Thứ bảy 26-1-2019, Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Azmin Ali công bố chính thức hủy dự án đường sắt 20 tỷ USD do Trung Quốc bỏ vốn và tài trợ, tr...
Thứ bảy 26-1-2019, Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Azmin Ali công bố chính thức hủy dự án đường sắt 20 tỷ USD do Trung Quốc bỏ vốn và tài trợ, trong khuôn khổ chương trình “Nhất đới, nhất lộ” mà chính phủ tiền nhiệm Najib Razak đã ký với Bắc Kinh. Cần nhắc lại, khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak bị mất ghế vào tháng 5-2018, Bắc Kinh rất không vui. Trung Quốc đã “đầu tư” rất đậm cho Najib Razak và nhờ đó có thể tiếp cận dễ dàng thị trường Malaysia cũng như biến nước này thành quân cờ trên bàn cờ “Nhất đới, nhất lộ”. Najib Razak bị buộc tội tham nhũng, liên quan nguồn quỹ “1MDB” (1Malaysia Development Berhad – quỹ quốc gia được thiết lập năm 2009 nhằm thúc đẩy các dự án phát triển thông qua đầu tư nước ngoài do Najib làm chủ tịch). Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, hơn 4,5 tỷ USD trong “1MDB” đã bị biển thủ và khoảng 731 triệu USD từ nguồn quỹ này đã được chuyển vào tài khoản riêng Najib Razak.
Wall Street Journal (7-1-2019) cho biết, họ tiếp cận được biên bản cuộc gặp mật giữa giới chức cấp cao Bắc Kinh với viên chức Malaysia tại Bắc Kinh hồi năm 2016, mang nội dung rằng Trung Quốc sẽ dùng ảnh hưởng để giúp Najib Razak thoát được cuộc điều tra của Mỹ cũng như nhiều nước khác trong vụ biển thủ “1MDB”. Đổi lại, Malaysia phải dành “món thơm” cho Trung Quốc. Najib Razak còn bí mật đàm phán với Bắc Kinh để tàu Hải quân Trung Quốc được phép neo tại hai cảng Malaysia.
Biên bản cuộc họp mật mà Wall Street Journal tiếp cận được cho thấy, buổi gặp ngày 28-6-2016 có Tiêu Á Khánh (Xiao Yaqing, chủ tịch Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc). Họ Tiêu nói với “các bạn” Malaysia rằng mình phải “hủy tất cả chương trình quan trọng tại Bắc Kinh để dự”, vì vấn đề “đã được chuẩn thuận bởi Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường”. Trong cuộc gặp hôm sau, Tôn Lập Quân (Sun Lijun), lúc đó là sếp an ninh nội chính, cũng xác nhận chính phủ Trung Quốc đồng ý kế hoạch theo dõi phóng viên Wall Street Journal tại Hong Kong theo yêu cầu Malaysia, trong đó có việc “giám sát toàn bộ nơi ở, văn phòng; truy cập thiết bị máy tính, điện thoại”… Hai bên còn gặp nhau ngày 22-9-2016, trong đó, Malaysia cho biết họ đang làm mọi thứ để củng cố quan hệ song phương, kể cả việc ủng hộ Trung Quốc về vấn đề biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh khu vực tại Lào...
Điều lớn nhất rút ra từ câu chuyện Malaysia là gì? Nó không chỉ là bài học và kinh nghiệm làm thế nào “đọc” được dã tâm Trung Quốc. Không chỉ là cách đối phó với Trung Quốc trong mối tương quan chính trị và kinh tế. Cũng không chỉ là “kỹ thuật” mua chuộc của Bắc Kinh đối với các chính phủ tham nhũng. Mà là tất cả những điều này chỉ có thể lộ ra ánh sáng nếu đất nước “nạn nhân” đó có hệ thống báo chí điều tra độc lập, hệ thống chính trị dân cử cùng sự tồn tại các đảng phái-chính trị đối lập. Sẽ chẳng có ánh sáng nào lộ ra nếu Trung Quốc đi đêm với những chính quyền độc tài bưng bít thông tin và tự xem họ có toàn quyền định đoạt tương lai quốc gia bất chấp rằng sự mặc cả được đánh đổi bằng những gánh nợ khổng lồ cho thế hệ sau hoặc thậm chí chủ quyền đất nước.
Không thể không nhắc Việt Nam khi nói về “Nhất đới, nhất lộ”. Trong khi các nước ngày càng tỏ ra thận trọng, Việt Nam dường như rất hăm hở với “Một vành đai, Một con đường”. Trả lời Tân Hoa Xã khi sang Trung Quốc dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại Thượng Hải (CIIE 2018), Nguyễn Xuân Phúc nói: “Việt Nam ủng hộ các hoạt động hợp tác, liên kết kinh tế trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” vì mục đích hòa bình, phát triển và thịnh vượng chung cho các quốc gia… Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với phía Trung Quốc để cụ thể hóa các nội dung hợp tác nói trên; nghiên cứu xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể về kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường” (tạp chí Đảng Cộng sản, 5-11-2018).
Ngày 14-11-2018, Hà Nội tổ chức hội thảo “Sáng kiến Vành đai & Con đường” lần hai với sự tham dự của các “chuyên gia nước bạn” Trung Quốc (hội thảo lần thứ nhất ngày 25-8-2017). Tại hội thảo này, Nguyễn Văn Thảo, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, “khẳng định rằng các lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần tái khẳng định ủng hộ sáng kiến Vành đai và Con đường, và chủ động tham gia sáng kiến này”. Và cũng trong tháng 11-2018, trả lời phỏng vấn VNExpress với tư cách tân đại sứ Trung Quốc, Hùng Ba cho biết, “Các dự án bước đầu thu hoạch sớm có kết quả, như xây dựng quy hoạch dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua kinh tế xuyên biên giới, khu hợp tác du lịch qua biên giới…” (VNE, 26-11-2018).
Điều đáng chú ý là những hoạt động “rộn rịp” chuẩn bị cho sự kết nối “Nhất đới, nhất lộ” của Việt Nam với Trung Quốc đã chìm nghỉm chẳng ai quan tâm giữa những hò reo chiến thắng bóng đá “vỡ òa”. Chẳng ai để ý đến cái thòng lọng Trung Quốc cả. Chẳng ai bận tâm đến chi tiết rằng Hùng Ba chính là kẻ đã “hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc” trong chiến lược biến Campuchia thành thuộc địa trong thời gian làm đại sứ nước này trước khi đến Việt Nam với vai trò tương tự.
Mạnh Kim
…
Hùng Ba (đang phát biểu) vừa chân ướt chân ráo đến Việt Nam với vai trò đại sứ, hội thảo “Nhất đới, nhất lộ” lần hai đã được tổ chức tại Hà Nội (ảnh: VOV)
Không có nhận xét nào