Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NÓI TIẾP VỀ THẦY NGUYỄN KHẮC PHI

NÓI TIẾP VỀ THẦY NGUYỄN KHẮC PHI Năm 1990 tôi ra Hà Nội làm nghiên cứu sinh, bắt đầu từ đó được quen biết, gần gũi và trực tiếp làm việc với...

NÓI TIẾP VỀ THẦY NGUYỄN KHẮC PHI

Năm 1990 tôi ra Hà Nội làm nghiên cứu sinh, bắt đầu từ đó được quen biết, gần gũi và trực tiếp làm việc với thầy. Càng ngày, tôi càng thấm thía cái tài ăn nói của thầy Phi. Những lần đi bồi dưỡng giáo viên thay sách Ngữ văn toàn quốc, ông nói triền miên nhiều giờ đồng hồ. Ông bảo:“tớ có thể nói hết cả ngày, hết buổi này sang buổi khác; ngày này sang ngày khác”. Nói dài nhưng vẫn hấp dẫn, tôi thấy nhiều người nghe ông cứ như bị thôi miên, nhất là những người ít có dịp gặp gỡ thầy. 

Tôi được theo hầu ông nhiều lần nên lắm chuyện thấy cụ cứ tua lại mãi. Mà nhiều khi lại theo một bố cục rất thống nhất. Một GS cũng rất thân quý thầy, có lần nói với tôi: “Ông để ý mà xem, thế nào trong khi phát biểu GS Phi cũng dẫn ra được 4 thế hệ: cụ thân sinh, ông Nguyễn Khắc Viện, sau đó là cậu con cả Lioa và thế nào cũng có đoạn nói về thằng cháu đích tôn”. Có hôm tôi suýt phì cười vì thấy thầy nói đúng phắc như thế. Nghĩ đến chuyện này, tôi lại nhớ thầy Mạnh có lần nói: “Bây giờ mà cấm tay Phi nói mấy chuyện này…là hắn chịu, không nói được gì”. Tôi đem nhận xét ấy nói với thầy Phi; cứ ngỡ ông nổi cáu, thế mà lạ, ông lại cười rất khoái chí và còn nói: “Trời ơi! Cái ông Mạnh, ông ấy còn bảo: nếu lấy băng dính dán miệng Nguyễn Khắc Phi hai phút không cho nói thì chết ngay kia”. Thế mới biết những người lớn thật sự, có bản lĩnh thật sự, mấy khi đi chấp những điều vụn vặt; họ biết nói đùa, nói cho vui…

Nhưng thử nghĩ mà xem, có một gia đình như thế không nói thế, không tự hào mới là lạ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều người nổi tiếng, ở một vùng đất quá nhiều người nổi tiếng, đó vừa là hạnh phúc nhưng cũng là điều có vẻ “bất lợi” cho GS Phi trên phương diện “người của công chúng”. Bằng chứng là, ông nổi tiếng trong giới nghiên cứu văn học và giáo dục đến thế nhưng khi tôi nói tới thầy với những người ngoài giới, họ có vẻ ít biết về ông. Những lúc ấy, chỉ cần nói thêm một vài cứ liệu, chẳng hạn đó là “con trai cụ Nguyễn Khắc Niêm” hoặc “em bác sĩ Nguyễn Khắc Viện; hoặc em GS Nguyễn Khắc Dương”; đặc biệt khi nói: “ông là bố của người đã chế tạo ra Lioa”…thế là họ hiểu ngay.

Ở ta có những gia đình, những dòng họ thật danh giá. Có dòng họ nổi tiếng nhưng rất “thuận”; lại có dòng họ phải trải qua những thăng trầm, những thử thách khắc nghiệt của lịch sử để mỗi ngày một sáng tên. Dòng họ Nguyễn Khắc ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) của gia đình GS Phi là một dòng họ như thế. Bây giờ thì mọi việc đã nhẹ nhàng, thông tỏ, thoáng đãng hơn nhiều; nhưng trong những năm tháng của hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là thời kỳ cải cách ruộng đất, gia đình ông đã chịu nhiều sóng gió. Làm sao tránh được bão lửa của cách mạng thời ấy với gia đình của một ông quan nhà Nguyễn, cụ Nguyễn Khắc Niêm, người từng đỗ Hoàng giáp (1907); từng làm Đốc học Nghệ An, từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Tham tri Bộ Hình, hai lần giữ chức Phủ Doãn phủ Thừa Thiên (1936 và 1938), Tuần vũ tỉnh Khánh Hòa; từng giữ quyền Tổng đốc Thanh Hóa … Mặc dù ông quan ấy trong lịch sử nổi tiếng thanh liêm, nổi tiếng với 16 chữ hiến dâng kế sách nhằm phục hưng dân tộc. 16 chữ ấy cho đến nay theo tôi vẫn đúng, vẫn rất cần và phải treo lên những chỗ trang trọng, nhất là nơi làm việc của những cán bộ có chức, có quyền: “Tôn tộc đại quy/ Tôn lộc đại nguy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy”

Mặc dù thế, nhưng sức nóng của lòng thù hằn giai cấp cộng với ý thức mù loà của một thời kỳ lịch sử chắn chắn còn để lại những vết bỏng rát đớn đau hằn sâu trong tâm khảm của GS Phi, một thanh niên lúc ấy vừa vào tuổi mười tám đôi mươi… Và có lẽ cũng chính ám ảnh của quá khứ ấy khiến ông đã phải căng người ra để phấn đấu mà tiến lên và nhất là để tồn tại, để phù hợp với bối cảnh mới. 

HN 1-2019




Không có nhận xét nào