Thay đổi con người. Tiện việc anh Phúc đòi giáo dục lại nhân dân thì tôi nói đến vấn đề một con người đổi thay thế nào. Tôi nói ngay đến ...
Thay đổi con người.
Tiện việc anh Phúc đòi giáo dục lại nhân dân thì tôi nói đến vấn đề một con người đổi thay thế nào. Tôi nói ngay đến bản thân tôi chứ không đâu xa và đây là những trải nghiệm thực tế. Và tất cả những bạn đã từng sống ở nước ngoài đều nên xem lại mình đã từng đổi thay ra sao.
Tôi đã đi và sống trên dưới 10 quốc gia, nhưng tôi ở lâu nhất là ở Abudabi và Nhật Bản với cả gần chục năm. Trước khi tôi ra đi, tôi mang trong người một bản chất Việt Nam với rất nhiều thứ "đặc trưng". Nền giáo dục, xã hội Việt Nam đã nhuốm vào tôi những thứ đó. Thế rồi lúc sống ở xứ người tôi thấy mình cần phải thích nghi vì tôi thấy ở xã hội của họ có nhiều điều khiến mình trở lên đẹp hơn, tốt hơn. Tôi hiền hòa, lịch sự, tốt bụng hơn. Nhất là khi đặt chân đến Nhật Bản. Không ai dạy tôi phải sống như nào ngoài vài trang kỹ năng giao tiếp cơ bản của nước họ và chút văn hóa cơ bản.
Sang bên đó, tôi đã cúi đầu chào khi gặp , tôi đã biết thế nào là cảm ơn một cách chân thành chứ không chỉ là cảm ơn cho có lệ. Tôi đã trở nên hiền hòa, nhẹ nhàng, lịch thiệp hơn những lịch thiệp mà tôi thấy ở Việt Nam mặc dù tôi chỉ là một người lao động bình thường. Tôi đã sẵn sàng giúp đỡ người khác bằng hết cả tấm lòng, khả năng của mình mà không cần người ta trả ơn và không sợ bị lừa đảo như ở Việt Nam. Không sợ làm ơn chuốc oán. Tôi đã học được cách tôn trọng người khác. Tôi biết nói dạ vâng với người phục vụ mình và luôn nở nụ cười trên môi chứ không trịch thượng, ra vẻ cậy mình có tiền mà hạnh họe, lên mặt , hạch sách người phục vụ. Tôi đã biết thế nào là chân thành xin lỗi. Tôi học được nhiều thứ hay ho từ họ để thích nghi với xã hội ấy, cộng đồng ấy vì tôi cần nó để hòa nhập và làm đẹp mình. Tôi đã trở lên tốt đẹp hơn chính mình ngày còn ở Việt Nam rất nhiều . Và tôi cũng chỉ mất vài tháng để làm việc đó.
Khi tôi về Việt Nam, tôi đã từng duy trì những thói quen tốt ấy. Đến bây giờ vẫn duy trì. Nhưng tôi đã đánh mất hai từ "thật thà" mà tôi đã học được. Sự gian manh trong lĩnh vực quan hệ xã hội đã trở lại trong tôi để tôi tiếp tục tồn tại ở Việt Nam. Tôi cố gắng không đánh mất những điều hay ho mà tôi đã học được nhưng không thể giữ được tất cả vì Việt Nam đã bóp méo tôi đi ít nhiều rồi. Có những thói quen của tôi ngày còn ở bên Nhật Bản bây giờ nó không phù hợp ở Việt Nam. Người ta nhìn tôi như một thằng ngố, thằng hợm văn hóa hay gì đó lạ lẫm.
Tôi nói như vậy để chúng ta thấy rằng để thay đổi một con người thì rất nhanh, vài tháng, đôi năm là xong thôi. Tuy nhiên cái gốc của vấn đề là môi trường xã hội, giáo dục và chế độ chính trị. Để thay đổi toàn dân thì chúng ta phải nhìn sang họ và hỏi rằng tại sao họ lại có một xã hội tốt và những con người tốt như vậy. Để thay đổi được thì phải thay đổi chế độ chính trị. Chế độ chính trị tốt thì tạo ra xã hội tốt và có những con người tốt. Đó mới là thay đổi. Chứ không thể một chế độ chính trị xấu mà có một xã hội tốt và những con người tốt được. Nó là cái guồng quay định hình xã hội, người dân rồi nên làm phần ngọn như anh Phúc là vô lý, bất khả thi và chỉ là dối trá mà thôi.
Ở xã hội Việt Nam, bạn muốn tốt cũng thực sự rất khó mặc dù bạn là người tốt. Nếu bạn tốt thì bạn sẽ bị lợi dụng, lạc lõng và chịu thiệt thòi. Nó thành nếp sống bao đời nay. Đến các bậc cha mẹ hay bạn bè cũng chỉ cho nhau những mánh lới, chiêu trò không tốt để thích nghi với xã hội thì chúng ta không thể tốt được khi đặc thù xã hội này còn. Vậy nên muốn giải quyết vấn đề thì phải xây dựng lại chế độ chính trị tốt hơn. Nó không đơn giản vài năm để thay đổi như tôi mà tốn hàng chục năm để tạo dựng một xã hội mới.
Nguyễn Việt Nam
Không có nhận xét nào