Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Ý NIỆM VỀ TINH THẦN VÀ NGHỆ THUẬT

Ý NIỆM VỀ TINH THẦN VÀ NGHỆ THUẬT Chúng ta cũng phải chấp nhận rằng, vì không có một cuộc sống và ý niệm về tinh thần mà chỉ có sự giáo dục ...

Ý NIỆM VỀ TINH THẦN VÀ NGHỆ THUẬT

Chúng ta cũng phải chấp nhận rằng, vì không có một cuộc sống và ý niệm về tinh thần mà chỉ có sự giáo dục với việc tôn sùng vật chất như là một nguyên lý sống cốt lõi, cho nên kể từ thời đại đó, nó không sản sinh ra những giá trị nghệ thuật, đặc biệt là công trình hay kiến trúc nào đáng kể, thậm chí nó còn trực tiếp góp phần vào việc truy diệt và huỷ hoại tất cả những giá trị của cuộc sống tinh thần, thứ mà giúp cho con người đi vào đức tin, sự nguyên tắc, biết giới hạn và khiến ta vượt bỏ được những nhu cầu bản năng (có tính thể chất) khác.

Chính vì cái lẽ cho rằng cuộc sống tinh thần là một sự lệ thuộc vào cuộc sống vật chất một cách mù quáng, nên người ta thường nhận định như một lẽ mặc nhiên: tư duy nội tâm hay các trải nghiệm suy niệm, đều là những hoạt động mà cần phải được đáp ứng đầy đủ bởi các điều kiện vật chất làm chất liệu mới có thể giúp cho tâm trí tập trung thực hiện quá trình tư duy trừu tượng hoá. Và như vậy rõ ràng là, người ta sẽ có đủ lý do để thực hiện mọi hoạt động chỉ đơn giản là để nhằm đạt được mức sống vật chất trước khi có thể đi vào sống một đời sống tinh thần hay coi các sinh hoạt tinh thần là một đời sống song hành và thậm chí có thể đi đến quyết định các hoạt động vật chất.

Tính phổ biến của các giá trị tinh thần, không phải là một sự phụ thuộc đơn thuần vào cái chất liệu vật chất của thế giới khách quan mà con người sở hữu hay kiểm soát, chiếm dụng được. Con người thường đi vào tư duy trừu tượng như một quá trình tách biệt khỏi đối tượng nhận thức, có thể đi đến những đúc kết có tính tiên nghiệm, tức hình thành một ý niệm hay nhận thức mới mà có thể là một chân lý. Do vậy, nếu chỉ coi cuộc sống tinh thần là một phản ánh có tính hình tượng hoá và tương hợp với cái nền tảng vật chất của xã hội thì đó là một ngộ nhận, thậm chí sai lầm đưa con người ta đến một loạt những hậu quả trầm trọng của nó.

Để giải thích rõ ràng cho điều này, ta có thể chỉ dẫn tới một vài ví dụ điển hình để nhận ra. Ở thời Phục hưng và khai sáng, tại sao các công trình kiến trúc của các nhà điêu khắc ở La Mã hay Hy Lạp lại có thể trở nên là những tuyệt tác về nghệ thuật và rồi tồn tại bền lâu đến thế qua thời gian? Không phải chỉ có vua chúa hay tầng lớp quý tộc mới có thể cẩm nhận được các giá trị tinh thần của những bức tượng, tranh hay các nhà thờ, thư viện, lâu đài, tu viện được tạc, dựng lên. Điều đó hẳn nhiên phải xuất phát từ vấn đề nhận thức của những người dân ngay tại thời điểm tồn tại của nó , với một nếp sống tinh thần khá đồng điệu về tư tưởng trong vấn đề tôn giáo và các quan niệm, ý niệm về mặt tinh thần (như việc coi thần, thánh, Chúa trời là có thật và con người sinh ra đặt dưới sự dẫn đường chỉ lối của họ). Hay những trước tác văn học, thi ca, âm nhạc cũng là một hệ giá trị nghệ thuật được sản sinh ra khi cái tinh thần chung của cộng đồng sống trong nó đã thúc giục sự thành hình, khởi tạo và cho đến thừa nhận nó như một di sản có tính hệ quả tất nhiên.

Vì vậy, nếu muốn có các công trình kiến trúc hay nghệ thuật đích thực và có giá trị, thì bản thân cái xã hội đó, với hầu hết những con người trong nó, phải là những chủ thể tinh thần phổ biến, có thể hiểu và cảm nhận sâu sắc những giá trị nghệ thuật ở trong nội tại chính họ và có thể thẩm thấu được những loại hình biểu dạng của nó trên thực tế khi chúng hiện diện. Nếu không thì mọi sự xây cất hay tạo dựng nghệ thuật bằng các chất liệu vật chất chỉ là một trò lố bịch và là sự châm biếm, nhạo báng, cũng có thể là một sự huỷ hoại, đối với nghệ thuật và các giá trị tinh thần minh quý.

Cái Khả Thể




Không có nhận xét nào