SÉRÉTONINE Trong một bữa ăn, một bạn trẻ đang du học ở Pháp hỏi : chú nghĩ gì về hiện tượng HOUELLEBECQ ? Không muốn làm phiền những thực k...
SÉRÉTONINE
Trong một bữa ăn, một bạn trẻ đang du học ở Pháp hỏi : chú nghĩ gì về hiện tượng HOUELLEBECQ ?
Không muốn làm phiền những thực khách khác, ít bận tâm tới chuyện sách vở, tôi hứa khi về nhà sẽ viết vài chữ, trả lời sau.
Bạn sống ở Pháp, nếu thỉnh thoảng mở TV, radio hay báo chí, médias đủ loại, chắc chắn không thể tránh khỏi tin Michel Houellebecq vừa trình làng cuốn tiểu thuyết mới nhất, ‘’ Sérétonine ‘’.
Bởi vì Houellebecq là một hiện tượng trong sinh hoạt văn chương Pháp.
Mỗi lần ông ta ra một cuốn sách, không một média nào không loan tin, bình phẩm, phân tích, kể cả những tờ báo chuyên về… kinh tế, thể thao, nghĩa là không liên hệ gì tới chuyện văn chương, thi phú. Hơn cả một hiện tượng văn chương, đó là một hiện tượng xã hội
‘’ Sérotonine ‘’ không ra khỏi ngoại lệ , in đợt đầu 300.000 cuốn. Nhiều nhà xuất bản đã tạm ngưng các tác phẩm của các tác giả ít ăn khách hơn, để chờ cơn bão Houellebecq qua đi.
Đó là một điều đáng tiếc, vì trong số các tác giả vô danh, thỉnh thoảng có những nhà văn đáng kể. Đáng đọc.
Houellebecq không phải là tác giả best seller nhờ những chuyện tình bình dân hấp dẫn lôi cuốn, sản phẩm của marketing như Marx Levy , Guillaume Muso, hay đại chúng như Amélie Nothomb….
Houellebecq được coi là một nhà văn thứ thiệt, một tác giả của giới trí thức. Trong các bữa ăn, thảo luận về Houellebecq là dấu hiệu của sự thông minh, của người có văn hóa.
Phải nghĩ gì về ‘’ Sérotonine ‘’ ?
Tôi rất ngại phải cho ý kiến về một tác phẩm văn chương, vì thường thường nó rất chủ quan, ngang như cua, không giống ai, dễ khiến người nghe khó chịu.
Tôi thú thực với người bạn trẻ là tôi đã ráng, nhưng không đọc hết cuốn sách.
Không đọc hết, không phải vì tác giả có cái nhìn cực kỳ đen tối về đời sống, nhất là về xã hội Tây Phương. Đặt vấn đề nhức nhối là bổn phận của người viết lách. Nhiều nhà phê bình coi Houellebecq là một nhà văn tiên tri ( écrivain visionnaire ), đã tiên đoán xã hội Tây Phưong sẽ đi về đâu ( nước Pháp sẽ chỉ còn là một nơi đón du khách Tàu hay Indonésie ). Trước đây, với '' Soumission '', Houellebecq báo trước xã hội Pháp sẽ bị Hồi giáo hóa.
Không đọc hết, không phải vì tác giả có lối viết táo bạo, sống sượng. Ít trang nào không có những chữ thô tục ‘’merde, pute, putain, pédé, sucer, enculer …’’. Tại sao không, nếu những từ ngữ đó diễn tả được một trạng thái tâm hồn.Tiểu thuyết không phải là giáo khoa thư. Nhưng tôi có cảm tưởng, ở Houellebecq, đó chỉ là sự dễ dãi.
Balzac, Stendhal, mỗi lần viết tiểu thuyết, soạn scénario với từng chi tiết, với từng căn cước xã hội, tâm lý của mỗi nhân vật. Ở Houellebecq, người ta có cảm tưởng tác giả nghĩ tới đâu viết tới đó. Cuốn truyện không có một bố cục tối thiểu. Và tâm lý suy tư của các nhân vật đều là suy tư, tâm lý của Houellebecq.
Nhiều nhà phê bình ca ngợi chất khôi hài của Houellebecq. Quả thực, thỉnh thoảng trong Serotonine có nhiều nhận xét ngộ nghĩnh ( chẳng hạn khi Houellebecq nói về chuyện giá nhà cửa quá cao : hắn nhận ra cái phòng mình đang ở lãnh lương lớn hơn mình ). Nhưng tôi vẫn nghĩ cái châm biếm ( ironie ) không phải là sở trường của các nhà văn Pháp. Không phải ai cũng là Oscar Wilde, Bernard Shaw…
Cái lý do chính khiến tôi không đọc hết cuốn sách : Sérotonine chỉ lập lại những cuốn sách trước của Houellebecq, từ đề tài, tới cách suy nghĩ, lối hành văn.. Đã đành, tác giả nào cũng chỉ viết một cuốn sách, nhưng thường thường, trong cái cũ, bao giờ cũng có cái mới. Với Sérotonine, trong cái cũ chỉ có cái cũ.
Đọc sách, trước hết là đi tìm cái thú. Tôi ở cái tuổi , vì ít ngày giờ còn lại, chỉ làm cái gì mình thích. Với ‘’ Sérotonine ‘’, tôi không có cái thú đó. Như đã nói, cái đó hoàn toàn chủ quan, không có cơ sở gì. Nhưng đừng nhắc lại, đa số độc giả và các nhà phê bình nghĩ ngược lại, coi Sérétonine là một chef d'oeuvre.
( tuthuc-paris-blog.com )
Không có nhận xét nào