Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NHỮNG TÂM THỨC HỦ BẠI

NHỮNG TÂM THỨC HỦ BẠI Khá là nhiều người có tư duy cho rằng doanh nghiệp không cần đạo đức trong kinh doanh (làm ăn), trong đó có những ngườ...

NHỮNG TÂM THỨC HỦ BẠI

Khá là nhiều người có tư duy cho rằng doanh nghiệp không cần đạo đức trong kinh doanh (làm ăn), trong đó có những người được đi học, cả ở nước ngoài và thậm chí luật sư có quan điểm như vậy. Có những người thì cho rằng, ủng hộ kẻ quan chức ăn được (tức tham nhũng) nhưng làm được, còn hơn là kẻ chỉ biết phá mà không biết làm.

Tư duy như vậy tồn tại, nên không thể phát triển được. Vì trong kinh doanh, sản xuất, gọi chung là thương mại, nếu không có đạo đức thì họ sẽ sẵn sàng chạy theo lợi nhuận và bất chấp thủ đoạn để làm điều xấu, gian manh và nguy hại để đạt mục đích cho mình. Mà lợi nhuận đó lại được đánh đổi bằng chính nhu cầu và tiền bạc của những người dân đóng vai là người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm của những kẻ buôn bán này. Và do vậy, giá trị mà những kẻ đi làm ăn mà không có đạo dức này tạo ra cho xã hội là gì, nếu không phải là sẵn sàng làm những việc tồi bại với những người khác? Do vậy, không thể chấp nhận được thứ tuy duy và nhận thức nguy hại và có tính phá huỷ nền tảng con người và xã hội như vậy.

Về vấn đề những kẻ có quyền chức mà theo quan điểm ăn được nhưng làm được còn tốt hơn là kẻ chỉ ăn mà không biết làm. Thử hỏi rằng, một kẻ được nhận uỷ nhiệm của dân để có chưc vụ và quyền hạn, ăn bổng lộc của dân, tại sao lại quay ra tham nhũng, lộng quyền, đục vét của dân thêm nữa? Ai đánh giá cái mà họ làm được, và ai biết họ phá huỷ cái gì? Và không thể có chuyện cùng là một loại tội phạm nguy hiểm đối với đất nước và nhân dân thì lại được nhìn nhận rằng cái này ít xấu hơn cái kia thì được chấp nhận. Bắt buộc phải tôn trọng một nguyên tắc rằng, phải chọn cái tốt nhất trong số những cái tốt, và muốn vậy thì phải loại bỏ cái xấu hoàn toàn khỏi các sự lựa chọn này. Không thể chấp nhận tội phạm hoành hành trong chính quyền chỉ vì nó vừa biết ăn (tham nhũng, lộng quyền) vừa biết làm (cho dân, cho nước), vì chúng đều nguy hiểm như nhau đối với nhân dân và quốc gia. Không thể biết được loại tội phạm này sẽ dừng ở điểm nào và có liên kết với nhau hay không, giữa kẻ chỉ biết phá hoại và kẻ vừa làm vừa phá. Vì vậy, phải loại bỏ hoàn toàn chúng ra khỏi hệ thống công quyền chứ không thể chấp nhận, dù chỉ là tạm quyền để những kẻ này ra tay loại trừ kẻ chỉ ăn và phá mà không làm được gì. Bởi nếu như thế, chính quyền khác gì băng nhóm tội phạm mà bè này triệt hạ phe kia chỉ vì lợi ích tước đoạt được không giống nhau, chúng làm gì có mục đích và sự đại diện chính danh đối với nhân dân?

Nói thêm về một loại tâm lý ngược ngạo và vô lý nữa ở chỗ, nhiều người cho rằng ngày lễ, tết nên dù uống rượu, bia vẫn lái xe hoặc khi tham gia giao thông không cần phải đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ thoải mái và khi gặp cảnh sát giao thông thì cả hai bên cũng sẽ không tuân theo để xử lý những vi phạm này vì họ đều cho rằng đầu năm mới không ai làm điều xui xẻo cho người khác. Nhưng rõ ràng là họ đang vi phạm luật pháp và đe doạ gây rủi ro cho những người khác, vậy là khởi đầu năm mới họ có thể ngang nhiên xâm hại luật pháp nhưng lại coi việc không xử phạt là vì lấy sự may mắn và hanh thông cho cả năm? Họ làm điều xấu, sai trái thì coi là lẽ thường và vẫn cầu mong những vận may, sự thành công đến với họ bằng sự khởi đầu tồi tệ đó? Luật pháp chẳng lẽ lại sẽ bị vô hiệu hoá hoặc không có giá trị vào trong một thời hạn nào đó, và việc không tuân theo nó thì có thể mang đến những điều tốt đẹp cho cả năm còn lại? Với tâm thức như thế, ngay cả với các cảnh sát giao thông hay trật tự, đều đáng bị lên án và phê phán, nó không thể coi là một nét văn hoá mà đó được coi là tiếp tay cho sự vi phạm pháp luật đối với cả hai phía: cả phía người dân lẫn lực lượng thực thi pháp luật - chỉ vì lý do viện cớ vào nét đẹp văn hoá ngày tết năm mới.

Đất nước và xã hội sẽ không thể tốt đẹp và văn minh khi còn đủ thứ lý do hủ bại làm căn cứ bao biện cho những hành vi vô pháp, vô đạo và vô văn hoá. Đặc biệt là những kẻ được đi học, có chữ nghĩa, lại còn ủng hộ hoặc bênh vực cho những tâm thức như vậy tồn tại.

Lê Luân




Không có nhận xét nào