HỘI VÀ HÈM Người Việt từ ngàn xưa có một cuộc sống gắn bó với làng quê, trong đó một phần rất quan trọng của cuộc sống xã hội làng là hội hè...
HỘI VÀ HÈM
Người Việt từ ngàn xưa có một cuộc sống gắn bó với làng quê, trong đó một phần rất quan trọng của cuộc sống xã hội làng là hội hè.
Các lễ hội quan trọng nhất thường tổ chức vào đầu Xuân và mùa Thu (tháng 2 và tháng 8 lịch Trăng). Người dân tham gia vào các hội nhóm, ngoài những hội nhóm có vai trò lớn trong các việc chung của làng như hội phụ lão… còn có các hội khác sinh ra do sở thích hội họp hoặc thích cỗ bàn ăn uống của người nông dân khi nông nhàn như : Hội đấu vật, nuôi chim, ca hát, chọi gà…hoặc đơn giản như “hội đồng niên”….Trong những hội nhóm đó, người nông dân trẻ làm quen với cuộc sống công cộng, tập dượt vai trò họ sẽ đóng trong làng,và, “học ăn, học nói”.
Người dân được tái tạo trong nhiều lễ hội, lễ hội công cộng, bán công cộng hay lễ hội tư. Nhiều nghi lễ (lễ thức) đã được định sẵn, kèm theo lễ hội là các trò chơi như đấu vật, đá cầu, cờ người, kéo co, đua thuyền, diễn nghề nông, nấu cơm thi vv….những lễ hội này lại kèm theo cỗ bàn ăn uống nhiều khi lãng phí. Tôi từng đến những hội làng như làng Vân, làng Thắng… ở Bắc Giang, lễ hội từ làng này đến làng khác kéo dài cả tháng 2 cho đến khi chuẩn bị vào vụ mới, nhà nào cũng chuẩn bị cỗ bàn, có tục lệ đãi những người làng khác hoặc khách vãng lai, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn vài mâm cỗ, dù chỉ thấy 1, 2 người đi qua cũng mời bằng được, dọn mâm cho khách. Ai mời được nhiều nhất khách lạ vào nhà mình thì rất hãnh diện với dân làng và họ tin rằng năm đó sẽ nhiều may mắn.
Tóm lại, người nông dân tìm thấy trong đời sống xã hội ở làng những lợi ích của mình : Tình cảm tôn giáo, tham vọng, sở thích quyền lực, thậm chí thói tham ăn tục uống cũng được thỏa mãn. Một nhà nghiên cứu nhân văn phương Tây nhận xét : “Nhờ cuộc sống sôi động và có tổ chức chặt chẽ, người nông dân không phải là một nông nô khốn khổ và bị đói khát”-(Les paysan du delta Tonkinnois - Pierre Gourou- trang302). Ông cho rằng với cách tổ chức đời sống xã hội như vậy (còn gọi là văn minh làng xã) ở xã hội Việt Nam không có chế độ nô lệ.
Đi cùng với Hội là Hèm, những hèm này được giữ kín vì không lấy gì làm đáng kính, nó thường được tổ chức ban đêm, chỉ có dân làng tham dự. Nó nhằm mục đích nhắc nhở con cháu rằng ông tổ làng mình đã từng là người xấu hay làm việc xấu (hoặc không sạch sẽ, nên giấu) như ăn cướp, ăn trộm lợn (heo), ăn xin, đi lấy phân vv…
Tại sao những “Hèm” như vậy lại được nâng lên thành Lễ hội ? Như lễ chém lợn (heo), công khai giữa thanh thiên bạch nhật và nhiều người tham dự. Họ ngu xuẩn chăng ? Tôi không nghĩ vậy, những tư liệu, nghiên cứu về lễ hội, hèm được viện Viễn Đông bác cổ tiến hành vẫn còn được lưu giữ, những sinh viên, những người nghiên cứu xã hội học không thể không biết. Vậy nó nhằm mục đích gì ?
Ngô Nhật Đăng
Ps : Tôi đã nhiều lần tìm cách được tham gia lễ “đâm trâu” đúng nghĩa của đồng bào Tây Nguyên mà chưa được. Một già bản nói với tôi rằng con trâu được chăm sóc theo một chế độ riêng, khi đủ tuổi để hiến tế nó được tắm rửa sạch sẽ, đàn bà trong buôn ngồi quanh con trâu, hát và khóc đưa tiễn nó về với Giàng trong 3 ngày 3 đêm liền (những câu ca thường được ứng tác ngay tại chỗ không ghi chép lại). Được đắm mình trong không khí trang nghiêm đầy chất tâm linh đó, người ta sẽ cảm nhận được cái thiêng liêng, thành kính của nghi lễ hiến sinh từng có mặt trong tất cả các dân tộc trên thế giới thời cổ đại.
Không có nhận xét nào