Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VỀ 40 NĂM NGÀY CHIẾN TRANH CAMBODIA

Người ta đang rầm rộ kỷ niệm 40 năm ngày chiến tranh Cambodia. Ờ thì, tiêu diệt bọn cộng sản man rợ Polpot ấy là điều chính nghĩa, vì công l...

Người ta đang rầm rộ kỷ niệm 40 năm ngày chiến tranh Cambodia. Ờ thì, tiêu diệt bọn cộng sản man rợ Polpot ấy là điều chính nghĩa, vì công lý. Nhưng ở lỳ trên đất người ta không chịu về, dựng chính phủ bù nhìn theo đuôi mình vv…thì dù khoác dưới bất kỳ những mỹ từ nào khi bị gọi là “xâm lược” cũng chẳng phải là điều khó hiểu hay quá đáng. Một ông tướng hồi còn sống kể cho tôi nghe đã chỉ huy một nhóm đáp trực thăng xuống Phnompenh bắt gọn cả cái gọi là “chính phủ lâm thời” của Cambodia mang về Sài Gòn vì “không chịu tuân phục VN”.

 Mà không phải là không có tiền lệ, Xiêm la, An nam đánh nhau bao nhiêu cuộc cũng vì cái tham vọng tranh giành nuốt Chân Lạp.  Thủy Chân Lạp thì mất rồi, sau này người Pháp vào Đông Dương bắt Xiêm phải trả lại một số vùng của Cambodia, cũng như vạch lại biên giới Miên- Việt thì mới yên. Trong buổi khai giảng khóa đầu tiên Trường sỹ quan lục quân Hoàng gia Cambodia, ông Shihanuk phát biểu, chúng ta phải tri ân người Pháp, nếu không thì ít nhất một nửa đất nước còn lại đã thuộc về Việt Nam. Người ta cảnh giác cũng phải.

Mười năm (1975-1985) 2 cuộc chiến tranh ở 2 đầu đất nước (chưa kể 20 năm tương tàn), hàng năm 5% thanh niên, lực lượng lao động ưu tú nhất không được học tập, làm việc, cống hiến mà là cầm súng trong khi đất nước hoang tàn đổ nát sau bom đạn, vành tang trắng chưa kịp bạc màu trên đầu mẹ đã lại phải đưa đứa con khác ra chiến trường.

Cái mất mát trong chiến tranh không chỉ là xương máu mà nó còn gặm nhấm trong cuộc sống hậu chiến, người lính trở về thấy như mình bị cả xã hội phản bội, khi đi thì rầm rộ đưa tiễn, toàn những lời có cánh dễ say lòng người, khi về nhìn lại thấy mình toàn là con em nhân dân, bọn hèn nhát, cơ hội, bọn con ông cháu cha thì vi vu, phè phỡn ở hậu phương, giành hết những chỗ “ngon”, nhìn người lính như một lũ bất thành nhân dạng, ngu dại, đáng coi thường. Nhà nước “Tiêu xương máu nhân dân như tiêu đồng bạc lẻ”- Phùng Quán. Bạn bè tôi ra đi ngày đó, mấy thằng lành lặn trở về ?  Cái cú sang chấn tinh thần ấy mấy ai hiểu. Có thằng giờ vẫn độc thân, tóc râu bạc trắng, đang cười nói vui vẻ hễ nghe đến từ “đồng đội” là nước mắt lăn dài không kìm được, quẹt ngang cười gượng : “Chúng mày đừng cười tao” rồi lại khóc.

 Nhân dân có cần lời cảm ơn, có cần hòa giải, có cần những “lễ kỷ niệm chiến thắng” ? Không cần. Tôi dạo chơi ở Nam Vang, ghé vào chỗ nào khi biết mình là người Việt Nam đều được ân cần chào đón, thăm Angkor, cậu thanh niên trẻ làm hướng dẫn cũng dứt khoát không chịu lấy tiền “Anh là người Việt Nam mà”. Khi sang Trung Quốc, gặp những người lính đã từng bắn nhau với mình, chỉ giây phút ngập ngừng ban đầu đã ôm nhau thật chặt. Tôi vào Nam sống, cũng chẳng ai coi tôi là “tên Bắc Kỳ xâm lược”, mà cùng làm lụng, tri ân mảnh đất đã cưu mang mình như đã từng cưu mang tổ tiên khi đi từ Bắc vào Nam.

 Chính phủ nhân bản, yêu chuộng hòa bình thì dân được nhờ, tham lam, tàn ác thì dân lầm than. Người dân cũng không còn chỉ biết thụ động chờ mong “ban phát” họ cũng biết mình phải làm gì để những kẻ bất lương không dễ dàng ngồi trên đầu trên cổ mình. Đời sống xã hội mà bề mặt là chính trị luôn hướng tới đa nguyên và dân chủ, không phải vì một lẽ mơ hồ nào mà vì cuộc đời bắt nó phải thế.

Ngô Nhật Đăng



Không có nhận xét nào