HIỂU SAI VỀ LUẬT PHÁP Tất cả các hình thức khen thưởng lực lượng điều tra, bao gồm cảnh sát và an ninh, ngay khi vừa bắt được nghi phạm, ngh...
HIỂU SAI VỀ LUẬT PHÁP
Tất cả các hình thức khen thưởng lực lượng điều tra, bao gồm cảnh sát và an ninh, ngay khi vừa bắt được nghi phạm, nghi can đều là một hình thức gián tiếp thừa nhận và kết tội nghi can, nghi phạm. Kể cả việc các chức vị chính trị ở bất kỳ nhánh quyền lực nào gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp, với việc ra văn bản hoặc lên tiếng đề nghị truy xử một mức án nghiêm khắc nào đó cũng là một sự gián tiếp của việc kết tội đối với những người đang bắt đầu được đặt vào một chu trình tố tụng với hàng loạt các sự chứng minh thông qua những chứng cứ hợp pháp còn phải tiếp diễn sau đó.
Cần phải hiểu thêm rằng “phá án” là một động từ dùng để chỉ một (chuỗi) hoạt động của các cơ quan tư pháp thực hiện sau khi vụ án đã “không còn dấu tích và bị đình hoãn trong một thời gian khá dài nay có manh mối trở lại và bắt được nghi can thực sự” hoặc “án đã có hiệu lực nay toà cấp trên huỷ bỏ để quay trở lại việc tố tụng từ đầu”. Và chỉ khi kết thúc quá trình/thời hạn tố tụng nào đó hoặc việc kết tội trở nên có hiệu lực thì những người có vai trò phá án mới có thể được nhận phần thưởng vì công trạng của mình như một sự khích lệ. Chứ không phải phá án là việc bắt được nghi phạm sau khi xảy ra vụ án và vẫn trong thời hạn điều tra theo luật định.
Hơn nữa, trong các ngôi trường giảng dạy luật, trong các phần luận tội, tuyên án dành cho các bị can, bị cáo trong vụ án, thường thì các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra lập luận “trái với đường lối, chính sách, quan điểm của đảng, pháp luật của nhà nước” làm căn cứ và cơ sở buộc tội hay giảng dạy. Vậy thử hỏi, đường lối, chính sách, quan điểm của đảng có phải luật pháp hay nguồn của luật pháp để vận dụng và nó nằm ở đâu trong hệ thống pháp luật? Tại sao quan điểm, đường lối, chính sách của đảng lại đặt trước pháp luật của nhà nước và nó có sức mạnh để được viện dẫn làm căn cứ điều tra, truy tố và xét xử? Điều đó nói lên tâm thức không tuân thủ các nguyên tắc tối cao của luật pháp của những cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ sở đào tạo luật học. Trong các giáo trình pháp lý đều có những dòng chữ này được lặp đi lặp lại thường xuyên và xuyên suốt. Thật đau xót cho những não trạng của những lực lượng mang trọng trách hay đại diện cho luật pháp.
Bất kỳ một tổ chức, thể nhân nào cũng đều chỉ được hưởng (thụ đắc) ngang nhau về các quyền và nghĩa vụ - tất cả thể nhân, pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng bất cứ sự viện dẫn nào làm căn cứ cũng đặt đường lối, quan điểm, chính sách của đảng trước pháp luật như một phạm vi quy chiếu độc lập và có hiệu lực cao hơn cả. Thử tra vấn đến tận cùng vấn đề: các vị nhận công tác giảng dạy, là chuyên gia, những người thực thi và bảo vệ luật pháp, các vị cần phải giải thích và tư duy, nhận thức như thế nào về vấn đề cực kỳ bất dung, xung đột và kỳ dị này? Hay các vị trở thành những chiếc loa và như một cái máy tuyên truyền mà không có sự am hiểu tối thiểu về luật pháp nhưng vẫn cứ rao giảng về luật pháp?
Lê Luân
Không có nhận xét nào