Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VIẾT VỀ EM, LÊ NGUYỄN MINH QUANG.

VIẾT VỀ EM, LÊ NGUYỄN MINH QUANG. Vào ngày 21/12 vừa qua, ông Lê Nguyễn Minh Quang chính thức nộp đơn từ chức chức vụ Trường ban Quản lý Đườ...

VIẾT VỀ EM, LÊ NGUYỄN MINH QUANG.

Vào ngày 21/12 vừa qua, ông Lê Nguyễn Minh Quang chính thức nộp đơn từ chức chức vụ Trường ban Quản lý Đường sắt Đô thị TPHCM, và cùng lúc đó báo chí trong nước liên tục nêu lên những bất cập trong việc thi công tuyến métro số 1 Suối Tiên – chợ Bến Thành.  Vốn là một người đã từng quen biết với ông Quang, tôi xin đóng góp một vài suy nghĩ.

Tôi biết Quang khi anh em chúng tôi học chung tại Phòng Nghiên cứu Cơ học Đất tại Ecole Centrale nằm ở ngoại ô Paris vào năm 1995. Gọi là học chung chứ lúc ấy Quang đang làm luận án tiến sĩ, còn tôi đang theo cao học. Hôm ấy tôi đang đứng đọc tin tức trên bảng thông tin của Phòng, bỗng có người vỗ vai:

– Anh là anh Phạm Minh Hoàng phải không?

Người đó chính là Quang. Thú thật, cái ấn tượng nhất khi đối diện là….cái mỏ của hắn. Quang vốn người Nam, ăn to nói lớn, cái mỏ đã chiếm hết mọi thứ trên khuôn mặt của hắn. Tuy nhiên, đó là tất cả những "cái xấu", phần còn lại thì tôi lại có một ấn tượng hoàn toàn khác. Quang thực sự là một sinh viên xuất sắc :
– Em tốt nghiệp ở Bách Khoa, ngành xây dựng. Em chỉ có huy chương bạc thôi…

"Chỉ có huy chương bạc". Sau này về dạy tại Bách Khoa tôi mới biết có được thành tích này không phải dễ. Quang phải đánh bại 300 bạn cùng khóa. Điều này không phải ai cũng làm được.
Có một hôm đi ăn trưa với thầy Jean–Louis Favre, là thầy của hai chúng tôi, thầy còn là người hướng dẫn luận văn tiến sĩ của Quang. Thầy đã kể cho tôi biết gia cảnh của Quang và đã dùng những mỹ từ để khen ngợi thành tích học tập của Quang từ giai đoạn cao học sang đến tiến sĩ. Sau đó, thầy Favre đã đưa cho tôi xem lá thư gởi những đại học VN, mong VN tiếp tục gởi đến cho Trường những cá nhân xuất sắc như Quang.

Sau lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy, hai chúng tôi mỗi người một ngả nhưng rút cuộc lại "hội tụ" về Việt Nam. Cả hai cùng có một mục đích là đem khả năng của mình để làm một cái gì đó cho đất nước. "Cái gì đó" thì giống, nhưng phương cách thực hiện thì khác. Viết vậy chắc mọi người đều hiểu. Trong khi tôi đi dạy học thì Quang trở thành Tổng giám đốc của công ty Bachy Soletanche (BS) chi nhánh Việt Nam. Tôi nghĩ là Quang đã được làm ở một vị trí thực sự đúng với khả năng của mình. BS là công ty hàng đầu của Pháp về nền móng cũng như xử lý môi trường đất chống ô nhiễm. Tôi còn nhớ là luận án tiến sĩ của Quang cũng nghiên cứu về vấn đề này.

Song song với chức vụ chuyên môn, có một dạo anh đã trở thành đại biểu Hội đồng Nhân dân TPHCM. Điều này làm tôi hơi bất ngờ, nhưng tôi chợt nghĩ đến ông Đặng Văn Khoa, người đã từng bê cái ống cống vào nghị trường để tố cáo cách thi công gian dối. Tôi nghĩ Quang cũng muốn góp tiếng nói của mình song song với kiến thức hàn lâm để "làm một cái gì đó" tốt hơn.
Năm 2016, Quang được bổ nhiệm làm Trường ban Quản lý Đường sắt Đô thị TPHCM. Có lẽ đối với những người làm kỹ thuật như anh, đây phải nói là tột đỉnh vinh quang. Tuyến số 1 kéo dài từ Suối Tiên đến chợ Bến Thành có tổng chiều dài gần 20 km trong đó có khoảng 2 km chạy ngầm. Phải nói rằng đây đúng là một nơi để Quang thi thố tài năng vì nó hoàn toàn phù hợp với khả năng của anh. Tưởng cũng nên nhắc lại là dự án đã đưọc khởi công từ năm 2012 do nhà thầu Sumitomo Nhật Bản thực hiện. Ban đầu, ngân sách được phê duyệt tổng vốn đầu tư là 1.09 tỷ USD (19.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, đến giữa năm 2017, Quang có than phiền tiến độ giải ngân quá chậm và lo lắng đến việc thi công. Sau đó, trong một lần trả lời trên báo Tuổi Trẻ vào tháng 10/2017, Quang cho rằng cứ tiếp tục không giải quyết được chuyện giải ngân thì đồng loạt các nhà thầu Nhật Bản sẽ giãn tiến độ, thậm chí có nhà thầu đã đặt vấn đề xem xét việc tố tụng. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch hoàn thành dự án vào năm 2020.
Mọi nỗ lực của Quang và cộng sự đều vô vọng. Cuối tháng 11/2018, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Umeda Kunio đã gửi thư tới Thủ tướng Phúc, thành ủy Nhân và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan bày tỏ quan ngại về tiến độ triển khai, cấp vốn cho dự án tuyến metro số 1. Ông cho biết hiện số tiền chậm thanh toán đã lên đến hơn 100 triệu USD và nêu quan ngại rằng nếu đến cuối tháng 12 mà các vấn đề này không được giải quyết, dự án sẽ buộc phải ngừng thi công. Đến ngày 21/12, nghe nói Quang đã xin từ nhiệm.

Trên mạng mấy ngày nay người ta có thể thấy rất nhiều tờ báo, nhiều cơ quan lên tiếng đả kích Quang, cho rằng anh đã "tư túi" qua việc giảm bức tường vây từ 2 m xuống còn 1.5 mét. Tuy nhiên, phần lớn những lời buộc tội này đều xuất phát từ cảm tính và hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Trong khi đó, theo những chuyên gia như TS Phùng Đức Long, Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình VN, người đã 15 năm kinh nghiệm về các công trình hầm, ngầm ở Thụy Điển thì "chưa bao giờ có tường dày tới 2 m” và  "nếu tôi chịu trách nhiệm thiết kế hay đánh giá độc lập, tôi cũng sẽ nghiêng về giải pháp 1,5 m, thậm chí nhỏ hơn”. Ngay cả sở Giao Thông Vận Tải cũng chỉ ra các công trình cực kỳ phức tạp ở lân cận như Sài Gòn không có tường vây nào dày hơn 1,5 m. Và sau cùng, các tính toán này đã được kiểm định bởi các cơ quan độc lập và uy tín như Tư vấn Nhật Bản Nippon Koei, các giáo sư Trường Đại học Xây dựng cũng như Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông Vận tải TEDI (thuộc Bộ GTVT) . Tất cả đều kết luận giải pháp 1,5m vẫn nằm ở mức an toàn cho phép.

Nhiều người cho rằng Quang có lỗi khi để công trình đội vốn từ 1,09 tỷ lên 2,4 tỷ USD ! Họ có biết rằng với 1,09 tỷ thì chỉ đủ xây vài nhà ga, nhưng sau đó do các “ý tưởng” mới phát sinh, Thành phố cho xây thêm tới 14 nhà ga để ghé các cao ốc cao cấp mọc sẵn dọc theo tuyến métro. Kết quả là vốn mới đội lên 2,4 tỷ USD. Chưa hết, thử kể cho tôi một công trình trên thế giới mà không bị đội vốn ! Thí dụ lớn nhất là công trình đường hầm dưới biển Manche đưọc thực hiện bởi hai cường quốc công nghệ là Anh và Pháp. Vốn dự trù 4,3 tỷ euro, vốn hoàn tất 15 tỷ !

Câu hỏi tôi muốn đặt ra ở đây mà nhiều người không (muốn) nhắc tới, đó là tại sao sau nhiều lần Quang "khẩn khoản van nài" chính phủ giải quyết mà việc giải ngân vẫn không được thực hiện? Tại sao phải để đại sứ Umeda Kunio viết thư đe dọa để rồi sau đó lôi việc chỉnh sửa thiết kế tường vây để áp lực Quang từ chức cho dù mọi thẩm tra kỹ thuật đều xác minh an toàn? Rõ ràng là đang có những thế lực đang dùng anh làm vật tế thần cho những cáo buộc nặng nề của chính phủ Nhật.

Cùng là những người có tâm nguyện "làm cái gì đó" cho đất nước sau khi học xong ở nước ngoài nên tôi hoàn toàn thông hiểu những đóng góp của anh cũng như những ê chề mà anh đang mang trong lòng lúc này. Tôi nghĩ Bachy Soletanche vẫn đang mong anh trở về đóng góp cho họ nhưng có lẽ khi ngồi vào văn phòng cũ cách đây 2 năm anh sẽ mang một tâm trạng hoàn toàn khác. 

Nhiều người vẫn cho rằng biết bao du học sinh vẫn trở về và làm việc tốt, có sao đâu ?! Tôi đồng ý. Tuy nhiên, các anh chị ấy chỉ cần cù như những con tằm nhả tơ và chọn thái độ đứng bên ngoài mọi vấn đề của xã hội – cho đến khi những vấn đề ấy đụng đến gót chân của họ. Có điều lúc ấy họ đã ở một vị thế cao ráo, an toàn. 

Khi nhậm chức năm 2016, Quang đã mạnh dạn và lạc quan tuyên bố :"Tôi không thể tiếp tục đứng dưới sân ga". 

Chuyến tàu này này quả thực không có chỗ cho những người như Quang.





(Hình Anh Lê Nguyển Minh Quang và Phòng Thí Nghiệm Cơ Học Ecole Centrale nơi hai anh em chúng tôi học chung)

Phạm Minh Hoàng

Không có nhận xét nào