2) VƯỢT BIÊN Trong những ngày ấy, Ba Mạ tôi cố chắt chiu và gom nhặt những gì có được để cho các con vượt biên. Và chúng tôi đã làm một cuộc...
2) VƯỢT BIÊN
Trong những ngày ấy, Ba Mạ tôi cố chắt chiu và gom nhặt những gì có được để cho các con vượt biên. Và chúng tôi đã làm một cuộc hành trình thật xã láng (“được ăn cả, ngã về không”) với toàn bộ các anh em, mà thật ra cũng rất áy náy nếu chẳng may … nhưng vì quá tuyệt vọng trước viễn cảnh tương lai quá đen tối nên đành phải liều và cầu mong phép lạ ơn trên trong dịp ngàn năm một thuở. Và rồi, khi nghe tin phong phanh chúng tôi bị rã tuồng; tội cho tấm thân tàn tạ Ba tôi phải lặn lội đi tìm. Ông đi mà không biết chân trời góc biển nào chúng tôi bị trôi dạt. Trong tay ông cứ ôm khư khư chiếc giỏ lát tồi tàn ông đan được từ trong trại tù cải tạo. Hành trang ông gói ghém là mấy đôi dép nhựa và vài ba bộ đồ để hy vọng có cái mà che thân chúng tôi khi đón về … nhưng thất bại, ông tuyệt vọng trở về … và những ngày sau đó bị tra khảo, khủng bố tư bề, là những cơn ác mộng cùng nỗi buồn ray rức vì tuyệt tự của hai mái đầu bạc trắng đang cố kéo lê cuộc sống trong kiếp tù đầy ...
Xin trở lại chuyện vượt biên. Tôi nhớ rõ đó là một buổi chiều thứ Hai 11/07/1988. Mấy anh em được phân thành từng nhóm nhỏ và tập trung đông đủ ở điểm hẹn là bãi biển Nha-Trang (khoảng giữa đường Nguyễn Thiện Thuật và Bồn Nước). Rồi giả bộ từng nhóm như chơi đá banh, tắm biển, đốt vỏ xe đi bắt còng hay làm những cặp tình nhân giả tình tự ôm nhau cho thật mùi mẫn v.v… Cứ thế, thời gian cứ dần trôi. Có tiếng xuồng máy nổ nhẹ và đèn signal báo liên tục. Chúng tôi theo lệnh người tổ chức, dồn nhau xuống biển rồi bắt đầu bơi. Nhìn ra khơi chỉ thấy toàn một màu đen thâm thẩm. Bì bõm độ vài mươi sải thì chúng tôi được xuồng vớt lên. Mọi việc diễn ra thật nhuần nhuyễn như “xem phim”. Có cả thẩy 2 xuồng máy, mỗi chiếc kéo theo 2 chiếc xuồng chèo khác nữa được nối kết nhờ những chiếc giầm đưa ra cho người đầu mỗi xuồng chèo nắm giữ. Ngồi trong lòng xuồng nhưng người tôi hướng về thành phố. Một bức tranh thủy mạc như lung linh với những ánh đèn màu của thành phố lấp lánh thật diễm ảo thế nào! Kiểm lại “phe ta” thấy anh em đầy đủ cả khiến tôi yên lòng. Hai dãy thuyền dài đang lướt nhẹ trên sóng nước bao la để đưa chúng tôi đến bầu trời tự do và quả thật, đêm nay trời thanh gió mát, cảnh đẹp người hay khiến lòng tôi rộn ràng niềm vui … Khi đã lên được “xế lớn”, tôi mới thật sự hởi ơi bởi mọi sự xảy ra đã không “thuận buồm xuôi gió”, nào là tàu tiếp tế lương thực và dầu không ráp được, vợ con “chủ xế” bị sót lại nên họ tìm cách tống khứ tụi tôi và cho giải tán … Nhiều người hoảng quá giành nhau theo các xuồng nhỏ để thoát thân, còn chúng tôi thì tìm cách thương lượng và mặc cả để cuối cùng họ cũng đồng ý cho nhổ neo. Kiểm lại hành trang, vỏn vẹn chỉ độ 15 kilô gạo, 6 can dầu và chừng 60 lít nước. Tàu F-8 thân dài chỉ độ mươi thước và 2.5 mét rộng để chất chứa đến cả 29 mạng người, lại không có hải bàn. Chúng tôi ra đi với hy vọng tìm cơ may là sẽ được cứu vớt khi ra tới hải phận quốc tế …
Đêm đầu tiên bị sóng nhồi, nhiều người nôn mửa đến “cạn sạch”, nào mật vàng, mật xanh đều có cả, riết rồi chỉ thấy một màu đen. Lục phủ ngũ tạng chẳng còn gì đến mật đen cũng cho ra nữa. Mà cũng may, nhờ vậy tôi thấy người tỉnh queo để có thể tham gia cho đến hết cuộc hành trình. Nhờ may mắn, anh Hai tôi đã dồn được các em gái tôi lên tận cabin nên có thể tránh được nắng mưa gay gắt. Anh cũng chạy chọt làm người phân phát các bữa cháo “toàn quốc” (cháo chỉ toàn nước), nên tất cả cũng tránh được cảnh bị bỏ quên! Gặp được nhiều tàu đánh cá của ngư dân ta, chúng tôi xáp vào van xin và trao đổi. May mà không gặp phải tàu quốc doanh hay tàu biên phòng nên cũng thoát nạn …
Nằm trong khoang tàu cong cong chẳng phẳng phiu tí nào vừa lầy lội lại hôi tanh mùi cá nên chẳng ngã lưng được, chúng tôi đành ngủ đứng. Bên ngoài lại đang gió bão, nước dột vô khoang làm ướt đẫm áo quần và người lạnh rét run không làm sao chợp mắt. Trốn vô khoang máy tàu để đỡ lạnh, giờ nước đã dâng tới đầu gối nên hè nhau tát nước. May mà có phản nằm, mệt quá tôi đã chìm vào giấc điệp khi nào chẳng hay, mặc cho tiếng sóng gào, mưa bão nổi lên cùng với tiếng máy nổ rền vang …
Ngày thứ hai trôi qua và đã vào hải phận quốc tế. Nhiều tàu bè ngoại quốc qua lại như mắc cửi, đa số là tàu buôn. Họ vẩy cờ, xua tay, la lối kể cả bấm còi thân thiện, nhưng khi biết ý định của chúng tôi họ đành tâm hát bản “tình lơ”, bỏ mặc cho bao tiếng khóc than kêu gào đến tuyệt vọng …
Thua keo này bày keo khác, chúng tôi đổi chiến thuật thành “du kích”, nghĩa là nếu “địch” không đến với ta, thì ta phải áp sát lòng địch. Chúng tôi cho tầu chạy tông thẳng vào họ, nhưng khi thấy chúng tôi xáp lại gần, họ đã cao bay xa chạy. Chơi trò hải tặc không “xi nhê”, đành phải đánh động lương tâm của “nhân loại”. Cả bọn hè nhau nhảy xuống nước giả đò như bị đắm tàu. Và chúng tôi bị lầm hơn là thiên hạ bị “bé cái lầm”, nhìn biết con tàu của chúng tôi vẫn còn tốt nguyên xi nên chẳng đánh động được lòng ai ! Thế là phải tự “thương mình” (miễn cưỡng) trở về lại con tàu nhỏ bé ấy tiếp tục cuộc hành trình tiến về phương trời vô vọng …
Sau hai ngày ấy, kể từ ngày thứ ba, tư, và v.v… của cuộc hành trình, chúng tôi trực chỉ theo hướng mặt trời (vì không có hải bàn) cho tàu chạy ban ngày, về đêm tắt máy thả trôi dạt để tiết kiệm dầu. Thời tiết thật thất thường, bầu trời có vẻ ảm đạm. Từng cơn sóng cao như chọc trời đang nuốt lấy con thuyền bé nhỏ của chúng tôi. Và nguy hiểm nhất là những con sóng đôi, sóng ba … nếu không biết chẻ sóng và lái con tàu, dễ chôn nó xuống lòng biển cả hoặc bị nát tan tơi bời. Rồi mưa và gió. Con thuyền thật bé nhỏ đã chất chứa đến cả 29 sinh mạng con người. Rồi lại nắng, cái nắng gay gắt đến khô người. Ngày hai bữa, chúng tôi chia nhau mỗi người không đầy một phần ba chén cháo nhỏ trong loe ngoe vài ba hạt đếm được. Tàu bị rò, phải chia nhau tát nước. Sức lực con người cạn dần rồi cạn dần …
Đêm càng khuya, những âm thanh thật não nề. Lần đầu tiên tôi đã cảm nghiệm được cảm giác đến rợn người của những âm thanh trong lòng biển cả. Hòa với tiếng kêu: “Cứu tôi với … Trời ơi, tôi chết mất!” của một ai đó trong cơn ác mộng. Tôi nghe có cả tiếng nức nở của một người bạn trẻ: “Mẹ ơi, biết thế này con sẽ không đi … con sắp chết mà không thấy mặt mẹ” … Riêng tôi, tôi nghĩ đến Ba Mạ già cô quạnh vì tuyệt tự không còn người nối dõi … Rồi bất chợt tôi thầm thì lời khẩn nguyện: “Lạy Chúa, nếu có thể được, thì xin hãy cho con làm một tiên tri Jonas chết thay cho các anh em con trong lòng biển cả” …
Xen kẻ những chuyện buồn và tuyệt vọng kể trên, chúng tôi cũng có những “phần thưởng” hay phần quà chỉ dành riêng trong những lúc tuyệt vọng, đó là “ảo giác”. Con người đói khổ kiệt lực lúc gần chết thường được thấy những gì mình ưa thích. Những hình ảnh và nỗi ước mơ đó thường ngày bạn cho là rất tầm thường hay có khi chẳng hề quan tâm đến. Thì chính giây phút này đây bạn đang được tận hưởng sự “mê thú” nhất của một ổ bánh mì thịt ở đường Sinh Trung, một ly chè đậu xanh mát lịm hay một chiếc bánh gâteau có nhân kem ở tiệm chi đó v.v… Còn riêng tôi, tiềm thức đâu chổi dậy của những năm tháng tưởng chôn vùi thời được uống vài ba lon Coca của các chú G.I., giờ đang nằm chờ chết lại được thấy uống nước Coke đen xì đó quả thật là “thung thướng” nàm thao ! (chả trách gì từ nay tôi lại có tên mới là anh “Coca”!) …
Trời hừng đông, chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Bây giờ chung quanh chẳng thấy ai đồng hành. Chỉ có trời, mây, chim, nước. Những chú chim phải gió chi mô làm chúng tôi “bé cái lầm” tưởng sắp tới đảo. Chán rồi lại hè nhau tìm vớt những vật đang trôi nổi. Nào những phao, những can trống rỗng, kể cả những cọc cờ làm phao của những người đi biển. Nhưng tuyệt nhiên chẳng có chi để toọng dzô bụng mà dằn bao tử …
Lương thực trên tàu tới hồi báo động. Chúng tôi đã phải niêm phong gạo, nước để “còng-trôn” được ngày nào hay ngày ấy, dầu máy thì cũng đang cạn dần chưa thấy dấu hiệu nào là lạc quan để mà hy vọng …
Tới ngày thứ sáu của cuộc hành trình (17/07/1988), hôm đó là Chúa Nhật là ngày của Chúa. Bầu trời bổng sáng rực và đẹp cách lạ lùng. Và con tàu vẫn lầm lũi tiếp tục trên lộ trình như đã định. Đến khoảng giữa trưa, từ xa xa chúng tôi đã thấy hiện ra một lá cờ đỏ, cờ đỏ sao vàng đang phất phới trên bãi đá ngầm. Hồn vía lên mây! Nhưng khi nhìn kỹ lại, cờ đỏ với 4 tiểu sao chầu, cờ máu của nước cộng sản Ba Tàu! Rồi thì nghe đạn bắn như mưa. “Nỗi hy vọng lướt thắng tính sợ hãi quân thù”, tàu phải ngừng chạy và không hiểu sao lại chọn tôi làm “con dê tế thần” cùng với một anh em khác theo thúng chai đi nạp mạng. Vừa tới nơi, bọn giặc đã hăm he và lớn tiếng ngăn đe, súng thì chĩa thẳng vào người chúng tôi như sẵn sàng nã đạn. Nhìn những cặp mắt đỏ ngầu và ti hí như lươn đang chực ăn tươi nuốt sống thật đáng sợ. Sau thủ tục sờ mó và khám tay, chúng bổng trở nên dịu lại. Ngôn ngữ bất đồng, tôi làm hiệu xin bút giấy viết ba chữ nước, gạo và dầu. Bọn chúng đã hiểu. Đang khi chờ nhận “chiến lợi phẩm”, tôi có dịp quan sát kỹ công sự của chúng. Toàn bộ lô cốt được dựng theo kiểu pháo đài liền nhau bốn hướng trên những bãi đá ngầm kiên cố. Đại liên đặt chung quanh và ở giữa trung tâm là cột cờ … Tôi hỏi dầu, bọn chúng làm hiệu bảo chờ vì sẽ có ca-nô dầu vào tiếp tế. Sau một cuộc điện đàm với tổng đài, bọn chúng được lệnh bảo chúng tôi phải rời ngay, nếu không sẽ bị bắn bỏ. Trước khi từ giả, họ cũng vẽ cho biết đây là khu vực Trường Sa, phải bọc parabol một vòng để tránh rạng san hô … Rời nơi đây tôi vẫn còn hằn học: “Ngộ tạ lị xị, nị ở phương Bắc sao lại cấm dùi ở phương Nam”!
Không biết nỗi sung sướng nào hơn, kiểm lại chúng tôi được có thêm khoảng 30 ký gạo và 2 can nước đầy. Lần đầu tiên trong cuộc hải hành chúng tôi tự “thưởng” cho nhau “bữa cơm” thật sự, mỗi người nửa chén vơi. Tuy gạo ẩm mốc, nhưng mùi vị thơm ngon tuyệt vờì. Tôi cố tận hưởng từ từ như cảm nhận “linh dược” của thần linh. Đến phút này mới hiểu thâm thúy lời của tiền nhân: “mỗi hột cơm là một hạt ngọc”. Trong cái bĩ cực của cuộc đời, giờ tôi mới nhận ra đó là chân lý! Và cũng theo lời mấy tên giặc Tàu, chúng tôi sắp tới một đảo to. Và quả đúng vậy, từ xa xa chúng tôi đã nhìn thấy nó. Vậy mà cũng mất hơn 5 tiếng đồng hồ mới đến được đó : “PAG-ASA ISLAND”. Các binh sĩ đồn trú Phi đã tiếp đón chúng tôi thật niềm nở. Họ đã ra tận boong tầu để tiếp đón người tỵ nạn và đã tiếp tay khiêng giúp phụ nữ cũng như những người kiệt sức không thể đi đứng được. Thật là cảm động khi nghe nhạc Giáng Sinh phát ra từ một máy cassette cũ kỹ của một chú hải quân nào đó. Và dường như anh ta chỉ có duy nhất mỗi một tape cassette đó mà thôi! Các binh sĩ lo dọn chỗ ngủ cho chúng tôi, chỉ chỗ tắm rửa, cung cấp xà bông và chia sẻ áo quần. Chúng tôi có một bữa ăn tối thật phủ phê rồi đi ngủ. Sau mấy ngày kiệt sức, giờ được nằm xuống là đã chìm vào giấc điệp. Trong cơn mê có chen lẫn nỗi ám ảnh của quá khứ hải hùng của từng cá nhân ... Và bên ngoài, trời bổng mưa to bão tố, nhà cửa rung chuyển. Nào có ai hay, nếu không tới bến bờ này... thì biết đâu con thuyền bé nhỏ của chúng tôi đã trôi dạt nơi mô, hay đã đang làm mồi cho loài cá dữ !...
Sáng hôm sau, lương cũng như giáo chúng tôi đều tự động tập trung nơi phòng nguyện của các binh sĩ đồn trú. Mọi người sốt sắng cầu nguyện để tạ ơn Chúa Mẹ đã ra tay cứu giúp. Và tôi đã nhìn thấy những giọt nước mắt, kể cả những người xưa nay đã từng cứng lòng nhất. Sau đó là buổi giả từ các binh sĩ Phi trong nỗi bịn rịn biết ơn, rồi trực chỉ lên tàu chiến tiến về trại tỵ nạn PFAC - Palawan.
Trần Ngọc Châu (Thuyền Nhân có số ID: PA # 15811, Group 29 Pagasa)
*Xin mời xem tiếp phần 3: TRẠI TỴ NẠN PFAC, PALAWAN – PHILIPPINES.
Không có nhận xét nào