NHỮNG CÂU HỎI XUNG QUANH “VIỆT PHỦ” THÀNH CHƯƠNG ? ...
NHỮNG CÂU HỎI XUNG QUANH “VIỆT PHỦ” THÀNH CHƯƠNG ?
Vũ Hữu Sự
Thời hạn để cho chủ nhân của những công trình “xẻ thịt” rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội) tự tháo dỡ công trình đã hết. Nhưng vẫn chưa thấy Hà Nội nhấc chân nhấc tay. Trái lại, mấy hôm nay, xung quanh một công trình được gọi là “Việt phủ Thành Chương” lại dấy lên rất nhiều ý kiến của các quan chức, và cả một số đại biểu quốc hội nữa, cho rằng đó là một công trình “mang tính văn hóa”, không nên cưỡng chế dỡ bỏ, nên giữ lại, thậm chí TP Hà Nội nên bỏ tiền mua lại để khai thác làm du lịch...khiến dư luận xã hội xôn xao.
Có mấy câu hỏi được đặt ra xung quanh những ý kiến trên :
Thứ nhất, nếu nói rằng “Việt phủ Thành Chương” là một công trình “mang tính văn hóa”, thì đến nay, đã có cơ quan có thẩm quyền nào cấp bằng di tích văn hóa cho nó chưa ? và nó là “công trình văn hóa” cấp xã ? Cấp huyện ? cấp thành phố ? hay cấp quốc gia ? Nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp bằng công nhận di tích văn hóa, thì mọi nhận định đều chỉ là những nhận xét có tính chất cảm tính cá nhân. Mà cấp, thì cơ quan nào dám cấp bằng di tích văn hóa cho một công trình nằm trên đất lấn chiếm, vi phạm pháp luật ?
Thứ hai, nếu TP Hà Nội muốn mua lại Việt phủ Thành Chương, thì trước hết quốc hội phải sửa luật đất đai. Bởi trong tất cả các luật đất đai từ năm 1987 đến nay, cũng như trong tất cả các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành các luật đất đai, đều không có bất cứ một điều nào quy định về việc nhà nước mua lại các công trình lấn chiếm đất đai, vi phạm pháp luật cả. Không có, thì TP Hà Nội căn cứ vào cái gì để xuất tiền Ngân sách ra mà mua ? Và kể cả một khi quốc hội đã sửa luật rồi, thì các tỉnh, thành trên cả nước sẽ phải bỏ tiền ra mua lại hàng trăm, hàng ngàn công trình lấn chiếm đất đai, chẳng hạn những công trình xẻ thịt đất rừng Hải Vân của giám đốc CA tỉnh Quảng Nam, của “vua vàng” Ngô Văn Quang...và hàng chục công trình xẻ thịt rừng Sóc Sơn khác, bởi mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Dù chỉ làm một cái chuồng gà hay xây dựng một biệt phủ, nhưng đã lấn chiếm đất đai, thì đều phải bị xử lý, bị cưỡng chế dỡ bỏ như nhau. Bởi luật pháp vốn vô tình. Mọi hình thức “phạt cho tồn tại” đều là việc dầy xéo lên nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, hủy hoại nền pháp trị xã hội chủ nghĩa. Nếu làm cái chuồng gà bị dỡ bỏ, còn biệt phủ lại cho tồn tại, thì chẳng hóa ra “mèo tha miếng thịt thì đòi/ hùm vồ con lợn, đứng coi tần ngần” ?
Hàng triệu con mắt trên cả nước đang theo dõi từng động tác của UBND thành phố Hà Nội đối với những công trình xẻ thịt rừng phòng hộ Sóc Sơn. Và hàng triệu người dân đang đặt câu hỏi : Liệu câu nói “đã vi phạm thì phải xử lý, bất kể người đó là ai” của ông chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung mới đây, có trở thành câu nói đùa vui nhất năm 2018 ?
Không có nhận xét nào