Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VỆ TINH MICRO DRAGON CHỨNG TỎ GÌ VỀ KHKT VN?

VỆ TINH MICRO DRAGON CHỨNG TỎ GÌ VỀ KHKT VN? 2 hôm trước (18/1/2018) vệ tinh Micro Dragon do VN thiết kế đã được phóng vào không gian bằng m...

VỆ TINH MICRO DRAGON CHỨNG TỎ GÌ VỀ KHKT VN?

2 hôm trước (18/1/2018) vệ tinh Micro Dragon do VN thiết kế đã được phóng vào không gian bằng một hỏa tiễn của Nhật. Vệ tinh này nằm trong Dự án Trung Tâm Vũ Trụ VN với đầu tư 600 triệu USD và 36 sinh viên thạc sĩ du học Nhật. Thử đặt sự việc vào bối cảnh nhắm đánh giá đúng thành tích này.

Có phải vệ tinh Micro Dragon chứng tỏ một sự phát triển nào đó của khoa học kỹ thuật (KHKT) VN?

Câu trả lời ngắn gọn: Không.

Thứ nhất, vệ tinh được thiết kế ở đại học Nhật bởi một nhóm sinh viên VN dưới sự hướng dẫn của các GS Nhật, nên không thể gọi là sản phẩm của VN. Nhưng dù bỏ chuyện đó qua một bên (tức là giả dụ người VN tự độc lập thiết kế), thì câu trả lời vẫn là không.

Trong một cuộc phóng vệ tinh, sự khó khăn đòi hỏi kỹ thuật cao nằm ở hệ thống phóng, tức là hỏa tiễn với hệ thống điều khiển tinh vi của nó, chứ không phải ở vệ tinh. Thậm chí, một cục đá mà được hỏa tiễn phóng vào quỹ đạo thì cũng được coi là vệ tinh nhân tạo. Tương tự, việc Phạm Tuân vào không gian trên một phi thuyền LX không được coi như một thành tích của KHKT VN. Trường hợp này, Micro Dragon được đưa vào quỹ đạo bằng hỏa tiễn của Nhật.

Vậy thành tích trong việc thiết kế Micro Dragon thì sao? 

Thiết kế vệ tinh ngày nay không phải là việc quá đòi hỏi. Đã có những khung mẫu sẵn cho các vệ tinh nhỏ, giống như cái hộp hay khung hộp. Hệ thống giữ vững phương hướng (attitude control & orientation) (để có thể chụp ảnh) cũng đã có sẵn. Việc của người thiết kế vệ tinh chỉ còn là chọn lựa thiết bị (pin, camera, radio…) rồi gắn vào khung, miễn giữ cho vệ tinh cân bằng. Những thiết bị này dĩ nhiên cũng là “mua ở tiệm” chứ không cần tự mình chế ra.

Một loại khung thịnh hành cho các vệ tinh nhỏ là CubeSat (hình khối vuông 10 cm) (https://www.nasa.gov/content/about-cubesat-launch-initiative). Đã hơn 2000 vệ tinh CubeSat được phóng từ 1998 (https://en.wikipedia.org/wiki/CubeSat) bởi tư nhân, đại học hay chính phủ, và hiện giờ mỗi năm chừng 500 cái được dự tính phóng vào quỹ đạo. Trên mạng có đầy đủ tài liệu hướng dẫn thiết kế vệ tinh theo khung có sẵn. 

Thậm chí học sinh nhiều trường tiểu và trung học ở Mỹ, Nga, Pháp… cũng tự thiết kế vệ tinh, như trường St Thomas More Cathedral School (Virginia, Mỹ) bắt đầu chế tạo năm 2012 và phóng năm 2015. (https://www.space.com/32960-first-elementary-school-students-cubesat-launches.html) (hình). 

Dùng khung CubeSat, VN đã chế tạo vệ tinh Pico Dragon năm 2013 và Nano Dragon năm 2016 dưới sự hướng dẫn của Nhật. 

Micro Dragon là một vệ tinh lớn hơn (khối vuông 50 cm, 60 kg), được thiết kế theo mô hình vệ tinh Hodoyoshi của Nhật (http://www.unisec-global.org/pdf/uniglo4/day1/04_hiramatsu.pdf).

Tóm lại, thiết kế và lắp ráp một vệ tinh không đòi hỏi kỹ thuật cao hay tiềm lực KHKT gì cả, nhất là khi theo một mô hình có sẵn. Chỉ đáng kể về phương diện KHKT nếu vệ tinh đó có những khả năng vượt bực nào đó. Nhưng những đặc điểm kỹ thuật của Micro Dragon rất khiêm nhượng. Chẳng hạn, camera quang phổ chỉ có độ phân giải 78 m, so với độ phân giải 30 m của Hyperion trên vệ tinh EO-1 phóng năm 2000.

Pico, Nano và Micro Dragon cho thấy là VN đang chập chững bước vào ngành lắp ráp vệ tinh, ngoài ra không có ý nghĩa gì khác về trình độ KHKT và công nghệ quốc gia.



Hình: học sinh một trường tiểu-trung học Mỹ đang lắp ráp vệ tinh CubeSat (2012-2015).

Phạm Quang Tuân



Không có nhận xét nào