Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

GIÀU, NGHÈO

GIÀU, NGHÈO Trong lời nói đầu cuốn “Xứ Đông Dương xưa và nay” của Henry Cucherousset có những nhận xét về Việt Nam bằng những lời như người ...

GIÀU, NGHÈO

Trong lời nói đầu cuốn “Xứ Đông Dương xưa và nay” của Henry Cucherousset có những nhận xét về Việt Nam bằng những lời như người chuyển ngữ sang tiếng Việt viết : “Bản dịch này không những dành cho những người có học thức xem mà cả những người có học thức tầm thường cũng hiểu, vì vậy chúng tôi chỉ dùng những câu văn ngăn ngắn, rất giản dị”
Sau gần 100 năm (1925) đọc lại chúng ta vẫn thấy tiếc nuối khi mà người Việt đã lựa chọn sai.

Cucherousset viết :

“Chúng ta đang ở một thời kỳ đặc biệt. Sự thái bình đang lan khắp xứ, không một dân tộc ngoại bang nào để tâm xâm phạm ta. Những chủng tộc khác nhau ăn ở có hòa khí. Những tội ác và cướp bóc rất hiếm. Người đi từ tỉnh này sang tỉnh khác chẳng hề lo sợ. Người nào lắm tiền nhiều của cứ công nhiên hưởng sự giàu sang. Công lý che chở cho tài sản, cho sự buôn bán và việc làm ăn của nhân dân.
Trong xứ sản (xuất) nhiều hơn ngày xưa, không những là gạo mà còn những sản vật ở trên mặt đất và cả dưới đất. Hễ trong xứ sản (xuất) được thứ gì nhiều hơn sự cần dùng của nhân dân thì đem đổi cho những nước láng giềng rất có lời.
Kỹ nghệ thịnh vượng, trong hạng nhà quê và hạng quan lại thì lại có một hạng mới là lớp trung lưu bản xứ rất là thông minh cần mẫn và sung túc. Tóm lại, người trong xứ này có cả mọi sự để hưởng cuộc sung sướng”.

 Cucherousset thống kê một loạt các thành tựu của An Nam so với thời kỳ trước khi “người Tây đến”, đặc biệt trong việc sản xuất lúa gạo, bắt đầu xuất khẩu từ năm 1905 với vài chục ngàn tấn/ năm thì đến 1925 đã là 1 triệu 3 trăm ngàn tấn. Đặc biệt một tầng lớp mới ra đời, đó là giai cấp trung lưu mà Cucherousset miêu tả bằng những chi tiết rất thú vị 
:
“ Bắt đầu từ thời kỳ này hạng trung lưu An Nam xem ra là một hạng người quan trọng trong xứ. Ngày xưa thì làm gì có hạng người này đứng giữa, dưới thì hạng nhà quê bị cấm đoán làm giàu, trên thì hạng nho và quan trường, rất khinh bỉ nghề tay chân, thương mại và kỹ nghệ.

Hạng trung lưu này là những tham tá chuyên môn, những kỹ sư học ở Pháp về, những chủ đồn điền và những thực dân theo gương người Tây, những người buôn tàu, những nhà kỹ nghệ, quản đốc những nhà máy tối tân.

Hạng trung lưu này hưởng tiền của mình chẳng phải sợ hãi như xưa lại được chính phủ tôn trọng. Hạng này lại đại diện cho nhân dân trong những hội đồng toàn người bản xứ họp và cả những hội đồng có người Tây họp. Vì thế đã thấy nhiều người An Nam thông thái đóng một vai trong quan trường, đứng đầu những nhà buôn bán hay xưởng kỹ nghệ to lớn.

Ở Hà Nội lại sản ra một hạng tiểu trung lưu rất đông đúc, như người bán tạp hóa, thợ nguội, thợ cắt tóc, thợ đóng giầy, thợ thêu, người bán hàng cơm Tây, người thầu khoán, người vận tải, người trồng răng, thợ chụp ảnh vv…

Hạng tiểu trung lưu này là chứng cớ tỏ ra rằng nhân dân rất là cần mẫn trong chuyện làm ăn. Hạng tiểu trung lưu này cần kiệm, xây dựng nhà cửa, tậu ruộng nương, lại có cả tiền gửi ngân hàng nữa. Thật là cái sức mạnh cho sự trật tự của xã hội”.

Ông cũng cảnh báo :

“ Nhưng thời kỳ này đang có một làn cuồng phong thổi lan ở nhiều xứ (ý nói phong trào cộng sản). Cái gương những xứ bị làn cuồng phong này thổi làm loạn những cái óc ít suy nghĩ”. Ta cũng thấy rằng từ khi phong trào cộng sản phát triển ở Pháp, nhất là khi Mặt trận bình dân nắm quyền năm 1936, trật tự ở An Nam bắt đầu bị phá vỡ bởi những người cộng sản.

Giải thích và “thanh minh” cho việc người Pháp có mặt tại VN, Cucherousset viết :

“Cái văn minh cổ ở nước Đại Nam này gốc ở sự tôn kính người già cả và ở sự vâng lời cha mẹ và những người thay mặt quốc gia. Trước khi người Pháp sang thì cái văn minh này cũng đã rất là đẹp đẽ. Nhưng lúc đó cái văn minh này bắt đầu bị một cái họa đe dọa, một cái họa chung cho tất cả các dân tộc : Nền văn minh mà khuếch trương ra hay bảo thủ lại là phải nhờ ở sự nỗ lực và ở cái kỷ luật. Nhưng người ta (người An Nam) tính vốn lười và bảo thủ. Tổ chức và nỗ lực thì người ta (VN) coi là nặng nhọc lắm”.
 Cucherousset cho rằng khi chinh phục xong Thủy Chân Lạp, chiếm được một vùng giàu có, ôn hòa, thiên nhiên ưu đãi, người Việt bắt đầu lười, mất dần tính tiên phong, chinh phục, mà quan trọng hơn cả là "chinh phục tạo vật"

“…Nếu một dân tộc mà có những người đứng đầu giàu nghị lực, bắt những kẻ lười biếng phải làm việc, tự tổ chức lấy công việc ấy. Dân tộc này (VN) mà hết sức làm việc có phương pháp thì trong ít lâu sẽ trở nên thịnh vượng và phú cường ngay.

 Nếu dân tộc này vì được hưởng sự thảnh thơi nhiều quá không chịu hết sức làm việc thì chẳng bao lâu sẽ thành ra yếu hèn, bị tàn hại đi, bị dân tộc khác xâm lược hay quay lại dã man”.

 Một tay thực dân Pháp từng nói : “Chúng ta chỉ cần nắm chắc trường Pétrus Ký ở Sài Gòn và trường Albert Sarraut ở Hà Nội, với 2.000 lính là giữ được hòa bình cả cõi Đông Dương”. Không bàn về quan điểm chính trị nhưng phát biểu này cho thấy vai trò quan trọng của trí thức với quốc gia, quả thật trong thời gian thế chiến thứ nhất, toàn bộ lính Pháp ở Việt Nam chỉ có 180 người (vì phải về Pháp) và đây là thời mà VN bắt đầu phát triển với tốc độ nhanh nhất. Than ôi, trước khi bị xử bắn Phạm Quỳnh vẫn khăng khăng rằng : “Nước ta muốn tiến đến văn minh cần có một người ở bên cạnh dìu dắt như nước Pháp” vì thế ông bị coi là Đại Việt gian.

 Đôi khi, mấy thằng bạn Tây hỏi : “ Ở nước mày, cúi xuống là nhặt được tiền, sao chúng mày lại khổ cực đến mực khốn nạn như thế?”. Biết trả lời sao ?

Ngô Nhật Đăng




Không có nhận xét nào