Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

HỌC LÀ HỨNG THÚ CHỨ KHÔNG PHẢI CƯỠNG BUỘC LÝ TƯỞNG

HỌC LÀ HỨNG THÚ CHỨ KHÔNG PHẢI CƯỠNG BUỘC LÝ TƯỞNG Những đứa trẻ có một đặc điểm chung mà nó là điều hiển nhiên: chúng thường chỉ có niềm yê...

HỌC LÀ HỨNG THÚ CHỨ KHÔNG PHẢI CƯỠNG BUỘC LÝ TƯỞNG

Những đứa trẻ có một đặc điểm chung mà nó là điều hiển nhiên: chúng thường chỉ có niềm yêu thích hay hứng thú chứ không có lý tưởng như những nười trưởng thành. Nghĩa là, ở tâm hồn ngây thơ và trong trẻo của mình, những đứa trẻ chỉ có cảm xúc, một cách trực tiếp và không trì hoãn, với những thứ tương tác với chúng.

Chính vì thế, thay vì giáo dục để khơi tạo cho chúng niềm hứng thú với việc học, nhiều ngôi trường hay hệ thống đào tạo lại coi việc trau nhồi, là một sự cưỡng bức tâm tưởng mà người tiếp nhận không có đủ sự hiểu biết để từ chối, cho những đứa trẻ lý tưởng của những kẻ trưởng thành nhân danh đủ thứ tốt đẹp mà những đứa trẻ chưa thể bào hiểu được.

Chức năng lớn nhất của giáo dục khi đứng trước những đứa trẻ đó là đứng cùng với chúng và trò chuyện để hiểu được những tâm tính và những cảm nghĩ của chúng về vạn vật xung quanh. Điều này làm cho đứa trẻ không cảm thấy mình trở nên bị xa lạ, lạc lõng hoặc chí ít là không tỏ ra rụt dè trước những điều mới mẻ diễn ra quanh chúng. Và người làm giáo dục lúc này, với các bài giảng tự nhiên và gợi mở, không có định kiến và sự thúc ép, tương tác một cách bình đẳng và không đưa ra các kết quả cụ thể, mặc dù có thể đưa ra vài sự gợi ý nào đó cho chúng.

Việc giảng bài lúc này trở thành việc tạo ra một sân chơi mà ở đó những người chơi hứng thú và hành động chủ động với những vấn đề mà người làm giáo dục đòi hỏi. Tất nhiên là những nội dung để tương tác cho đứa trẻ không thể quá lớn về nội dung và quá nặng về tính chuyên môn.

Trong suốt thời gian từ khi bắt đầu học tiểu học, tức từ 5 tuổi cho đến 10 tuổi, những đứa trẻ không cần phải lấp đầy bộ não non nớt của mình những kiến thức chuyên sâu hay phức tạp. Cái cần thiết là trao cho chúng những niềm hứng thú với việc học của mình, với các đề bài đơn giản và được làm cho dễ hiểu nhất. Những đứa trẻ thích việc chơi cùng nhau và khám phá tự nhiên hơn là trở nên cố gắng phải trưởng thành sớm hơn các khả năng trong nhận thức và tư duy lý tính của chúng. Thực ra cố để làm cho chúng giỏi giang với các bài đánh giá của giáo viên chính là cách để biến những đứa trẻ với trí tưởng tượng phong phú dần trở nên cằn cỗi và đầy sợ hãi, cô đơn trước thế giới mà chúng càng ngày càng bị thu hẹp lại phạm vi của mình.

Những đứa trẻ ở những tuổi đầu đời, chúng cần được chuẩn bị về các giá trị tốt, xấu, đúng, sai và các phẩm chất tự nhiên được tự chúng khám phá hơn là việc giải các bài tập được kỳ công làm cho khó khăn và chứa đầy hàm lượng của các vấn đề học thuật. Cách khám phá tự nhiên cũng chính là bước đầu tiên của tư duy triết học. Con người cần được sống trải vào trong thế giới tự nhiên để nhìn nhận vị trí của mình, khả năng của mình và các chất liệu để tạo nên cuộc sống của chính mình.

Những đứa trẻ sẽ đặt ra vô số những câu hỏi khi chúng có niềm hứng thú, được tương tác và khám phá những thứ xung quanh với đầy đủ các trạng thái và màu sắc. Và trách nhiệm của nhà giáo là cần phải trả lời, giải thích cho chúng tất cả những điều đó, nhưng không buộc chúng phải chấp nhận bức tranh được mô tả đó là chân lý hoặc chắc chắn phải là như vậy.

Chính điều này tạo nên sự tự chủ và tự tin của đứa trẻ, mà nó lại chính là chất liệu tại nên cảm hứng trong việc học tập. Và như vậy thì các nhà giáo đã thực sự được trút bỏ các gánh nặng hai lần liên tiếp: không còn phải gắng sức để làm mọi việc thay cho những đứa trẻ mà họ thường coi thường các khả năng trí tuệ của chúng; hai là không còn phải đặt ra các định mức để cưỡng buộc những đứa trẻ thoả mãn nhằm đánh giá chúng theo tiêu chuẩn hẹp hòi của những kẻ tự cho mình là trên hết.

Giáo dục giai đoạn đầu đời, yêu cầu cho các nhà sư phạm chính là tạo nên hứng thú và niềm yêu thích trong các tương tác với các đối tượng của nhận thức, sau đó là trang bị những kiến thức về những ý niệm đạo đức, cái đẹp, cái thiện của con người. Để hiểu điều này, có thể lấy ví dụ rất giản đơn rằng, một đứa trẻ cần biết chào hỏi người khác như một phép lịch sự, biết cảm ơn sự trợ giúp của người khác như là một phẩm chất tốt đẹp của người có văn hoá, biết tôn trọng người khác như là một bổn phận trong việc chung sống. Chúng không bị buộc phải gắn vào các lý tưởng, các hệ giá trị của lợi ích hay quyền lực của xã hội, trước khi có thể trở thành một người có đầy đủ nhận thức lý tính và khả năng thực tế chủ động để làm chủ được tất thảy những thứ đó.

Cái Khả Thể




Không có nhận xét nào