Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

ĐẠO ĐỨC TUYỆT ĐỐI HAY ĐẠO ĐỨC HƯỚNG KẾT QUẢ?

ĐẠO ĐỨC TUYỆT ĐỐI HAY ĐẠO ĐỨC HƯỚNG KẾT QUẢ? Trong câu chuyện lái xe contener đâm hàng loạt xe máy đưng đèn đỏ và gây ra nhiều cái chết cho ...

ĐẠO ĐỨC TUYỆT ĐỐI HAY ĐẠO ĐỨC HƯỚNG KẾT QUẢ?

Trong câu chuyện lái xe contener đâm hàng loạt xe máy đưng đèn đỏ và gây ra nhiều cái chết cho những người khác, một số người đã mạnh dạn nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ của lựa chọn hành vi của tài xế khi đặt ra những giả thiết trong tình cảnh có thể xử lý mọi việc tốt hơn như nó đã xảy ra.

Xét trong cùng một hoàn cảnh, bỏ qua những yếu tố thuộc đối với các điều kiện của chủ thể về mặt tinh thần, nó cũng giống như trường hợp đã xảy ra cách đây nhiều thế kỷ trước tại Anh quốc: bốn người trên một chiếc thuyền lênh đênh trên biển sau khi bị đắm tàu, trong chuỗi ngày sinh tồn, họ đã buộc phải lựa chọn “ăn thịt” một người khác để có thể sống sót và chờ vào vận may rủi được cứu bởi những chiếc tàu đi qua, hoặc cả bốn người có thể sẽ cùng chết đói.

Trong số bốn người đó, có một thanh niên mồ côi, không cha mẹ và đó cũng là lần đầu tiên cậu ta đi kiếm sống bằng một chuyến đi biển. Anh ta không có người thân và gia đình, cũng không có giáo dục hay trình độ. Anh ta là một kẻ cô độc, và nếu có chết sẽ chẳng ảnh hưởng gì tới ai cả. Và đó là lý do anh ta được chọn để làm thức ăn cho số những người còn lại, những người có thể được viện dẫn ra là những lao động chính cho những người khác ở trên đất liền đang chờ đợi họ hồi hương. Kết quả là ba người đó đã may mắn được cứu sống nhờ một chiếc tàu chở hàng đi qua và phát hiện. Đương nhiên một phiên toà được mở ra để xét xử về hành vi của họ đối với cậu thanh niên đã trở thành thực phẩm giúp họ sống sót đến khi được cứu vớt.

Khoan chưa bàn tới kết quả của nó, chúng ta đang xem xét một vụ việc cụ thể dưới góc độ đạo đức. Ở đây, người ta đặt ra vấn đề: đạo đức tuyệt đối mà I.Kant là đại diện hay đạo đức hướng kết quả mà J.Bentham là người đề xướng?

Đạo đức tuyệt đối buộc con người phải hành động khi bản thân họ nhận thấy rằng đó là bổn vụ phải thực hiện vì nó là điều tốt nhất, bất luận kết quả của nó được biểu hiện như thế nào. Trong khi ngược lại, thuyết vị lợi (công lợi) của Bentham lại đặt ra vấn đề hành động của một con người có thể đem lại một tổng lợi ích là tối đa hay không, nghĩa là nó cần phải được cân nhắc trước hết là mục đích để hành động và sau đó là kết quả mà nó đem lại là như thế nào. Nếu nó mang tới niềm hạnh phúc, sự vui vẻ cho nhiều người hơn so với nếu ta thực hiện hành động theo cách khác thì đó là phương cách tối ưu được lựa chọn.

Đạo đức tuyệt đối, coi việc hành động của mỗi cá nhân là bắt buộc khi đặt nó vào trong một hoàn cảnh cụ thể, nó là mệnh lệnh của hành động và buộc mỗi chúng ta phải tuân theo. Như Kant nói: hãy để cho lẽ phải được thực hiện, cho dù thiên đường có sụp đổ. Và như vậy, việc hành động không phải là lựa chọn mà là nghĩa vụ, nó không thể bị suy xét cho dù hậu quả của nó có thể đem tới những thiệt hại nhất định, vì hành động đạo đức đó là tốt đẹp và với mục đích cao cả của người đã thực hiện hành động.

Thuyết công lợi của Bentham, không coi hành động đạo đức là bổn phận, mà coi đó là lựa chọn có cân nhắc, tức đạo đức hướng kết quả. Tuy nhiên, nó có một hạn chế rất lớn và có thể gây hại cho con người khi người ta coi sự hy sinh của một ai đó là cần thiết và là lựa chọn bắt buộc vì nó đã đem lại tổng lợi ích lớn hơn tất cả các trường hợp còn lại. Nếu xét trong tình huống của lái xe contener, rõ ràng thuyết vị lợi này sẽ dẫn tới trường hợp lái xe có thể lựa chọn đâm vào chiếc xe bồn chở bê tông ngay trước mặt vì có thể hạn chế được các thiệt hại lớn hơn đã xảy ra khi đâm vào hàng loạt xe máy khi đánh lái sang bên phải anh ta. Hoặc anh ta có thể phanh chết lại một cách hoàn toàn để cho mọi việc xảy ra theo sự va chạm vật lý tự nhiên tuỳ ý.

Nhưng câu hỏi được đặt ra là: ai là người đáng chết và hạnh phúc của nhiều người quan trọng hơn hoặc được xem là lớn hơn của một đại lượng ít người hơn?

Câu trả lời là: không có ai đáng sống hơn chỉ vì anh ta ít đạo đức hơn hoặc sự thiệt hại của anh ta không đem lại đau khổ cho bất cứ ai khác. Chúng ta đau khổ hay vui vẻ bởi sự liên quan tới đối tượng hay chủ thể, nhưng không có nghĩa rằng sự hạnh phúc hay đau khổ đó được coi là lý do để tước đoạt những phẩm chất hoặc sự tồn tại của người khác.

Đạo đức hướng kết quả dễ dẫn tới những hành vi huỷ hoại và đàn áp trên thực tế. Nó thích hợp cho chuyên chế đám đông và chủ nghĩa tập thể, khi nó đặt nền tảng cho hành động của con người là tổng lợi ích được nhìn nhận dưới biểu thị của kết quả giả định được tìm thấy. Và dựa trên lý thuyết kiểu này, một đấu trường dành cho các nô lệ đánh nhau tới chết trở thành thực tế được chấp nhận và cổ vũ, chỉ bởi số những kẻ đứng trên khán đài đang đông đảo hơn hẳn những kẻ sẽ đem lại niềm vui cho chúng trong khuôn viên đấu trường.

Đạo đức tuyệt đối của Kant là buộc con người hành động một cách đạo đức như một nghĩa vụ cao cả, nó không đặt ra sự lựa chọn phải hy sinh một cách vô ích và trắng trợn bất cứ ai được đặt vào trong một hoàn cảnh cụ thể. Mà nó được xem xét dưới những biểu hiện của hành vi của con người. Cao đẹp hay xấu xa, được nhìn nhận thông qua các hành động cụ thể của một chủ thể. Điều này được hiểu theo nghĩa, đạo đức được xem như là động cơ và mục đích để dẫn tới hành động của một ai đó, chứ không phải đạo đức là một kết quả tốt được tìm thấy sau khi hành động đã kết thúc.

Cái Khã Thể




Không có nhận xét nào