Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

THÚ VUI RỖNG TUẾCH CỦA BÓNG ĐÁ

THÚ VUI RỖNG TUẾCH CỦA BÓNG ĐÁ Cách đây mấy năm, tôi nghe một bài diễn thuyết xuất sắc của nhà nhân chủng học người Brazil Roberto DaMatta t...

THÚ VUI RỖNG TUẾCH CỦA BÓNG ĐÁ

Cách đây mấy năm, tôi nghe một bài diễn thuyết xuất sắc của nhà nhân chủng học người Brazil Roberto DaMatta trong đó ông giải thích rằng sự phổ biến của bóng đá thể hiện một khao khát tự nhiên về tính hợp pháp, bình đẳng, và tự do.

Lập luận của ông thông minh và thú vị. Theo ông, công chúng xem bóng đá như một kiểu xã hội hình mẫu—một xã hội được quản trị bởi những đạo luật rõ ràng và đơn giản mà mọi người đều hiểu và tuân thủ và, nếu bị vi phạm, sẽ mang đến hình phạt tức khắc cho bên có tội. Sân bóng là một không gian bình đẳng, loại trừ mọi thiên vị và đặc quyền. Ở đây, trên sân cỏ được đánh dấu bằng những đường kẻ trắng, người ta được đánh giá theo con người họ: theo kỹ năng, sự cống hiến, sáng tạo, và hiệu quả của họ. Tên, tiền bạc, và ảnh hưởng không nghĩa lý gì trong việc ghi bàn và nhận được những tràng vỗ tay và tiếng huýt từ khán đài. Cầu thủ bóng đá thực thi hình thức tự do duy nhất mà xã hội có thể cho phép thành viên của mình nếu không muốn tan rã: được làm bất cứ điều gì họ muốn miễn là nó không bị ngăn cấm bởi những quy định mà mọi người đều chấp thuận.

Suy cho cùng, đây là điều khuấy động niềm đam mê của những đám đông trên toàn thế giới đổ vào các sân cỏ, hết mực chú tâm theo dõi các trận đấu trên truyền hình, và cãi cọ nhau về các thần tượng bóng đá: nỗi ghen tị thầm kín, nỗi hoài niệm vô thức về một thế giới—không như thế giới mà họ sống, vốn đầy rẫy bất công, tham nhũng, vô pháp, và bạo lực—của hài hòa, luật pháp, và bình đẳng.

Lý thuyết đẹp đẽ này có thể đúng hay không? Giá mà nó đúng, vì chẳng có gì tích cực cho tương lai của nhân loại hơn có những cảm xúc văn minh ấy nép trong những bản năng sâu thẳm của đám đông. Nhưng, như thường lệ, thực tế vượt lên trên lý thuyết—chứng tỏ nó còn thiếu sót. Các lý thuyết luôn duy lý, luận lý, trí tuệ (ngay cả các lý thuyết đề xuất sự phi lý và điên rồ); nhưng trong xã hội, trong hành vi của con người, sự vô thức, sự phi lý, và sự tự phát thuần túy luôn có vai trò. Điều này vừa không thể tránh khỏi vừa không thể đo lường được.

Tôi viết nguệch ngoạc những dòng này ở một ghế trên sân Nou Camp, vài phút trước khi trận Argentina-Bỉ khai mạc World Cup lần này (Tây Ban Nha 1982). Các dấu hiệu đều thuận lợi: một mặt trời rạng rỡ; một đám đông nhiều màu sắc đầy ấn tượng vẫy cờ Tây Ban Nha, Catalan, Argentina, và vài lá cờ Bỉ, pháo hoa ầm ĩ, một bầu không khí lễ hội và những tràng vỗ tay dành cho các màn khiêu vũ và thể dục nhịp điệu khởi động trận đấu.

Đây là một thế giới hấp dẫn hơn nhiều so với thế giới bị bỏ lại bên ngoài, đằng sau những khán đài của sân Nou Camp và những con người đang tán thưởng các màn khiêu vũ và xếp hình được thực hiện bởi hàng chục người trẻ trên sân. Đây là một thế giới không có chiến tranh, những cuộc chiến như ở Nam Đại Tây Dương và Libăng, chúng bị World Cup giáng xuống vị trí thứ hai trong tâm trí của hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới; họ, giống như những người chúng tôi trên khán đài này, trong hai giờ tới sẽ chẳng nghĩ đến gì ngoài đường chuyền và cú sút của 22 cầu thủ Argentina và Bỉ đang mở màn giải đấu.

Có lẽ lời giải thích cho hiện tượng đương đại phi thường này, niềm đam mê bóng đá—môn thể thao được tôn lên vị thế của một tôn giáo phổ thông, với số tín đồ lớn hơn tất cả—trên thực tế ít phức tạp hơn nhiều so với những gì mà các nhà xã hội học và tâm lý học giả định với chúng ta; có thể bóng đá chỉ đơn giản là cho người ta thứ gì đó họ gần như không bao giờ có thể có: một cơ hội để vui vẻ, để thư giãn, để được phấn khích, để cảm nhận được những cảm xúc mãnh liệt nhất định mà sinh hoạt thường ngày hiếm khi nào cho họ.

Muốn vui vẻ, thư giãn, muốn có một khoảng thời gian thoải mái, là một khát vọng chính đáng nhất—một thứ quyền có giá trị như mong muốn được ăn và làm việc. Vì nhiều lý do, chắc chắn là phức tạp, bóng đá trong thế giới ngày nay đã được đưa vào đảm nhận vai trò này, thành công hơn bất kỳ môn thể thao nào khác.

Những người trong chúng ta có được niềm vui từ bóng đá sẽ không hề ngạc nhiên với sự phổ biến của nó trong vai trò một trò giải trí tập thể. Nhưng có nhiều người không hiểu nó và thậm chí còn chỉ trích nó. Họ xem nó là đáng lên án vì, họ nói, bóng đá làm tha hóa và bần cùng hóa đám đông—đánh lạc hướng họ khỏi những vấn đề quan trọng. Những người nghĩ như thế đã quên rằng có được niềm vui là một điều quan trọng. Họ cũng quên rằng đặc trưng của giải trí, dù căng thẳng và cuốn hút đến đâu (một trận bóng hay thì vô cùng căng thẳng và cuốn hút), là nó phù phiếm, phi siêu việt, vô thưởng vô phạt. Một trải nghiệm nơi tác dụng biến mất cùng lúc với nguyên nhân. 

Thể thao, với những người yêu thích nó, là tình yêu hình thức, một cảnh tượng không vượt lên trên vật chất, cảm giác, cảm xúc tức thời; một cảnh tượng, không như một cuốn sách hay một vở kịch, gần như không để lại dấu vết nào trong ký ức và không làm giàu hay làm nghèo tri thức. Đấy là cái hấp dẫn của nó: nó thú vị và rỗng tuếch. Vì lý do đó, con người thông minh hay không thông minh, văn hóa hay vô văn hóa, đều có thể thưởng thức bóng đá như nhau.

Nhưng đến đây là đủ. Nhà vua đã đến. Hai đội bóng đã ra sân. World Cup đã chính thức bắt đầu. Trận đấu đã bắt đầu. Viết đến đây là đủ. Chúng ta hãy thư giãn một chút.

Barcelona, 1982.

(Tác giả Mario Vargas Llosa- một nhà văn, nhà báo, chính trị gia người Perú. Vargas Llosa là một trong những cây bút Mỹ La Tinh nổi trội trong lĩnh vực tiểu quyết và tiểu luận, cũng là một trong những tác giả hàng đầu thuộc thế hệ của mình.)

Bản dịch © 2016 Nguyễn Huy Hoàng.

Chú thích: Nguồn ảnh từ Elpais



Không có nhận xét nào