ĐÔNG DƯƠNG Báo chí đã chính thức thông báo tối qua là chuyến đi Đông Dương của ông Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Chủ tịch nước sẽ kết thúc ...
ĐÔNG DƯƠNG
Báo chí đã chính thức thông báo tối qua là chuyến đi Đông Dương của ông Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Chủ tịch nước sẽ kết thúc chiều tối ngày 26/02/2019 để kịp quay về chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ- Triều vào hai ngày tiếp theo.
Lịch trình được đẩy lên sớm hơn này của phái đoàn đã làm một bộ phận dư luận yên tâm sau khi những lời đồn đoán về việc ông Trọng đi thăm Lào-Campuchia lúc này là “tránh né” gặp Trump vì không muốn Tập Cận Bình phật ý. Suy nghĩ như vậy là chưa hiểu thấu đáo về đảng CSVN.
Như chúng ta đã từng thảo luận gần đây thì ba nước Đông Dương CLV cần thống nhất chính sách trước khi Việt Nam đón tổng thống Mỹ. Về mặc sách lược Đông Dương, Mỹ cần Việt Nam đứng ra thống nhất chính sách chung cho ba nước. Về phía Việt Nam cũng cần phải làm điều đó vì chính tư thế của Việt Nam trước các cường quốc như Trung, Nga, Mỹ.
Nếu chính sách của Việt Nam được Campuchia và Lào thống nhất tán đồng và cam kết chi tiết thì các đại cường sẽ nói chuyện với Việt Nam trên tư thế khác, còn nếu Việt Nam đứng một mình tại Đông Dương thì các đại cường sẽ lại nói kiểu khác nữa.
Trong cuộc gặp tay ba Mỹ-Trung-Triều thì cuộc gặp Mỹ-Việt được giới quan sát chú ý nhất. Cho dù Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un có đến Việt Nam sớm hơn lúc ông Trọng từ Campuchia về thì cũng có thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp. Vấn đề Mỹ-Việt-Triều hầu như đã được đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink, người hiểu nhiều về Triều Tiên dàn xếp phía sau gần xong, chỉ chờ nguyên thủ 3 nước ký kết chính thức với nhau mà thôi.
Chuyến đi CLV của ông Trọng thì quan trọng nhất vẫn là chuyến thăm Campuchia kỳ này vì quan hệ Campuchia và Việt Nam không còn mặn mà như xưa. Nếu giữa Việt Nam và Trung Quốc thiếu lòng tin chiến lược vì yếu tố lịch sử lâu đời và những mâu thuẫn hiện tại thì quan hệ Campuchia và Việt Nam cũng tương tự.
Một thời kỳ làm “thái thú” quá đà của Việt Nam sau khi giải thể Polpot đã lưu lại những ấn tượng khó chịu trong lòng chính quyền Campuchia hiện nay khi nhìn về Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi còn tại vị đã có nhiều chính sách để thay đổi, nhưng e rằng chưa đủ và hiện nay Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phải nỗ lực hơn. Nếu quan hệ Việt-Camp lúc này bền chặt hơn thì ông Trump cũng nhìn ông Trọng bằng cặp mắt sắc sảo hơn.
Sau chuyến thăm Campuchia vừa rồi của tôi, điều tôi quan trọng không phải là quan hệ Camp-Việt sẽ đến đâu mà là nhìn thấy một tương lai là Campuchia đã ở thời điểm có thể “vượt qua” Việt Nam. Các lãnh đạo Campuchia đã hơn các lãnh đạo đảng CSVN về khả năng dùng mạng xã hội. Từ đó dần dần họ sẽ linh hoạt hơn trong điều chỉnh chính sách quốc gia.
Một khi Campuchia tốt hơn Việt Nam về đối nội, họ sẽ qua mặt Việt Nam về đối ngoại. Trong khi quốc phòng Việt Nam vẫn có các thượng tướng Gu Gờ và Pê tê Bốc thì quốc phòng Campuchia có thượng tướng Google và Facebook. Sự khác biệt nhỏ này lúc này cảnh báo những vấn đề lớn hơn về sau.
Thêm một khía cạnh khác của chuyến thăm thắt chặt tình hữu nghị này của ông Trọng mà tôi nghĩ ông có thể “làm thêm” là thúc đẩy giao lưu tôn giáo hai nước. Để về sau khi ông Trọng đã về nước thì tôn giáo và nhân dân hai bên sẽ tiếp tục ngoại giao nhân dân để mở rộng và làm sâu sắc hơn những gì trong chuyến thăm này đã mở ra và định khung.
Nói gì thì nói, nếu ở bán đảo Đông Dương đang coi Trung Quốc là “Anh Cả” thì lâu nay Việt Nam đảm nhiệm vai trò “Anh Hai”. Nhưng nếu Việt Nam muốn tiếp tục làm Anh Hai thì phải có nội lực giàu mạnh hơn nữa để giúp đỡ hai em khi cần thiết. Việt Nam không thể duy trì tư thế Anh Hai mãi nếu chỉ thắt chặt hữu nghị bằng mồm.
Chúc chuyến thăm Đông Dương của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thành công tốt đẹp để Việt Nam có cái mà bàn sâu an ninh khu vực với Trump.
H.M
P/S: Bí thư Nhân vẫn kiên trì giữ cái lư hương.
Không có nhận xét nào