Về sự cẩn thận mà bạn nên có khi đọc công trình nghiên cứu học thuật về bộ Tam Thiên Tự Giải Âm của thầy Ngô Thanh Nhàn và cô Lê Mai Phương ...
Về sự cẩn thận mà bạn nên có khi đọc công trình nghiên cứu học thuật về bộ Tam Thiên Tự Giải Âm của thầy Ngô Thanh Nhàn và cô Lê Mai Phương
Bài viết tiếng Anh của thầy cô tại đây >> http://mlp.cs.nyu.edu/nlv/tttgatexts.html.
Đây là một công trình nghiên cứu học thuật cực hay, nhất là nếu bạn đang tìm về học lại tiếng Việt.
Nhưng trước khi bạn mê công trình nghiên cứu học thuật này, mình khuyên bạn nên cẩn thận với 4 trường hợp sau đây mà thầy cô mắc phải. Những lỗi này có thể sẽ làm kiến thức Hán Nôm của bạn bị sai đi khi nghiên cứu về tiếng Việt chữ Nôm trong bộ Tam Thiên Tự Giải Âm.
Và rất có thể bạn đọc xong bài này, bạn sẽ đặt dấu chấm hỏi về sự nghiêm túc trong học thuật của thầy Ngô Thanh Nhàn và cô Lê Mai Phương trong công cuộc nghiên cứu Hán Nôm.
Bạn lưu ý là để so sánh, mình dùng bộ Tam Thiên Tự Giải Âm bản Phú Văn Đường Tân Mão mã số R.0486 tại đây >> http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/609/?fbclid=IwAR3tFmfMIzDAwZFebiF349LnNgXDbmQ4_pCEZp8g1jf_g4EWn_hxNiGqa0c.
Và 2 bản Phú Văn Đường và Liễu Văn Đường từ thư viện bên Pháp mà mình đã chia sẻ cùng bạn (xem >> https://www.facebook.com/brian.wu.121772/posts/2128116770772607).
Và trong bài viết trên, thầy Ngô Thanh Nhàn và cô Lê Mai Phương cho chúng ta biết là thầy cô dùng bản R.0486 nêu trên.
Đây, 4 trường hợp mình phát hiện ra là:
****
1. Trường hợp 1 - Bản in có thể in chữ sai, nhưng thầy cô hoàn toàn KHÔNG CHO bạn biết điều ấy, và họ tự chỉnh sửa lại sự sai này.
Ví dụ chữ Hán 26. 來 lai.
Trong bản in rõ ràng phần diễn Nôm in là chữ Đông 東 (tức hướng Đông - the East). Như vậy ở đây chắc chữ Nôm Đông 東 đã bị in sai, vì chữ Hán Lai 來 diễn Nôm cần là Lại 吏 (đi lại - coming).
Nhưng trong bài phân tích, thầy cô hoàn toàn KHÔNG HỀ cho ta biết điều ấy. Mà đáng ngờ hơn, là thầy cô lại khẳng định "來 lai 26::≪來:吏≫ (lai: lại)".
Như vậy, khi thầy cô khẳng định có dòng in "來 lai 吏 lại", không hiểu là thầy cô đã đọc bản Tam Thiên Tự Giải Âm nào ?
Mà nếu không có bản Tam Thiên Tự Giải Âm nào in "來 lai 吏 lại", nhưng thầy cô lại tự ý chỉnh sửa từ câu ""來 lai 東 đông" thành ra "來 lai 吏 lại", thì đó là sự chỉnh sửa hoàn toàn không thể nào chấp nhận được trong một công trình nghiên cứu học thuật.
Vậy không hiểu có phải "來 lai 吏 lại" là từ Hán Nôm duy nhất mà thầy cô đã tự mình chỉnh sửa và không cho độc giả biết không ? Chúng ta có hơn 3000 (3 ngàn) chữ Hán trong bộ Tam Thiên Tự Giải Âm. Ba ngàn chữ bạn ạ.
****
2. Trường hợp 2 - Thầy cô cố ý diễn âm sai từ Hán Việt để "hợp lý hóa" cách diễn Nôm
Ví dụ chữ Hán 131. 盻 Hễ.
Trong bản in rõ ràng chữ Hán được in là 盻 Hễ.
Vậy mà không hiểu tại sao, thầy cô lại diễn âm luôn chữ Hán Hễ 盻 thành ra là Miện (tức "盻 miện 131::≪盻:音⨂𥆁≫ (miện: âm x liếc)") ?
Và trong bản mã số R.0 486 xem ra phần chữ Nôm bị mất đi, nên chắc vì vậy mà thầy cô ghi là không biết là gì (≪盻:音⨂𥆁≫) ?
Còn trong 2 bản của thư viện bên Pháp, có in rõ ràng là 盻 音沔𥆁 Hễ âm Miễn liếc.
Chữ Hán Hễ 盻 có nghĩa là lườm quýt. Câu "âm Miễn liếc 音沔𥆁" có nghĩa là đọc âm Hán Việt của chữ Hán 盻 theo cách đọc Hán Việt của chữ Hán 沔, tức ở đây diễn âm Hán Việt chữ 盻 là miễn 沔 (美辨切,音緬), và tiếng Việt đọc là Liếc 𥆁.
Nhưng nếu bạn để ý, chữ Hán 盻 Hễ không thể nào đọc âm Hán Việt là Miễn 沔 cả.
Như vậy, trong bộ Tam Thiên Tự Giải Âm của thư viện tiếng Pháp, hoặc là chữ Hán Hễ 盻 bị in sai, hoặc là chữ Hán Miễn 沔 bị in sai. Nếu đọc theo âm Hán Việt là Hễ 盻, thì ta cần tìm một chữ Hán khác đọc là Hễ, và chữ Hán Miễn 沔 là sai. Ngược lại, nếu đọc theo chữ Hán khác là Miễn 沔, thì chữ Hán Hễ 盻 là sai.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, chữ Hán Hễ 盻 không thể nào diễn âm Hán Việt là Miện, vì chữ Hán Miện là chữ 眄 này.
Nên cũng như trong trường hợp 1, thầy cô hoàn toàn không hề viết chú thích gì ở đây và tự ý diễn âm chữ Hán Hễ 盻 thành ra Miện 眄 mà theo mình, chắc là để "hợp lý hóa" chữ Hán Miện 眄 nghĩa là chữ Nôm Liếc 𥆁.
Vậy chữ Hán Miện là chữ Nôm Liếc thầy cô đã lấy ở đâu ra ? Thì mình đoán là nếu bạn đọc bộ Tam Thiên Tự Giải Dịch Quốc Ngữ năm 1915, đó chính là cách vị soạn giả trong ấy đã nêu.
Chú còn nếu bạn đọc bộ Tam Thiên Tự Giải Âm, chỉ có chữ Hán Hễ 盻. Mà thật ra, chữ Hán Hễ 盻 đã có nghĩa là lườm quýt mà lườm quýt là cách liếc ghét một ai đó hay một điều gì đó, rất đúng với động từ liếc.
Và nếu bạn để ý, khi bạn đọc câu "trác đẳng, hàm hòm, khuy dòm, sát xét, HỄ 盻 liếc 𥆁, chiêm xem, muội em, tỷ chị", thì câu thơ vần hơn nhiều với "trác đẳng, hàm hòm, khuy dòm, sát xét, MIỆN 眄 liếc 𥆁, chiêm xem, muội em, tỷ chị".
Tại sao lại có sự chuyển chữ Hán gốc Hễ 盻 thành ra chữ Hán Miện 眄 của vị soạn giả bộ Tam Thiên Tự Giải Dịch Quốc Ngữ năm 1915 thì chúng ta không biết.
Nhưng chắc là chữ Hán Hễ 盻 không thể nào diễn âm Hán Việt là Miện 眄 cả. Nên rất có thể ở đây, thầy cô đã dùng cách giải thích của bộ Tam Thiên Tự Giải Dịch Quốc Ngữ năm 1915 rồi ụp lên bộ Tam Thiên Tự Giải Âm. Mà làm như vậy là hoàn toàn phản khoa học, nhất là thầy cô tự mình diễn âm chữ Hán Hễ 盻 thành ra là Miện.
****
3. Trường hợp 3 - Thầy cô có thể đã giảng sai câu diễn Nôm
Ví dụ chữ Hán 117. 騶 Sô.
Trong bản in đoạn này được in là 騶 馭騶 Sô ngựa sô.
Thầy cô đã liệt kê cụm từ ngựa sô 馭騶 vào dạng thú vật (xem >> https://cs.nyu.edu/~nhan/A_textual_study_of_2-versions_of_Tam-Thien-Tu.pdf?fbclid=IwAR2qAFFk_z2EaD_nEUlLeWsOUDwb1ZxctQVOQApmpjJ3-l56GAnmZdREgrI, đoạn "Thú vật ... 騶:馭騶 sô: ngựa sô (ô 117, 5b.3.5)"
Nhưng nếu ta đọc kỹ lại bộ Tam Thiên Tự Giải Âm, thì cụm từ ngựa sô 馭騶 trong này chưa bao giờ là dùng để chỉ cho thú vật hay con thú nào gọi là ngựa sô cả. Đáng ra, ngựa sô 馭騶 là từ cụm từ Hán ngữ là Sô Ngự 騶馭. Mà một trong ý nghĩa của Sô Ngự chính là Xe Ngựa / Ngựa Xe trong tiếng Việt chúng ta thường dùng (指車馬 - 車和馬。古代陸上的主要交通工具 xem >> http://cd.hwxnet.com/view/ogokiobkkllajfja.html). Ngựa Xe như trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã viết "Ngựa xe như nước áo quần như nêm".
Vậy ngựa sô 馭騶 ở đây nên hiểu đại khái là chỉ chung cho các phương tiện giao thông trên bộ thời xưa, chứ không là con vật có tên là ngựa sô.
Và tại sao mình biết ngựa sô không là động vật ? Bởi vì ngay bên dưới chữ Sô 騶 là chữ Giá 駕 được giải thích là Xa Giá 車駕. Mà Xa Giá 車駕 chắc không là để chỉ cho một động vật nào đó.
Như vậy ở đây, thầy cô khẳng định 騶 馭騶 Sô ngựa sô để chỉ thú vật là không đúng. Ngựa sô 馭騶 ở đây cần được hiểu là một dạng phương tiên giao thông trên cạn, tức Ngựa Xe như từ tiếng Việt mà chúng ta dùng ngày nay.
****
4. Trường hợp 4 - Thầy cô đã tự mình sửa cả chữ Hán gốc
Ví dụ chữ Hán 111. 韭 Cửu.
Trong bản in đoạn này rõ ràng được in là 韭 音九𦵠 Cửu âm cửu hẹ.
Nhưng trong bài phân tích, thầy cô viết là 菲 phỉ 111::≪菲:音九𦵠≫ (phỉ: âm cửu, hẹ).
Như vậy điều này cho chúng ta thấy, thầy cô không hề đọc / dùng chữ 韭 Cửu (tức rau hẹ) được chú thích là "âm Cửu hẹ" trong bộ Tam Thiên Tự Giải Âm, mà chắc là thầy cô đã lấy chữ 菲 Phỉ trong bộ Tam Thiên Tự Giải Dịch Quốc Ngữ bản năm 1915 hay đâu đó, rồi úp vô để khẳng định rằng là bộ Tam Thiên Tự Giải Âm có viết chữ Phỉ 菲.
****
Như vậy với 4 trường hợp trên, mình rất băn khoăn là thật sự thầy cô (và các học trò của thầy cô) có thật sự đọc và nghiên cứu các bộ Tam Thiên Tự Giải Âm không ? Hay là thầy cô và học trò ỷ y và dẫn đến tình trạng trong bài viết, thầy cô đã tự mình trộn lẫn, chỉnh sửa, gò ép cách đọc chữ Hán Nôm như mình đã nêu trên ?
Và bạn để ý là:
1. Mình mới chỉ dò có 2 hoặc 3 trang đầu của bộ Tam Thiên Tự Giải Âm (tức là mới dò có khoảng 150 chữ đầu tiên trong 3000 ngàn chữ được in) trong 2 tiếng đồng hồ mà đã phát hiện 4 trường hợp nêu trên.
2. Bản R.0486 hoàn toàn viết rất khác với những gì thầy cô đã phân tích. Mà đáng sợ hơn, là có thể những chữ không có trong bản Phú Văn Đường mã số R.0486 mà thầy cô tự ý đưa vô, ví dụ như chữ Hán 111. 菲 Phỉ, là chữ chưa bao giờ có trong bản mã số R.0486 cả, mà là trong bản Tam Thiên Tự Giải Dịch Quốc Ngữ năm 1915. Đó là lý do tại sao mình nghĩ công trình nghiên cứu học thuật này KHÔNG THỂ nào được xem là một công trình nghiên cứu học thuật nghiêm túc về bộ Tam Thiên Tự Giải Âm bản Phú Văn Đường mã số R.0486 cả. Làm thế nào mà thầy cô lại có thể xóa cả chữ Hán trong bản gốc và thay thế bằng một chữ Hán khác trong bản rất sau này thời thế kỷ 20 nhỉ ?
2. Và chắc chắn ở Mỹ, nếu một tác giả khi viết về một công trình nghiên cứu học thuật dạng tử ngữ này, vị tác giả ấy không bao giờ dám hoặc cho phép mình được quyền chỉnh sửa chữ dù chỉ 1 (MÔT) chữ trong bản in / khắc. Chỉnh sửa nguyên tác bản gốc là điều không bao giờ được chấp nhận trong một công trình nghiên cứu học thuật cả. Nên mình thật sự đặt câu hỏi rất lớn cho thầy Ngô Thanh Nhàn và cô Lê Mai Phương, là 2 giáo sư bên Mỹ, là làm thế nào mà thầy cô lại có thể chỉnh sửa cả chữ Nôm, gò cách đọc chữ Hán, và đáng sợ hơn, là đổi cả chữ Hán gốc, đem cả chữ Hán từ các bản khác vào, mà không để lại một dòng chú thích nào cả ? Thầy cô làm việc như vậy là phản khoa học và thật sự không thể chấp nhận được, nhất là thầy cô lại là giáo sư ở bên Mỹ.
Rồi đáng ngờ hơn nữa, là không hiểu thầy cô đã dựa vào nguồn nào mà tung hô rằng là bộ Tam Thiên Tự Giải Âm là do ngài Ngô Thời Nhậm soạn, rồi viết khen đầy vào đó ?
Nên chắc là thầy Ngô Thanh Nhàn lẫn cô Lê Mai Phương đồng ý với Brian rằng, bên Mỹ mà thầy cô viết như vậy, sinh viên sẽ không bao giờ dùng công trình nghiên cứu học thuật này của thầy cô vào việc nghiên cứu cả. Nhưng đáng nói hơn, sinh viên (và chắc chắn là nhà trường) sẽ yêu cầu thầy cô giải thích tại sao ở đây, thầy cô lại có thể làm những điều hoàn toàn phản khoa học cho một công trình nghiên cứu học thuật nghiêm túc và rất quan trọng như bài viết này ? Liệu đây có phải là cách thầy cô hoặc các học giả Hán Nôm Việt Nam đã và đang làm xưa nay không ? Đã có ai nêu lên điều này chưa ?
Nếu Brian sai, mời thầy cô và các bạn cứ lên tiếng.
Nếu thầy cô sai, thì chắc là thầy cô cần tự hiểu phải làm gì.
Mời bạn tham khảo.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào