuộc sống vẫn rất sinh động ngoài kia.

Câu chuyện của anh khiến tôi nhớ đến điều số 9 trong 9 điều bức thư mà Jack Ma gửi con trai gần đây: "Người thân là duyên phận chỉ có 1 lần. Bất luận kiếp này ta và con được ở cạnh nhau bao lâu, con nhất định phải trân trọng thời khắc chúng ta bên nhau. Kiếp sau, cho dù chúng ta có yêu mến nhau hay không, chưa chắc chúng ta đã có thể gặp lại."

Thường thì những người thân, lại ít trân trọng thời khắc ở bên nhau cho đến khi những thứ quý giá đó bị mất đi. Chắc tại thân quá, nên chúng ta đi biệt hàng năm, về có chút quà mà chẳng quan tâm 2 năm qua mẹ vẫn mặc một cái áo. Chắc tại thân quá, mà người chị lấy chồng xa, người anh có gia đình riêng, câu chuyện của chúng ta dần trở thành những quan tâm một kiểu khác mà không phải là những câu chuyện anh chị em hữu ích nói với nhau bằng tình thân như trước. Hay chắc tại thân quá, mà chúng ta vẫn giữ cái tính nết cứng đầu, cái bản chất ích kỷ, nhiều khi không nhìn lại, cha mẹ đã khổ vì chúng ta cả đời, hết cái này qua cái khác.

Tôi từng có một người bạn xa nhà cũng gần 20 năm. Từ thời sinh viên đến khi lập gia đình xa xứ, mỗi lần anh về thăm nhà trong dịp Tết là đi mải miết. Đi không thấy mặt mũi tăm hơi. Có khi đi 3-4 ngày mà mỗi lần trở về nhà là say nhừ say tử. Trong đó, có những giao thừa, anh ta trở về trong trạng thái đó.

Một lần tôi góp ý thẳng: "Mày cứ thế thì sự quan tâm dành cho cha mẹ và sự gần gũi mày trả lại cho họ, ở đâu?". Người ấy bảo, ôi, cha mẹ thế nào mà chẳng được, từ đó, tôi không chơi với người đó nữa. Nếu một người không biết trân quý gần gũi gia đình, chạy theo các cuộc vui ngoài đời thì mãi là một kẻ hời hợt và vô tâm. Sau này, khi mẹ người ấy qua đời, tôi có về viếng. Nhìn ánh mắt đau khổ của bạn ấy bên linh cữu người mẹ, tôi chỉ ước giá như bạn ấy biết đau khổ sớm hơn và tôi tin chắc giờ này, bạn ấy cũng đang ước điều đó.

Có những thứ mất đi, không thể tìm lại được dù cho điều gì cũng có thể thay thế. Mất là mất, dù bạn có an ủi rằng tình cảm hay mọi thứ mãi còn, thì đó chỉ là cách tự ru ngủ bản thân, tự chống chế cho những sai lầm mà mình đã phạm phải. 

Người ta bảo, cha mẹ chỉ làm cha mẹ đúng nghĩa của con cái tầm 20 năm hơn, anh chị em làm người thân thích của nhau cũng tầm đấy hoặc ít hơn tuỳ vào chênh lệch tuổi, cho đến cái ngày mà người con ấy bước ra một cuộc sống mới. Sự thật phũ phàng mà chúng ta không thể chối cãi là suốt 20 năm đầu chúng ta lơ đễnh với người thân nhiều nhất. Chặng đời sau đó, khi có cuộc sống riêng, chúng ta mải theo cuộc sống riêng của mình, sự quan tâm chăm sóc cho người thân vốn đã ít lại càng ít hơn.

Thế thì trong đời này, chúng ta đã nợ cha mẹ mình nhiều quá, phải không? 

Người ta đang nguỵ biện sự bao la của tình thân cũng đồng nghĩa với sự bất tận của thể xác. Không phải vậy đâu. Ngoảnh mặt cái là mười năm, chớp mắt cái là 10 năm tiếp theo nữa, những người thân cứ ngày một xa chúng ta để khép lại đời người hữu hạn; còn ta thì xa họ từ bao giờ để chạy theo những chủ quan, những ích kỷ và những sự vô tâm của mình. 

****

Có lần tôi nói với người đàn ông đẩy xe lăn: "Anh làm tôi thấy xấu hổ với mình và chắc chắn nhiều người sẽ xấu hổ với chính họ.". Người đàn ông ấy mỉm cười: "Tôi bình thường thôi. Có gì mà to tát thế. Tôi chỉ cần cha tôi khoẻ mạnh và vui, thì tôi làm gì cũng được"

Ừ, cái anh "chỉ cần", đa số trong chúng tôi, đều không làm được...
Hoàng Nguyên Vũ



Không có nhận xét nào