TRAO BẰNG TIẾN SĨ DANH DỰ CHO GS.TS. NGUYỄN MINH THỌ - MỘT ĐẤT NƯỚC ĐẶT TÔN GIÁO TRÊN KHOA HỌC Sáng nay, Trường Đại học Quy Nhơn làm lễ trao...
TRAO BẰNG TIẾN SĨ DANH DỰ CHO GS.TS. NGUYỄN MINH THỌ - MỘT ĐẤT NƯỚC ĐẶT TÔN GIÁO TRÊN KHOA HỌC
Sáng nay, Trường Đại học Quy Nhơn làm lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự cho GS.TS. Nguyễn Minh Thọ, Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ. Thành phần tham dự chính là Hội đồng khoa học và đào tạo, cùng với đại diện phòng ban và các khoa có liên quan đến chuyên ngành Hóa - Lý. Phu nhân và con gái của Giáo sư Nguyễn Minh Thọ cũng có mặt.
Hôm họp Hội đồng khoa học đào tạo để bỏ phiếu, tôi bận đi công tác, cho nên sau buổi lễ tôi có thắc mắc: Với đóng góp lớn lao của Giáo sư Nguyễn Minh Thọ, sao lại trao bằng Tiến sĩ danh dự mà không phải Giáo sư danh dự để ghi nhận công lao của ông? Hỏi cho vui thôi chứ tôi biết cơ chế của Việt Nam, Hiệu trưởng không có thẩm quyền trao hàm Giáo sư danh dự mà chỉ có thể trao bằng Tiến sĩ danh dự. Trong khi Tiến sĩ danh dự thường chỉ trao cho người chưa có học vị tiến sĩ. Chẳng hạn như trao cho một anh nông dân hay một ai đó không có điều kiện học hành nhưng có sáng chế với đóng góp khoa học ngang tầm tiến sĩ.
Khi góp ý dự thảo Luật Đại học, tôi có kiến nghị, Nhà nước đã chủ trương giao quyền tự chủ cho Trường đại học thì đến lúc phải dẹp bỏ cái Hội đồng giáo sư nhà nước đi mà trao thẩm quyền cho các trường. Nhưng chắc chắn không ai tự dẹp bỏ quyền lợi của mình.
Giáo sư Nguyễn Minh Thọ đọc một diễn từ khá xúc động về quê hương Việt Nam, về những kỷ niệm thời thơ ấu, đặc biệt về khoa học và giáo dục Việt Nam. Tôi lưu ý 3 điểm:
1) Khoa học không có chuyện đi tắt đón đầu. Những năm sau đổi mới, ông về nước đặt vấn đề giúp cho Việt Nam về khoa học công nghệ nhưng thất bại vì trình độ khoa học gia Việt Nam không đáp ứng được. Phải đào tạo từ đầu với nền tảng căn bản. Khoa học mà đi tắt đón đầu chỉ có thể chộp giật và sinh ra ăn cắp trí tuệ.
2) Một quốc gia phát triển bền vững phải từ một nền giáo dục phát triển hiện đại. Không có nền tảng giáo dục tốt để thu hút nhân tài mà chỉ gửi nhân tài ra nước ngoài đào tạo thì chỉ có thể làm chảy máu chất xám. Các nhân tài Việt Nam rốt cuộc đem trí tuệ phục vụ và làm giàu cho quốc gia khác và hậu quả là Việt Nam ngày một lệ thuộc nước ngoài khi người Việt không làm chủ được khoa học công nghệ.
3) Thay bằng đầu tư vào khoa học công nghệ, người ta đã đầu tư hàng ngàn ngàn tỉ vào tôn giáo tín ngưỡng, hậu quả là dân ta không được khai phóng trí tuệ mà ngày một mê muội. Ông ngạc nhiên vì đi đâu cũng thấy đền chùa đồ sộ, nhang khói nghi ngút. Nếu số tiền hàng ngàn ngàn tỉ đó đầu tư cho khoa học công nghệ thì đất nước sẽ phát triển không thua kém các quốc gia tiên tiến khác.
Điều 1 và điều 2 không mới, vì tôi đã nghĩ nhiều. Tôi tâm đắc ở điều thứ 3 và miên man nghĩ, rằng người ta đầu tư vào tôn giáo tín ngưỡng cũng như thời đế chế La Mã hình thành Giáo hội Rome và đế chế đó đã thống trị con người bằng cách đầu tư hết tiền của vào các thánh địa và nhà thờ để vỗ béo các tu sĩ. Tôn giáo là chỗ dựa cho những tâm thần hoảng loạn mất lòng tin, nhưng chính tôn giáo đã bức tử khoa học và ngăn cản sự phát triển của lịch sử. Hơn thế nữa, đó còn là nơi trú ẩn của những kẻ gian và là nơi cung ứng thuốc phiện ru ngủ, mê hoặc dân chúng. Khốn khổ cho dân tôi…
Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào