Khi bộ trưởng viết hoa chữ “Nhân dân” Khi ông Trần Tuấn Anh viết hoa chữ “Nhân dân” và đặt trước “lãnh đạo”, ông ấy đã nhận thức đúng vấn đ...
Khi bộ trưởng viết hoa chữ “Nhân dân”
Khi ông Trần Tuấn Anh viết hoa chữ “Nhân dân” và đặt trước “lãnh đạo”, ông ấy đã nhận thức đúng vấn đề. Bởi vì đây hoàn toàn không phải một tai nạn chính trị, đây là một sai lầm của gia đình ông bộ trưởng và nó làm tổn thương cảm xúc của nhân dân.
Bởi vì nếu sợ hãi cho số phận chính trị của mình, ông Tuấn Anh chắc chắn sẽ không thể nào viết ra những câu tự chân thành như vậy. Và nếu chỉ biết vo tròn số phận chính trị của mình, đa phần quan chức sẵn sàng im lặng với dư luận, xoa xuýt với bề trên để mong qua chuyện.
Quyết định xin lỗi của ông bộ trưởng, phần nào đó cho thấy sự cam đảm cá nhân và đối mặt với sự thật. Sự can đảm ấy chắc chắn sẽ còn được đo định nhiều sau lời xin lỗi. Bởi nhân dân đa dạng, có người bỏ qua, có người không. Có người cảm tình nói ông chân thành, cũng sẽ có người nói ông dân túy.
Đó là “quyền” phán xét của nhân dân mà với cương vị của một người mắc sai lầm, ông bộ trưởng phải mặc nhiên chấp nhận.
Lời xin lỗi đương nhiên không cứu chuộc được câu chuyện đã xảy ra. Nhưng nó là một điều bảo đảm sẽ không có những sự việc tương tự xảy đến, không chỉ cho cá nhân ông Tuấn Anh mà còn nhiều quan chức khác.Riêng đối với cá nhân ông, nó sẽ là một điểm cộng.
Tương tự điểm cộng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được từ nhân dân khi xin lỗi vụ xe công ở Hội An. Chưa cần phải đòi hỏi về năng lực kỹ trị và tư tưởng vĩ nhân, điều người dân cần là lãnh đạo biết tôn trọng cảm xúc của họ.
Cảm xúc đó không chỉ bị đè nén trong các quan hệ vĩ mô, mà nó đến từ tiếng còi hụ inh ỏi giữa phố phường chật chội, từ những cú xen ngang sau các cuộc gọi trong bệnh viện hoặc các nơi công cộng, từ những cuộc ăn nhậu ê hề sơn hào hải vị, hoặc những dinh thự biệt phủ đồ sộ giữa bốn bề nhân dân đói khổ.
Cảm xúc thường nhật đó khiến người dân ngột ngạt và phai nhạt niềm tin. Cho nên câu chuyện chiếc áo vest cũ và căn nhà công vụ của ông Nguyễn Phú Trọng chưa chắc đã lấy được cảm tình của toàn thể nhân dân.
Là một người dân có quan điểm phóng khoáng, tôi nghĩ lãnh đạo được quyền biệt đãi hơn nhân dân một chút, cũng không có gì thái quá. Miễn sao, có đặc ân thì có cống hiến. Nên đánh giá một lãnh đạo, tôi thường hướng cái nhìn vào công việc mà người đó đã làm được. Và quan trọng là biết tôn trọng cảm xúc của nhân dân.
Gia đình ông Trần Tuấn Anh đã sai. Cho dù chuyến bay vội vã của vợ ông có là ra để ký mổ tim cho ông đi nữa. Nhưng biết xin lỗi Nhân dân trước tiên, đó là một tâm thế cầu thị và có giá trị khích lệ điều tích cực.
Bông lúa chín, là bông lúa biết cúi đầu !
Nguyễn Tiến Tường
Không có nhận xét nào