Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

PISA VÀ THỰC TRẠNG NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM

PISA VÀ THỰC TRẠNG NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM Nền giáo dục Việt Nam hiện nay, luôn là một vấn đề trăn trở của các nhân sĩ trí thức và các tầng lớ...

PISA VÀ THỰC TRẠNG NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM

Nền giáo dục Việt Nam hiện nay, luôn là một vấn đề trăn trở của các nhân sĩ trí thức và các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong đó có người viết.

Có thể nói, thực tế nền giáo dục Việt Nam hiện tại đã nát bét như tương. Các vấn đề tiêu cực của giáo dục chưa bao giờ nổi cộm và dồn dập như bây giờ. Có lẽ không cần nói thì đa số chúng ta đều nhìn thấy. Vấn đề nổi cộm nhất trong vài tuần qua là các trường hợp giáo viên phạt học sinh bằng cách cho bạn tát tai hàng trăm cái đến mức em học sinh đó phải nhập viện. Sau đó, một học sinh tiểu học khác ở Đống Đa - Hà Nội cũng bị phạt với hình thức tương tự. Vài ngày trước, một cháu bé chỉ mới 7 tuổi, bị tật nguyền, bị cô giáo đánh tới bầm cả thân thể.

Chúng ta nhìn thấy gì ở nền giáo dục này? Khi mà người làm giáo viên, ý thức quá kém cỏi, xem hình phạt như một phong trào và mang tính chất bắt chước, mà không cần hiểu điều đó gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào. Tại sao một giáo viên đứng trên bục giảng hành nghề giáo dục lại có thể dùng các hình phạt có thể nói là vô giáo dục và phi nhân tính để phạt học sinh như vậy?

Bởi vì nền giáo dục này, xã hội này đã dần mai một các giá trị đạo đức. Ở trong một nền giáo dục bị nhồi nhét những kiến thức sai lệch, dễ dãi và máy móc sẽ tạo nên những con người không còn tính giáo dục và nhân văn. Ở trong một nền giáo dục mà con người cứ bị nhồi nhét mớ kiến thức bạo lực của chủ nghĩa Marx - Lenin, nhồi nhét phải tôn thờ lãnh tụ như thần thánh, chủ trương vô thần và không trau dồi đạo đức thì tất nhiên sẽ dẫn đến một xã hội như thế. Người hành nghề giáo dục trở nên thờ ơ, vô cảm, chính bản thân họ còn không hiểu giáo dục chân chính là gì thì làm sao truyền thụ lại cho học sinh?

Chúng ta lại nhìn thấy tuổi trẻ Việt Nam hiện nay đang dần mất đi giá trị thuần phong mỹ tục, lối sống phóng túng và chạy theo những giá trị nông cạn, nhận thức hời hợt. Không có sự văn minh và trở nên dị hợm.

Một con đường đã sai từ khi bắt đầu đi, càng đi càng sai mãi, càng mất dần đạo đức, mất nhân văn minh, tụt hậu về kiến thức và băng hoại xã hội.

Tại sao lại tụt hậu về kiến thức? Bởi vì chính sách giáo dục không bắt kịp với thế giới văn minh, sự sáng tạo bị bóp méo, trở nên bị thui chột và u tối.

Đầu năm nay, báo chí Việt Nam giật tít rất hoành tráng, đó là Việt Nam là một trong 20 quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới(??). Họ đưa lên kết quả được rút ra từ Chương trình đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA), nói rằng Việt Nam xếp hạng thứ 19 trong danh sách 20 quốc gia tốt nhất trên thế giới về giáo dục. Bài viết hôm nay sẽ phân tích về vấn đề này để thấy rõ sự nhận thức mang tính ngụy biện đánh lận của báo chí cộng sản.

PISA LÀ GÌ? 

PISA là chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment) là một khảo sát quốc tế do tổ chức OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development) đề xuất, để đánh giá khả năng của học sinh 15 tuổi của các nước và vùng lãnh thổ trong và ngoài OECD, về toán, khoa học và đọc hiểu. Chương trình được thực hiện từ năm 2000 và cứ 3 năm lặp lại một lần. Mục đích của chương trình là cung cấp các dữ liệu so sánh nhằm giúp các nước cải thiện các chính sách và kết quả giáo dục. Chương trình hướng vào việc đo lường sự hiểu biết và khả năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của học sinh.

Vào năm 2015 có 72 nước và vùng lãnh thổ, với tổng số khoảng 540.000 học sinh tham gia chương trình. PISA khảo sát các mối quan hệ giữa việc học của học sinh và các yếu tố khác để hiểu rõ sự khác biệt về kết quả trong mỗi nước và giữa các nước. PISA kiểm tra mức hiểu biết và vận dụng trong ba lĩnh vực: đọc hiểu, toán và khoa học. PISA không kiểm tra kiến thức thu được tại trường học mà xem xét năng lực phổ thông thực tế của học sinh. Bài thi chú trọng đánh giá khả năng học sinh vận dụng kiến thức và kỹ năng của mình khi đối mặt với những tình huống và thử thách liên quan đến kiến thức và kỹ năng đó.

Kết quả PISA sẽ được công bố vào cuối tháng 12. Có nghĩa là kết quả PISA 2018 sắp được công bố trong vài tuần tới. Vậy nên trong bài viết này sẽ sử dụng kết quả của PISA 2015.

Theo kết quả PISA 2015, về toán học (PISA Mathematics Scores) Việt Nam xếp vị trí 22. Về khoa học (PISA Science Scores) Việt Nam xếp vị trí 8. Về đọc hiểu (PISA Reading Scores) Việt Nam xếp vị trí 30. Điểm trung bình cho 3 phần thi, Việt Nam xếp vị trí thứ 21 (Vậy nên không biết báo giới lấy ở đâu ra vị trí thứ 19??).

Từ kết quả này chúng ta có thể thấy được học sinh Việt Nam tham gia PISA có tư duy rất tốt, điều này cần phải được nhìn nhận và có chính sách tốt để đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Thế nhưng, vấn đề cần thấy rõ là kết quả PISA không nói lên được sự xếp hạng của một nền giáo dục. PISA chỉ khảo sát một số ít học sinh ở lứa tuổi 15, không thể đại diện cho cả một nền giáo dục của quốc gia. Vậy nên giới báo chí Việt Nam cứ giật tít một cách huênh hoang như vậy chẳng khác nào dối trá và tự sướng cả.

Bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings) là bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) - Anh Quốc. Bảng xếp hạng đại học thế giới QS được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới. Thế nhưng vào trang web này, tìm bảng xếp hạng trường đại học của Việt Nam 2018, người viết tìm mỏi mắt cũng không thấy bất cứ trường đại học của Việt Nam nào đứng trong Top 500 của bảng xếp hạng này. Một sự thật rất buồn cho nền giáo dục của chúng ta.

Một nền giáo dục tốt phải dựa vào nhiều tiêu chí: Về giáo trình, kiến thức giáo trình phải phù hợp với sự nhận thức của học sinh và phù hợp với sự nhận thức chung của nền văn minh thế giới. Các phương pháp dạy sáng tạo, kích thích trí não học sinh. Nguồn nhân lực giáo viên giỏi, tận tâm với nghề nghiệp, cơ sở vật chất đầy đủ. Dạy kiến thức và trau dồi đạo đức, bồi dưỡng kỹ năng sống, kích thích tinh thần yêu nước (chứ không phải yêu đảng và yêu bác), độc lập về tư duy... Giáo dục Việt Nam thiếu tất cả những yếu tố trên.

Giáo dục Việt Nam nếu không được cải tổ, nếu vẫn cứ đi theo con đường giáo dục của chế độ cộng sản, tài năng không được bồi dưỡng để trở thành nguồn nhân lực cho đất nước mà lại còn bị bóp nghẹt sự nhận thức và sáng tạo. Nhìn nhận được thực tế để mà thay đổi. Nếu chỉ có tư duy hô hào tự sướng mà không thấy giáo dục Việt Nam đã trở nên u tối, tụt hậu như thế nào thì nền giáo dục đang như con ngựa hoang chạy rông, phi xuống vực thẳm dưới đường lối lãnh đạo sai lệch của đảng cộng sản.

December 11, 2018 Selana 











1 nhận xét

  1. Học sinh VN luôn có điểm số cao ,dù ở các kỳ thi olympic quốc tế hay PISA hoặc học sinh học tập ở các nước ngoài (Đức ,Mỹ,vv...) .Tại sao không thể tự hào vì điểù đó?

    Trả lờiXóa