Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TRUNG QUỐC VỚI CHIẾN LƯỢC “QUYỀN LỰC MỀM” QUYẾT TÂM THÂM NHẬP VÀO CHÂU MỸ LATIN

TRUNG QUỐC VỚI CHIẾN LƯỢC “QUYỀN LỰC MỀM” QUYẾT TÂM THÂM NHẬP VÀO CHÂU MỸ LATIN Hôm Chúa Nhật vừa qua, 2/12/2018, sau khi kết thúc hội nghị ...

TRUNG QUỐC VỚI CHIẾN LƯỢC “QUYỀN LỰC MỀM” QUYẾT TÂM THÂM NHẬP VÀO CHÂU MỸ LATIN

Hôm Chúa Nhật vừa qua, 2/12/2018, sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức Panama.

Đây là chuyến thăm Panama đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 13/6/2017 sau khi Panama cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và quay sang thiết lập quan hệ đồng minh chính thức với Trung Quốc.

Trong buổi hội đàm với Tổng thống Panama Juan Carlos Varela, Trung Quốc và Panama đã thảo luận về những mục tiêu cụ thể và tầm nhìn chung nhằm tăng cường quan hệ song phương trên nhiều mặt.

Hai bên cũng trao đổi về nghiên cứu khả thi cho dự án xây dựng tuyến đường sắt từ thủ đô Panama City tới biên giới với Costa Rica.

Hiện tại Panama và Trung Quốc đang tiến hành các vòng đàm phán về Hiệp định thương mại tư do (FTA) song phương, nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại.

Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, với 19 thỏa thuận vừa ký kết, Panama và Trung Quốc đã ký tổng cộng 44 văn bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác về vận tải biển, hàng không, thương mại, thị thực du lịch, hải quan, giáo dục và năng lượng.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Panama. Trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Panama sang Trung Quốc đạt 47 triệu USD với các mặt hàng xuất khẩu chính gồm cà phê, cacao, da bò, bột cá, trái cây và thủy sản.

Trong khi đó, Panama nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, vô tuyến, hàng dệt may, lốp xe, đồ chơi và giày dép.

Mới đây, hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China đã chính thức khai trương đường bay trực tiếp giữa Bắc Kinh và Thành phố Panama, thủ đô của Panama.

Cơ quan du lịch Panama dự báo, với việc khai thác các đường bay thẳng, giao thương giữa hai nước sẽ được đẩy mạnh và lượng khách du lịch Trung Quốc tới Panama sẽ tăng mạnh từ 22.000 lượt khách trong năm 2017 lên 50.000 lượt khách trong năm nay và dự kiến đạt 150.000 lượt khách vào năm 2019.

Mặt khác, các tàu bè của Trung Quốc đứng thứ 2 về mức độ sử dụng kênh đào Panama, nguồn thu chính của quốc gia Trung Mỹ này. Hiện tại có 70 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Panama.

SƠ LƯỢC VỀ PANAMA

Panama là một quốc gia nhỏ tại Trung Mỹ, với dân số 4.099 triệu người (2017); GDP quốc gia 61.84 tỷ USD (2017) và GDP bình quân đầu người (GDP per capita) 15,087.68 USD (2017). Panama là một nước có nền kinh tế ổn định nhất trong số các nước Châu Mỹ Latin. Tốc độ tăng trưởng GDP (GDP growth rate) vào năm 2017 là 5,4%, tuy nhiên sự tăng trưởng này có chiều hướng sụt giảm kể từ năm 2011. 

Panama có các lĩnh vực dịch vụ tiên tiến chiếm khoảng 75% GDP. Nền kinh tế Panama là nền kinh tế bị đô la hóa, cơ bản dựa trên các hoạt động dịch vụ với chất lượng cao, chiếm tới 3/4 tổng sản phẩm quốc nội. Các dịch vụ bao gồm kênh đào Panama, ngân hàng, Khu thương mại tự do Colon, bảo hiểm, cảng container và du lịch. Trong đó, khu thương mại tự do Colon trao đổi thương mại đạt trị giá hơn 10 tỷ USD/năm, đóng góp 6,18% GDP cho Panama (2017). Và kênh đào Panama, dài 80 km nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, mang lại lợi ích kinh tế quan trọng cho Panama và giúp các tàu biển tiết kiệm thời gian và chi phí trong vận tải đường biển. Kênh đào Panama được xây dựng cho một luồng giao thông khoảng hơn 13.000 lượt tàu thuyền hàng năm và thông qua đường vận chuyển này đã tạo ra nguồn lợi nhuận kinh tế đáng kể cho thương mại quốc tế.

Có thể thấy rằng việc Trung Quốc "chiêu dụ'' được Panama làm đồng minh là một thuận lợi cho sự thâm nhập vào khu vực Châu Mỹ Latin, nơi mà trước giờ vốn do Hoa Kỳ ''làm chủ''. Ngoài Panama, các quốc gia Châu Mỹ Latin khác đặt biệt ở Trung Mỹ và Nam Mỹ đã ngả về Trung Quốc như Cộng hòa Dominica và El Salvador; Các quốc gia khác như Guatemala, Honduras đang dần dần ngả về Trung Quốc nhất là sau xung đột với Hoa Kỳ về vấn đề di dân, chính quyền Tổng thống Trump đã lên án và tuyên bố sẽ ngừng viện trợ cho các quốc gia này vì không ngăn chặn được luồng hàng nghìn di dân đến Hoa Kỳ vào tháng 10/2018 vừa qua. Kể cả Caribe cũng đang hướng về Trung Quốc.

Đây được xem là sự thách thức của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ trong vài năm qua, làm dấy lên sự lo ngại của Hoa Kỳ đối với sự bành trướng của Trung Quốc ở Châu Mỹ. Với ''sở trường'' cho vay nợ, Trung Quốc dần đưa các quốc gia này vào thế không thể hoàn trả và ''sập bẫy nợ''; Sự mất cân bằng trong mậu dịch thu lợi về cho Trung Quốc rất lớn từ các quốc gia này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây Trung Quốc đã bị mất đi một quốc gia được xem là đồng minh của Trung Quốc trong WTO, đó là Ba Tây (Brazil). Ba Tây và Trung quốc có mối quan hệ hợp tác khá là hữu hảo kể từ năm 1989, các đời tổng thống tiền nhiệm trước đây của Ba Tây thuộc cánh tả và giao hảo với Trung Quốc. Tháng 10 vừa qua, tân tổng thống Jair Bolsonaro đắc cử, ông thuộc phe cực hữu và tuyên bố công khai chống lại sách lược của Trung Quốc ''thu mua Brazil''.

CHIẾN LƯỢC ''QUYỀN LỰC MỀM'' CỦA TRUNG QUỐC

Kể từ năm 2008, đảng cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố một mục tiêu mới, đó là xây dựng "quyền lực mềm", như một trợ thủ cho sức mạnh quân sự và kinh tế đang gia tăng nhanh chóng của Bắc Kinh. Theo chuyên gia David Shambaugh của Đại học George Washington, Trung Quốc đang dành đến 10 tỷ USD mỗi năm cho dự án này, một trong những chương trình marketing của chính quyền Trung Cộng hao tốn tiền của nhất mà nhân loại từng thấy. Trong khi ở Trung Quốc hiện đang có khoảng 30 triệu người đang đói khổ cùng cực và khoảng 350 triệu người thuộc diện nghèo nàn. Thế nhưng đảng Cộng sản Trung Quốc không giải quyết được vấn đề cho công dân của mình, chỉ chăm chút vào sách lược bành trướng đế quốc.

Và ở Hoa Kỳ, ông Shambaugh ước tính nước Mỹ chỉ dành chưa đến 670 triệu USD cho chương trình "ngoại giao công chúng" vào năm 2014.

Đảng cộng sản Trung Quốc vay mượn ý tưởng quyền lực mềm từ một học giả người Mỹ, ông Joseph Nye, người đã phát minh ra thuật ngữ này vào năm 1990. Ông Nye cho rằng chỉ quyền lực cứng không thôi là chưa đủ để thâu tóm được sức ảnh hưởng trên thế giới, mà điều đó còn phải đến từ "quyền lực mềm của sự thu hút". Và Trung Quốc đã quyết định rằng nước này cũng cần có thứ quyền lực như vậy.

Trung Quốc đã thúc đẩy hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở khắp châu Á, Trung Đông, Phi Châu và cả Âu Châu, những năm gần đây là Châu Mỹ Latin. Sáng kiến "Vành đai và con đường" theo như tuyên bố của Trung Quốc là ''hướng đến mục đích bồi đắp cho hình ảnh một quốc gia với mong muốn chia sẻ sự thịnh vượng của mình với thế giới''. Thế nhưng thịnh vượng đâu không thấy, chỉ thấy sáng kiến này đã trở thành ''tối kiến'' vì nó đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều quốc gia khi rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc và làm cho các quốc gia này phụ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc. Và cộng sản Việt Nam đang lao vào bẫy sập này một cách ngoan ngoãn.

Tham vọng của Trung Quốc đã không còn là vấn đề phải bàn cãi. Sự tung hoành ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông và chiến lược ''quyền lực mềm'' dùng tiền để chiêu dụ các quốc gia nhược tiểu. Chiếc vòi của Trung Cộng đã vươn đi khắp thế giới. Cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ trong vài tháng qua đã làm sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại. Trung Quốc buộc phải thương thuyết ở vị trí thấp hơn Hoa Kỳ trong Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua để tạm dừng cuộc chiến mà Trung Quốc đã bị thiệt hại gấp đôi so với Hoa Kỳ. 90 ngày tạm dừng đem lại những lợi ích tạm thời cho cả hai quốc gia cũng như lợi ích cho mậu dịch thế giới. Thương thuyết buộc Trung Quốc phải tuân thủ các điều kiện của Hoa Kỳ đưa ra về sở hữu trí tuệ, giảm thuế nhập ô tô từ Hoa Kỳ vào Trung Quốc và Trung Quốc phải thu mua hàng hóa của Hoa Kỳ ngay lập tức, các mặt hàng nông sản, năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm khác từ Mỹ để giảm sự mất cân bằng mậu dịch giữa hai quốc gia.

Chín mươi ngày đình chiến sẽ mang lại lợi ích tạm thời cho đôi bên, nhưng về lâu dài, với bản chất tráo trở của Trung cộng thì khó mà tuân thủ hiệp ước. Thêm vào đó, đường đi còn rất dài, có lẽ Hoa Kỳ và thế giới không lạ gì với dã tâm của Trung Quốc, vậy nên ''cuộc chơi'' kịch tính vẫn đang ở phía trước.

Hãy cứ chờ xem!

Salena Zen

December 4, 2018



Không có nhận xét nào