Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NGUỒN GỐC THẬT CỦA NHỮNG TRẬN ĐI BÃO.

NGUỒN GỐC THẬT CỦA NHỮNG TRẬN ĐI BÃO. Để hiểu được ngọn nghành của việc đi bão, trước tiên bạn cần phải là một kẻ từng nổi loạn trong quá kh...

NGUỒN GỐC THẬT CỦA NHỮNG TRẬN ĐI BÃO.

Để hiểu được ngọn nghành của việc đi bão, trước tiên bạn cần phải là một kẻ từng nổi loạn trong quá khứ, từng liều mạng hết mình và từng sống trong nước từ những năm đầu của thập niên 1980's.
Nhiều người không nhận ra điều mà tôi sắp nói và tôi sắp sửa nói cho bạn biết rằng, ở Việt Nam hiện nay và suốt từ nhiều thập niên qua, đi bão là thú tiêu khiển ít tốn tiền nhất trong mọi thứ tiêu khiển khác.
Thú tiêu khiển này có nguồn gốc từ Sài Gòn. Tại vòng xoay đồng hồ Orient trên đường Nguyễn Huệ.
Những năm đó, hầu hết người Sài Gòn và cả nước nói chung đều chỉ dùng đến xe đạp như là loại phương tiện lưu thông khả dụng nhất. Bạn có còn nhớ cái thời mà xe đò chạy bằng than hay không? 
Thanh thiếu niên Sài Gòn lúc ấy, không có nhiều lắm những phương tiện giải trí, thứ duy nhất vào thời đó là những quán cafe dám chơi nhạc ngoại quốc như ABBA và Boney'M mà Hoàng Việt (sau đổi thành Hoàn Kiếm) và Thái Sơn là một trong những quán cafe tiêu biểu ở quận nhất. Ngoài ra, các chương trình ca nhạc thường được tổ chức vào cuối tuần ở một vài sân khấu lớn như 106 (?) ở Công trường Dân Chủ, nhà văn hóa thanh Niên số 4 Duy Tân rồi sau đó dời về tòa nhà trụ sở Sổ xố kiến thiết quốc gia trên đường Thống Nhất, gần Sở thú. Đây là cái thời của Cẩm Vân, Kim Cúc, Sĩ Đan, 2 chị em Bảo Yên, Nhã Phương và ban nhạc của Đài Tuyền Hình thành phố.
Nhưng không phải ai cũng có tiền để đi cafe nhạc hay nghe nhạc cuối tuần. Phong trào nhảy đầm ở sân Tao Đàn và số 4 Duy Tân phải mất thêm vài năm sau nữa mới bắt đầu thịnh hành trở lại.
Đại đa số thanh thiếu niên Sài Gòn lúc đó thường tập trung trên đường Nguyễn Huệ đã đua và biểu diễn kỷ thuật chạy xe. Đây là một môn chơi cảm giác mạnh tuy vận tốc thực của các chiến binh trên đường đua này thuộc hạng rùa bò cho nên chẳng có ai chết hay gãy cẳng. 
Xoáy nòng, đôn dên là những thủ thuật có từ thời trước năm 1975, nhưng đến thời này thì nó bắt đầu lan tràn. Xe 50 phân khối như 67 và Honda Dame vẫn còn thông dụng, tốn một mớ tiền để xoáy nòng cylinder 50cc lên thành 65cc hoặc thậm chí là lấy hẳn cylinder của xe 90cc lắp vào chiếc 67.
Đua và biểu diễn xe không chỉ giới hạn với các loại xe máy nổ và xe đạp, nó còn có sự tham dự của những chiếc xích lô chuyên chạy bằng 2 bánh.
Người dám chơi và dám đua không nhiều lắm nhưng lượng người tham gia thì đông vô kể. Những "chiến binh đường phố" này, trong mắt người hâm mộ lúc ấy, không khác các ngôi sao giải trí thời này là bao.
Và tôi cũng đã là một trong những kẻ liều lĩnh ấy.
Chính quyền thành phố cũng không ngồi yên, họ ra tay càn quét những vụ tập hợp đông người ấy. Dân đua xe đổi sân chơi, lấy Nhà thờ Đức bà làm điểm tụ. Địa điểm này dễ chạy thoát hơn khi công an truy đuổi so với đường Nguyễn Huệ.
Chính quyền lại càn quét, dân chơi lại trở về Nguyễn Huệ. Cứ như thế, cuộc rượt đuổi giữa thanh niên Sài Gòn và nhà cầm quyền diễn ra như một vòng tròn bất tận, rượt thì chạy, dời địa điểm, rồi lại chạy - rượt, rượt - chạy. Không khác cuộc chạy đua nâng đường - nâng nền nhà trong suốt mấy chục năm nay giữa nhà nước và người dân.
Rồi tôi đi vượt biên. Gần chục năm sau, trở về lại Sài Gòn, tôi ngạc nhiên khi thấy phong trào đua xe vẫn còn sống khỏe, sống mạnh trong đời sống của tuổi trẻ Sài Gòn.
Và bạn đoán không sai, tôi đã dắt xe ra khỏi nhà, tìm lại cái không khí của ngày xưa ấy. Khác chăng, lần này tôi mang một tâm trạng tò mò của một người thích tìm hiểu. Để xem bọn trẻ bây giờ có khác với mình ngày xưa hay không? Điểm khác biệt lớn nhất là sự xuất hiện của những dòng xe mới và lớn phân khối hơn ngày xưa: Dream I và II dung tích 97cc, xe 2 thì của hãng Suzuki với kiểu Crystal (Sport 125cc chỉ là hậu bối) và những chiếc Moto phân khối lớn, CB 125 của Honda, EN 400 của Kawasaki, Yamaha Viagro và Honda NV. Dân chạy Moto thì chỉ tham gia với tư cách chưng bày là chính chứ đua và lạng lách thì không có cửa với Suzuki Crystal. 
Cũng lại là vòng đua Nguyễn Huệ. Khán giả dập dìu, xếp hàng chật cứng 2 bên lề đường, cạnh những xe bán khô mực và bia chai. Thú giải trí của thanh niên Sài Gòn vẫn còn khá đơn giản, nếu không muốn nói là ít tốn kém. Chở người yêu đi chơi cuối tuần, không gì rẽ hơn là đi coi đua xe. Chi phí chỉ bao gồm xăng nhớt, 2 tô hủ tiếu và vài ly nước. Nhiêu đó thôi cũng đã đủ cho một đêm cuối tuần nhiều cảm giác hồi hộp và đứng tim.
Cái cảm giác ấy đạt đến đỉnh điểm khi công an bắt đầu xuất hiện.
Tiếng gầm rú của xe gắn máy, tiếng la hét cảnh báo "Chèo. Chèo" (từ lóng chỉ công an thời đó, trước khi có từ Bồ câu trắng) và sự hỗn loạn của một đám đông vài ngàn người, tuy mạnh ai nấy chạy, nhưng vẫn bám nhau theo một lộ trình mà chẳng đứa nào biết ai sẽ là người dẫn đầu. Xe sau cứ chạy theo xe trước, thỉnh thoảng lại đổi hướng khi tới một ngã tư, gặp một đám khác vừa chỉ tay cảnh báo, vừa la "chèo, chèo". Và rồi, đoàn đua lại rẽ hướng ... Cứ chạy lòng vòng như thế cho đến khi tình hình lắng xuống thì lại trở về khu Nguyễn Huệ, giả vờ ngây thơ đậu trên lề đường ngắm thiên hạ, không thấy bóng công an thì ào xuống đường, nhấc đầu xe chạy bằng một bánh sau khi đã nẹt bô ầm ầm để nâng khí thế.
Công an Sài gòn bắt đầu được trang bị xe Moto phân khối lớn để trấn áp những vụ đua xe bất hợp pháp này.
Đó chính là lúc mà cụm từ "đi bão" bắt đầu xuất hiện chính thức trong giới chơi xe cũng như trên báo chí.
Không còn có chuyện tụ tập ngay trung tâm quận nhất nữa vì công an thay chiến thuật, cắm dùi hẳn tại khu vực này. Dân chơi đành thay đổi địa điểm.
Dân số Sài Gòn cũng đã bắt đầu tăng chóng mặt. Những đoạn đường với lề đường thoáng đãng và lý tường như Nguyễn Huệ đã không còn, cộng thêm với sự phát triển của các dòng xe, tốc độ cao đã không còn bao3 đảm cho một cuộc đua yên bình như trước đây. Xe Crystal 2 thì làm bá chủ đường phố với mức tăng tốc đến chóng mặt. Để giảm thiểu tai nạn và nguy cơ dâm vào nhau từ 2 chiều khác biệt, giới chơi xe bắt đầu đổ dồn về khu vực Hào Huê ở Chợ Lớn. Điểm bắt đầu để thoải mái gia tăng tốc độ thường là đoạn đầu tiên của đường Trần Hưng Đạo B, ngay trước cổng khu Đại Thế Giới và chạy dọc về hướng Tổng Đốc Phương rồi quay lai bằng đường Hùng Vương .... Ở thời điểm này, việc dựng xe trên lề đường để xem ngưới khác đua và biểu diễn đã không còn khả thi. Người tham gia lúc này sẽ phải đổ xuống đường và hòa mình vào đám đông cuồng nhiệt nhưng thiếu thốn nhiều thứ. Đám đông tạo thành những dòng xe lên đến hàng ngàn chiếc, diễu hành qua các con đường của nhiều quận, từ Tân Bình theo đường Lạc Long Quân đổ về Quận 11 rồi Quận 6 để hoặc xuôi theo đường Hùng Vương ra xa cảng miền Tây hoặc trở về hướng Nguyễn Tri Phương để trở ra khu vực Hào Huê và Đại Thế Giới.
Và trên cung đường vô định ấy, một khi những chiếc đi đầu cảm thấy là "an toàn" thì họ bắt đầu nẹt bô và tăng tốc. như một cơn bão, dòng xe cộ từ đàng sau cũng bắt đầu ào ào theo đuôi, phần vì không muốn bị bỏ rơi, dễ bị công an hốt, phần vì bị cuốn theo đám đông. Những lúc này, lằn sơn phân cách 2 chiều sẽ trở thành vô nghĩa và những người vô phúc lưu thông trên chiều ngược lại đành phải thúc thủ, nép vào lề hoặc leo hẳn lên trên lề, nhường đường cho cơn bão cuồng nộ kia.
Đêm rồi cũng sẽ tàn. Đám đông vô tổ chức không có khả năng tụ họp trên cùng một tuyến đường mãi cho được. Sau nhiều lần rẽ lối, họ từ từ giãn ra, loãng bớt, tan vào dòng xe cộ bình thường như những người bình thường khác. Lúc này, đêm cũng đã về khuya, chương cuối của một cơn bão sẽ là một quán hủ tiếu bên đường hay một tiệm cơm tấm bán khuya nào đó. Kêu 2 ly nước và so cho đều đôi đủa, những cặp tình nhân trẻ tươi cười với nhau như chưa từng biết rằng trong vài giờ qua, đã có vài con nhạn là đà đáp vào nhà thương Sùng Chính, nhà thương chuyên trị gãy xương lớn nhất thành phố từ trước tới giờ. 
Không thể trách họ được. Bạn thử tìm một thú giải trí có thể cung cấp cảm giác mạnh, cho phép tính nổi loạn của tuổi trẻ được bùng lên một cách bất tuân phục nhất, trong lúc không đòi hỏi gì nhiều ngoài chi phí cho vài lít xăng, cùng số tiền trả cho 2 tô hủ tíu và 2 ly nước mía, xem có được hay không?
Bão là thế đấy. Nó bắt đầu được nhà nước ngầm cho phép sau khi VN bắt đầu tham gia và đạt được vài chiến thắng nho nhỏ ở vòng ngoài vào các kỳ SEA GAMES trong khu vực Đông Nam Á. Nhà cầm quyền cộng sản cũng nhận biết là ngoài túc cầu ra thì họ không còn bất cứ khả năng nào khác khả dĩ có thể cung cấp cho tuổi trẻ Việt Nam một niềm hãnh diện dân tộc đối với bè bạn thế giới, và từ đó, nó trở thành một phương tiện bán chính thức cho phép xả stress và nổi loạn nhân danh tình yêu nước tận đến ngày hôm nay.

Huyền Đao Khách



Không có nhận xét nào