Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

QUÃNG ĐỜI TỴ NẠN

QUÃNG ĐỜI TỴ NẠN Cuộc sống của tôi, cho dù ngày nay đã được định cư trên xứ sở tự do nhưng vẫn được coi là người tỵ nạn.  Cuộc đời tỵ nạn đư...

QUÃNG ĐỜI TỴ NẠN

Cuộc sống của tôi, cho dù ngày nay đã được định cư trên xứ sở tự do nhưng vẫn được coi là người tỵ nạn.  Cuộc đời tỵ nạn được trải dài kể từ khi vượt biên cho đến khi định cư ở Úc Đại Lợi.   Vì phạm vi giới hạn của bài viết, tôi chỉ xin cô động khoảng thời gian ở trại tỵ nạn Palawan.  Mặc dầu vỏn vẹn ở đó chỉ hai năm tròn, nhưng khoảng thời gian ấy đã để lại trong tôi quá tuyệt vời với những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn mà tựu chung đều là những hồng ân của Thiên Chúa.  Dẫu thời gian đã trôi nhanh, nhưng những ký ức về những ngày thần tiên ấy như chuyện vừa mới xảy ra khiến tôi luôn phải bồi hồi nhung nhớ … 

Hôm ấy là ngày thứ Ba 19/07/1988 khi cả nhóm 29 PAGASA chúng tôi vừa đặt chân đến PFAC (Philippine First Asylum Camp) – Palawan là bị cô lập ngay vào barrack để lo mọi thủ tục giấy tờ và hướng dẫn cần thiết.  Barrack này, nói đúng ra là một cái láng dài thông suốt.  Tất cả mọi người kẻ đến trước cũng như người đến sau đều chen chúc nhau và mọi sinh hoạt đều bị giới hạn trên mặt phản dài hai tầng (ngồi phách đốc như monkey) không có sự riêng tư kín đáo.   Và phải đợi đến đêm khi mọi người đã chìm vào giấc điệp, thì khi đó bạn mới tự do, tranh thủ làm việc vệ sinh cá nhân, tắm rửa …  Lần đầu tiên được tiếp xúc một người ngoại quốc, ông là Cao Ủy Trưởng Mr UAN TOP CHRISTENSEN mà thấy oai!  Bởi ông ”moral” dài quá nên anh em chúng tôi tranh thủ ngồi che nhau để tránh tầm nhìn của ông mà hơ nóng những đồng ”đô” bị nhàu ướt (do bởi cuộc vượt biên) cho kịp giờ giao cho đứa học trò làm ở IOM đi đánh điện tín cho Ba Mạ chúng tôi ở VN.   Thật là cảm động khi hay tin có Sơ THÉRÈSE và Cha tuyên uý CHU VĂN CHI đến thăm và ngài đã giúi cho tôi những 50 pesos cáo cạnh để “dằn túi”!  Rồi phái đoàn CADP cũng vào ủy lạo, phân phát những nhu yếu phẩm.  Một số em giáo lý khi còn ở VN cũng đến thăm và tiếp tế nào nước ngọt, bánh mì với sách vở v.v…  Và để cho qua đi mấy ngày chờ đợi buồn chán, chúng tôi đã tận dụng các sách báo cũ mà ngấu nghiến đến thuộc lòng.  Lần đầu tiên được biết đến vị linh mục thừa sai dòng Tên người Ý, mà tên tiếng Việt của ngài là DOMINICI ĐỖ MINH TRÍ nhờ tác phẩm ngài viết về đời tỵ nạn ở Bi-Dong như chuẩn bị tinh thần để chờ đón những gian lao thử thách sắp đến …

Tha hương viễn xứ đang chờ,
Hiên ngang nay đã là “NGƯỜI TỰ DO” …

Ở barrack khoảng độ một tuần, hôm thứ Hai 25/07/1988 chúng tôi được chính thức ra trại.  Nghe DŨNG em tôi tâm sự: “Hôm qua sinh nhật của em …” mà tôi phải chạnh lòng, bởi đó cũng là sinh nhật lần thứ 30 của nó.  Trong hoàn cảnh chân ướt chân ráo còn khó khăn,  nhưng để mừng ngày vui của nó và nhất là cũng để ăn mừng ngày đầu tiên chúng tôi được sống đời “tự do”, tất cả anh em đều tập trung ở Canteen để nhậu lai rai một vài chai bia San Miguel và nước ngọt.  Ngồi nghe sóng biển rì rào và nhìn ra khơi đèn đánh cá đã chăng đầy, khiến lòng tôi phải ngậm ngùi khi nghĩ tới Ba Mạ già và một cô em gái út đang mong chờ nơi miền “Thùy Dương” xa vắng …

Mạ Ba có biết bây giờ,
Nửa vòng trái đất mong chờ gặp nhau…
Cuộc đời là chốn bể dâu,
Hợp - ly, ly - hợp, bể sầu đời ta …

 

*Nghe tin chúng tôi tới đảo, chắc anh BẢO chúng tôi ở Australia mừng lắm.  Anh lo chắt chiu và mòn mỏi trông chờ ngày anh em đoàn tụ.  Quả là một gánh nặng lớn để “support” ngần ấy anh em.  Thời gian đầu đối với chúng tôi quả là thử thách, bởi nhìn các anh em trai đang đói vã trong đám sương mù thiếu khói … thuốc lá, mà tiền dự trữ cũng đã cạn rồi.  May còn một chỉ vàng Ba Mạ đưa cho trước ngày vượt biên định đưa ra tiệm đổi, nhưng khi thấy hối đoái nhận được ít quá nên đành thôi.  Cũng may tiền dạy giáo lý trên CADP đến cũng vừa đúng lúc nên cũng giải quyết được trong cơn nắng hạn chờ viện trợ đến từ xứ sở chuột túi Kangaroo (!?) …

Và dĩ nhiên, còn nỗi sung sướng nào hơn khi lần đầu tiên nhận được thư của anh BẢO chúng tôi từ Australia (bảo đảm là có “nhân” vì đã được soi kỷ dưới ánh chiều tà kiểm chứng!).  Thế là tất cả anh em ăn mừng ngày vui hiếm có tại COFFEE SHOP (Quán Phở Việt Nam do Sơ PASCAL làm chủ).  Mùi vị ở quán này tuy không ngon hơn các tiệm phở bình dân của đồng bào ta trong trại, nhưng khung cảnh nơi đây thật ấm cúng, khang trang và lịch sự.  Rồi, “Vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ!”, nhất là muốn mang lại niềm vui cho mọi người ở VN. Thế là anh em chúng tôi bàn nhau gởi quà về gia đình.  Từ Ba Mạ, gia đình của Chương (Đường), Châu (Giao) v.v… và ngay cả các cộng đoàn La-San ở Nha Trang cũng đều có phần cả.  “Của ít lòng nhiều”, chúng tôi đã làm một nghĩa cử khiến gia đình  và các Frères vừa vui và cảm động …

Một chút quà chúng con gởi tặng,
Là gói ghém … nghĩa nặng tình sâu …

Giờ xin nhắc đến chuyện ở.  Căn nhà số 3 khu 3 chúng tôi được phân chia do tên PHÙNG MINH và dăm ba tên ‘chệt’Chợ Lớn làm chủ hộ.  Bọn chúng chia nhau chiếm trọn các phòng và để lại cho chúng tôi phòng chung duy nhất nhưng cũng là nơi cho bọn nó ăn uống, party, hú hí, hội hè !!!  Do bản tính lỗ mãn lại hay dơ dáy theo kiểu Ba Tàu truyền thống nên lúc nào chúng tôi cũng phải lo lau chùi dọn dẹp những mẫu xương, thịt cá vung vãi do tàn tích chúng để lại, nếu không sẽ phải nằm trên những bãi nhày nhụa đó mới thật ghê hồn.  Tội thân cho các em gái tôi cũng thường hay đứng đợi chờ mõi mòn giữa trưa nắng hè để tới phiên nấu nướng và đêm hôm khuya khoắt lại ngủ gà ngủ gật dưới mái hiên hè cho đến khi party chúng nó dzãn tuồng mới có chỗ vào nằm nghỉ …

Ngộ tạ lị xị, cái nị Ba Tàu,
Cha ông nị chạy,
Trốn Tàu phương Bắc, tị nạn Phương Nam,
Như canh bí, bầu … ngọt nước, ngọt cơm  …
Sao nị … “lủm hết” !?

Đêm ngã lưng xuống là mọi người ngủ say.  Một hôm tôi bổng giật mình vì bị đau nhói ở đầu một bên ngón chân cái.  Vội bật đèn pin lên, tất cả hồn vía lên mây!  Chuột ơi là chuột, một lũ chuột to bằng cả bắp vế chân người.  Nhìn lại một vết sưng to phồng đau đớn.  Đuổi chúng cứ chạy lòng vòng trong màn nhưng chẳng chịu ra.   Đêm nay trời lại mưa gió bão bùng thổi tung bay cả vách và nóc nhà.  Nước đã tràn lênh láng trên cả sàn và thế là chúng tôi lại phải ngủ đứng co ro như những ngày còn trên biển cả.   Sáng hôm sau khi kiểm tra toàn trại, một cảnh thê lương đổ nát điêu tàn và thế là mọi sinh hoạt toàn trại đều phải ngưng lại để dồn vào công tác thu dọn và sửa chữa …

*Anh Hai tôi tóc râu đã tua tủa dài và phờ phạc vì “quyền huynh thế phụ” thay Ba tôi mà lo cho các em.  Do biết không đủ chỗ nằm, ảnh cùng đứa cháu con anh ấy thường hay đi du mục ngủ ở sân cao ủy.  Và duyên tình đưa đến, nơi đây cũng lại là nơi làm văn phòng của ban Xã Hội.  Rồi lần lượt anh tôi cũng đã gia nhập vào ban ngành đó.  Sau tiến thân làm đến chức trưởng ban Xã Hội.  Và để ưu đãi cho công trình đóng góp của anh ấy mà cao ủy đã phân cho gia đình chúng tôi một căn hộ mới.  Nói đúng ra đó là một cái láng số 61 thuộc khu 3.  Nơi đây đã hun đúc toàn bộ gia đình chúng tôi.  Và thế là đã thoát ách nô lệ của giặc MINH (ý quên PHÙNG MINH) kể từ đó !!!

Khi cao trào vượt biên dâng lên tới cao độ (có lẽ vì hay tin trại sắp đóng cửa?), từng đợt sóng người vượt biên tuôn đến không còn chỗ chứa.  Đâu đâu cũng thấy la liệt toàn những người và họ thường tạm trú nơi các trụ sở, sân cao ủy, nhà thờ hay các chùa chiền … Thì chính lúc này, căn hộ 61/3 đã trở thành cái láng “tình thương”.   Chúng tôi đã tiếp đón các bạn bè, thân nhân và cũng may trong đợt sóng này có cả gia đình bên họ vợ của anh Hai tôi đến nữa.  Người trong nhà nay đã đông đến chật kín như nêm.  Chỉ cần một người thức giấc nửa đêm để đi ra ngoài là phải dẫm đạp lên nhau.  Nhưng bù lại đó là những năm tháng thật thần tiên và hạnh phúc nhất của đời tỵ nạn …

Nhắc đến chuyện “nhân mãn” mà không nói đến những “ắt xi đờn” cũng là thiếu xót.  Nhân vụ mấy dãy “lầu xanh” (ý lộn Lăng Bạc!) bị rò rĩ đã tạo nên môi trường ô nhiễm chung quanh.  Lại thêm bị đầy nghẹt do vì nhu cầu nhiều hơn số cung, nên mới có chuyện chạy lòng vòng đi mượn chìa khóa “share” chung W.C...  Vấn đề khó khăn là mượn rồi nhưng không thấy trả lại nên chủ nhà mới đóng lại cửa lòng mà bế môn tỏa cảng để cho đèn nhà ai nhà đó rạng.  Thế là túng quá thiên hạ mới tìm đường đi giải tỏa.  Tiện có nước trong biển lặng và trong cái khó nó bó cái khôn nên tất cả tự nhiên biến thành “ma dza” lúc nào hỏng biết.  Già trẻ nhớn bé đều thi nhau lội chồm hổm, để trước là được cho mát cái “địt”, sau lại cũng có cách chữa bệnh nhuận trường (ai hiểu sao thì hiểu) !!!

Tội do “Lăng Bạc” bị đầy,
Lội cho mát “địt”, dạ dày … được trơn …

Câu chuyện khó khăn về cái dzụ “Lăng Bạc” với nạn “nhân mãn” không kéo dài lâu.  Bởi cao ủy đã cho xây thêm các khu nhà mới kéo tận bên WESTCOM (Western Command).  Và thế là một số bà con kéo qua bên đó ở.  Nhân dịp này em gái tôi lại có baby.  Em bé sinh ra trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh, may nhờ ơn Chúa nên còn sống sót.  Chúng tôi nhờ chị NĂM (chị vợ anh Hai tôi) làm bà mụ kiêm thêm nghề thổi lửa và mẹ Frère THÀNH làm cố vấn quạt mo chuyên chia sẻ kinh nghiệm chuyện nuôi con thơ!   *Nhân kỷ niệm lễ thôi nôi em bé, cửa nhà túng thiếu và không hiểu sao DŨNG em tôi đã làm cách nào đó vội vội vàng vàng, lương giúp mấy em tàn tật kiếm đâu ra 100 pesos đưa cho HẢI ĐƯỜNG và bảo mua gà đãi sinh nhật cháu.  Rồi để cho mẹ con cháu bé có chỗ hẳn hoi chúng tôi cũng đề nghị DŨNG Phan-Chu-Trinh (Bọ đỡ đầu của cu LONG) và SINH đóng thêm cái gác lửng cho các nường nhà tôi và các bạn có chỗ nằm nghỉ.  Không gian chia ranh giới Nam - Nữ chỉ cách nhau một tầm tay nhưng cũng đủ tạo một khoảng cách an toàn và riêng tư cho mỗi phía.  Thời gian thật an bình, bổng một hôm cả nhà mang bệnh ngứa.  Cái ngứa triền miên ngứa ngoài lẫn trong nổi phồng lên những mụn nhọt đỏ.  Sau phát hiện là nguyên do bởi nạn rệp cắn.  Rồi do sáng kiến của SINH mới ra tiệm chạp phô ngoài phố mua thuốc rệp mà trị chúng.  Quả thuốc đắng đã tật, nhìn xác rệp chết nổi tràn lan khắp trên sàn nhà như xác pháo đêm 30 thấy mà khiếp …

Sau dzụ chỗ nghỉ ngơi được ổn định rồi, giờ xin nhắc đến chuyện ăn.  Mặc dầu cao ủy nuôi cho ngày hai bữa.  Nhưng để có được một bữa ăn cho đàng hoàng cần phải đổ nhiều công sức.  Mà công đầu đáng tuyên dương phải kể đến là cu LONG và TUYẾT HẰNG.  Ngày nào cũng thấy hai cô cháu đứng xếp hàng chờ đến dài cổ mới tới phiên lãnh lương thực.   Đem về rồi phải nấu nướng chế biến cho thật ngon.   Của thì ít, tiền chi dùng lại hạn hẹp.  Làm sao thỏa mãn được cái bao tử cho đàng hoàng quả là chuyện quý.  Nhất là phải xào đi xào lại cái món cá mòi hộp trong mùa mưa bão (không có đồ tươi sống) quả là thật khó.  Dẫu sao trong nhà có nhiều con gái gạo ăn chẳng hết nên đem đổi trái cây, rau sống của mấy em nhỏ người Phi vô trại cũng cải thiện được bữa ăn “dăm mì” là thế!

Dằm mì dằm mi dằm mí!
Khen ai gạo thổi thật ngon,
Bỏ bao công sức cho ai được nhờ!
Dằm mì dằm mi dằm mí!
Tuyên dương cô cháu LONG, HẰNG.
Ngày đêm góp sức, nấu ăn “dăm mì” !!!

Sau cái ăn giờ xin nói đến chuyện uống.  Nước uống để nuôi mấy mươi ngàn người trong trại thật hiếm.  Tội cha tội mạ cái thằng WILLIE (lính của Sơ PASCAL) chuyên lo mở, khóa các vòi nước uống trong trại.  Và khốn cho ngày nào hắn bị xỉn tản hay muốn tà tà để đòi hối lộ là kể như thiên hạ lo sốt vó!  Mà hễ nước bị thiếu là sẽ ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt trong cuộc sống, từ chuyện nấu ăn đến chuyện tắm rửa của phụ nữ v.v…  Ngày nào cũng chứng kiến cái cảnh đánh nhau để giành nước thấy mà nhục nhã!  Chả thế nên có hộ mới chơi sang bỏ tiền ra thuê xe lam chở nước từ ngoài phố vô xài xã láng!  Riêng hộ nhà tôi chuyện xếp hàng để xách nước thì trường kỳ kháng chiến.  Xin vỗ tay tuyên dương mấy anh đực rựa con trai cả trên lẫn dưới (hic hic!) …

Sau chuyện vật chất căn bản đã được thỏa mãn rồi, giờ xin nói đến việc thiêng liêng, học hành và giải trí.  Nhà thờ nhà thánh với chùa chiền đều có sẵn trong trại.  Vấn đề đời sống tinh thần luôn bị khủng hoảng bởi chuyện đi định cư mà dân chúng thường tìm an ủi nơi Đấng Chí Tôn.  Riêng tôi được đặt cách lo trợ úy ca đoàn và giảng dạy giáo lý.  Có lẽ nhờ lo việc Chúa nên anh em miễn cho công tác tại gia để ung dung mà “múa đêm ngày”!  Mỗi Thánh Lễ chiều về thấy anh em mĩm cười tươi rói có nghĩa là tôi nhận được thư có “nhân” (nghĩa là có “đô na”).  “Nhân” bên trong đủ sức mua coca và San Miguel cho anh em uống đã thèm!  Riêng vấn đề giải trí, ngoài chuyện mượn sách ở thư viện ra thì được xem phim là một cái thú.  Phim chiếu ở trung tâm có khi kéo dài đến 3, 4 giờ sáng mới dzãng tuồng.  Ngoài ra còn có chiếu phim ở canteen, hội phụ nữ, ở nhà thờ.  Ai muốn coi phim “nghèo” (thiếu quần hay rách quần) thì tới hội cựu quân nhân tha hồ mà “rửa mắt”!.  Phim mê ly hấp dẫn đầy tính nghệ thuật thì tới ban xã hội của anh Hai tôi chắc chắn sẽ được toại nguyện.  Riêng chuyện học hành và trao dồi nghề nghiệp thì mọi người đều biết lo vì đó là bổn phận cần thiết cho chuyện tương lai đi định cư sau này.  Thỉnh thoảng nằm trên láng nhà tôi mà cứ nghe oang oang bên nhà tê lũ ngợm học bài tưởng như trâu ngựa ca cải lương không ai chịu thua ai:

-“Lơ xiêng con chó, lơ xa con mèo” …
-“Boi trai, gơ gái, kít kịt mi nhau”!!! (thầy chạy!)

Sau những chuyện tầm phào vừa kể trên, giờ xin vào vấn đề chính là chuyện đi phỏng vấn và đi định cư.  Vì gia đình tôi đã đăng ký chọn xứ sở Kangaroo làm quê hương thứ ba nên việc chờ phái đoàn Úc là chuyện đương nhiên.  Nhưng việc trước tiên là phải lo cho CHÂU - GIAO để hai đứa nó được ghép hộ và tôi đã dẫn cả hai ra phòng hộ tịch ngoài phố để đăng ký kết hôn.  Thật ra, CHÂU có diện đi Mẽo hơn vì có các anh em cũng vừa được Mỹ chấp nhận đi định cư.  Nhưng khi ghép hộ với GIAO lỡ phái đoàn Úc từ chối không biết tương lai sẽ đi về đâu (chỉ có con tim mới có lý lẽ để trả lời!).  Nghe tin phái đoàn xứ sở “chuột túi” đến chúng tôi mừng tơn.  Nhưng khi “chét lịt” lại không thấy tên đâu khiến tinh thần cả đám như “đứt phanh tuột dốc” thật xát rạt (đành phải chờ thêm 6 tháng nữa, sao mà họ làm việc quá a-ma-tờ hị!).  Và để cho anh em vơi đi nỗi ưu sầu, may quá có người quen sắp đi định cư bán “seo” cho dàn máy cassette tôi liền tậu ngay cho anh em.  Thời gian này lại nhận được tin vui vì nhà dòng bảo lãnh tôi không cần qua thủ tục phỏng vấn mà cũng đã được bộ di trú OK.  Thế là tôi không còn phải lo lắng để chuyên tâm lo việc tông đồ và nhất là để nâng đỡ tinh thần anh em.  Sáu tháng sau, lần ni tất cả đều có tên trong list.  Nhưng oái ăm thay họ lại chia anh em tôi theo từng hộ và “nộ” rằng một hộ được “đậu” thì không đương nhiên các hộ khác được OK! Có tất cả là 5 hộ (không kể tôi) là hộ anh Hai – cháu LONG, hộ của DŨNG, hộ ĐƯỜNG – CHƯƠNG, hộ GIAO – CHÂU và hộ TUYẾT HẰNG.  Thể theo truyền thống (và tôi không hiểu sao) hể gặp phái đoàn thì Nam phải là quần đen sơ-mi trắng đóng thùng và đeo khô mực to tướng!  Còn Nữ thì đầm xoè hay cũng đóng thùng môi son má phấn và cười thật tươi cho ra vẻ “mi-nhon” (nếu tôi là trưởng phái đoàn chắc sẽ mủi lòng mà nhận hết kẻo tội!).  Mà quả vậy tất cả anh em chúng tôi đều được đậu.   Còn nỗi sung sướng nào hơn, nhưng thử thách tiếp theo là khâu khám sức khỏe.  Anh Hai tôi bị “rớt”khâu này nên cần tái khám.  Hoảng quá anh cù nèo tôi làm “LÊ LAI cứu chúa”.  Kết quả lại quá “sạch” tuyệt đối khiến IOM sinh nghi và đòi anh tái khám một lần nữa dưới sự dám sát nghiêm nhặt hơn. Biết là không thể phù phép họ được lần này ảnh chịu chấp nhận tiến hành công tác trị bệnh.  Riêng đối với CHÂU (GIAO) nhìn gương anh Hai rét quá nên xin tự nguyện “chữa trị” trước cho chắc ăn!  Chính vì sự quá sốt sắng này mà phải trả một giá quá đắt vì phải “trồng dừa” ngút chỉ cần sa (sẽ kể sau) …
 

… Thế là từ nay anh em chúng tôi chỉ biết ung dung ngồi chờ đi định cư và dành nhiều thời giờ để lo mọi công tác xã hội, đi dự lễ nhà thờ và nhậu nhẹt lai rai để đời thêm dzui.  Nhưng mà ông đồng bà cốt sao hồ sơ nước Úc chạy chậm như rùa, rồi hình như cả đám đang bắt đầu thấy lo.  Tôi lại phải lo thêm dzụ họ “nội” đang bắt đầu quậy lung tung.  Số là cụ đìa “Kẹc Tông” (hay còn gọi là cụ Giấy Bồi) ở Dziệt Nam đòi “dứt phép thông công” cả đám vượt biên gồm có Thành, Thăng và tôi.  May mà có Huynh Désiré (lúc ấy làm BT đại diện cho các Frères Diaspora hải ngoại) đã giang tay làm “chiên” gánh tội chúng tôi.  Ngài đã đích thân giúp chúng tôi đi bái kiến Tôn Huynh Tổng Quyền John Johnston đang khai mạc tổng công hội miền Châu Á – Thái Bình Dương tại Manila.  Và kết quả là tất cả các anh em đều được nhận lại vô dòng.  Riêng tôi vẫn nhớ mãi lời BT Tổng Quyền tâm sự: “Ơn thiên triệu của mỗi người là một đặc ân thiêng liêng bất khả xâm phạm, không ai có quyền ngăn cấm và bổn phận của các BT là phải tạo mọi điều kiện, cùng nâng đỡ với hết khả năng của mình …”. Như vậy, ý Chúa thật nhiệm mầu.  Ngài có trăm phương nghìn cách để cứu những người Ngài gọi, bằng không chúng ta chẳng còn những Frères như F. John The Baptist Trọng và Anthony Thành nữa rồi …

Ngoài bổn phận đối với anh em trong gia đình, tôi còn có niềm vui an ủi nơi cộng đoàn tu sĩ của tôi.  Hàng tuần cha CHU VĂN CHI bồi dưỡng cho những bữa cơm “mặn” thật yummy. Có tĩnh tâm và cấm phòng, giúp giảng dạy giáo lý, phụ trách các hội đoàn và lo vấn đề mục vụ v.v…    Nhân dịp này có Frère TÍN từ bên Úc sang làm thiện nguyện.  Frère thường dùng xe Jeep chở chúng tôi đi tham quan khắp cùng hải đảo, nào là cấm trại ở CALAYAN BEACH, WHITE BEACH, hồ Cọp, thăm farm nuôi cá sấu, trại tù cải tạo v.v …  Trong số các bạn đồng liêu tôi lại chơi thân với ông thầy Tư vui tính.  Hai đứa tôi thường tủ tỉ tù tì và tâm sự với nhau đủ chuyện.  Sau Thánh Lễ sáng thường ngồi ở quán cà phê Thanh Niên Công Giáo để nhâm nhi và điểm tâm.  Thỉnh thoảng cũng ghé thăm căn nhà số 1 khu 1 là nơi ở của thầy và rủ mọi người thuê xe lam (một loại xe tricycle trang trí thật sặc sỡ của Phi) rồi ra phố ăn kem và xem video.  Nhưng kỷ niệm đáng nhớ là giúp cả nhà trong việc tổ chức party tiển đưa KIM CHI lên đường đi định cư Canada ở COFFEE SHOP thật cảm động …

Một trong các công tác học nghề đã làm huyên náo toàn trại không những do bởi tấm bằng thật hấp dẫn vì có giá trị quốc tế, mà còn do bởi tính cách “ma lực” có khả năng kiện bộ di trú biến “rớt” thành “đậu” (!) đó là lớp đánh máy của thầy JUN.   Chả trách gì ông thầy cứ ung dung tự tại “có chức” vẫn hoài “có chức” dài dài không ai bứng được.   Và ngày ngày nghe tiếng máy chữ gõ lốc cốc của các học viên nghe sao như tiếng gõ mõ thấy mà ghê!   Nhưng mà cũng nhờ có chí rốt cuộc họ nhà tôi đều đậu tuốt luốt từ trên xuống dưới.  Năm đầu tôi còn nhận được thêm bằng khen với băng dải “Honors” oai cáo cạnh, rồi đến năm sau cũng đến phiên CHÂU và GIAO.  Tiếng đồn vang xa, nay tôi lại kiêm thêm nghề thảo đơn đánh máy cho những ai muốn khiếu nại vì bị bộ di trú “đá” hay đậu mà lại muốn đi định cư “hỏa tốc” đều nhờ tôi có kết quả thật thần kỳ (ngoại trừ chuyện lo cho gia đình tôi, bụt nhà không linh là thế !?!).

Khi nói đến chuyện định cư thì cũng nên nhắc đến những kẻ “trồng dừa” đã lâu năm.  Một sự mệt mỏi chờ đợi cách tuyệt vọng thường đưa đến những tâm trạng buồn chán hay quậy phá.  Nhưng cũng lại có những tâm trạng thật mừng vui quá độ sau bao năm đợi chờ.  Và tôi cũng đã chứng kiến một Thanh Niên Công Giáo tên BÌNH đã bị đứng tim, tắt thở khi trên tay vẫn đang còn cầm mãnh giấy đi định cư ở Canada.  Một bức tranh bi, hài luôn có cả như là một đồng xu có hai mặt.  Cách riêng khi nhìn đến chuyện khủng hoảng tinh thần nội tại mỗi người mỗi vẻ, nhưng có người còn do bởi hoàn cảnh đưa đẩy, chẳng hạn như chuyến hải hành định mệnh có ăn thịt người.  Mặc dầu kẻ chủ mưu đang phải bị đền tội trong nhà “Monkey House”, nhưng hệ quả của thảm trạng vẫn đang còn đeo đuổi đến nhiều người liên hệ.  Và tôi cũng đang nhớ đến một em tên NGHIỆP.  Em đã chứng kiến kẻ chủ mưu đã ra tay sát hại và ăn thịt người thân của mình, rồi lại cũng bắt em dự phần.  Nỗi khiếp hải, day dứt đã làm em trở nên tam tam bất thường.  Em thường hay đi lêu lổng, may nhờ có anh Hai tôi đưa tay bảo bọc, đi đâu cũng thường có nhau.  Nhưng số phận đi định cư mỗi người đều có số và tôi không biết giờ này em đang ở đâu.  Nghe tin phong phanh có lẽ em được định cư ở Pháp Quốc …

Định cư có số có phần,
Ăn không ngồi gãi lưng quần cũng đi.
Định cư lắm kẻ bị “đì”,
“Trồng dừa” ngút chỉ,  nhưng đi … xa vời!

Xin bỏ qua những chuyện buồn kể trên, giờ xin nói đến những sinh hoạt vui tươi của trại.  Trước hết là lễ Giáng Sinh, lễ của mọi người.  Do bởi ý nghĩa lành thánh và bầu không khí rộn ràng của ngày ấy.   Đâu đâu tôi cũng thấy cảnh trang hoàng lộng lẫy, có thi đua hang đá chấm điểm khắp các ban ngành và các khu.  Các buổi trình diễn văn nghệ và chiếu phim.  Có nhạc Giáng Sinh trổi vang lên như ru tâm hồn người tỵ nạn tìm về một cõi mơ an bình.  Trong dịp này tôi cũng được đặt cách lo dọn hang đá cho nhà thờ.  Nhờ sự cộng tác của CHÂU (GIAO), ĐƯỜNG (CHƯƠNG) và các em mà tôi đã hoàn thành được trong hai năm những “tác phẩm“ thật để đời v.v…

Dịp vui thứ hai không quên đến là Tết Ta.  Có múa lân, gõ thùng thiếc (thế trống) vang rền trong đêm 30, có đốt pháo và có cả bánh tét bánh chưng.  Nhưng vui nhất là những gian hàng hội chợ của các ban ngành.  Ban Xã Hội của anh Hai tôi phụ trách là gian hàng phóng phi tiêu.  Và nhờ sự cố vấn của giáo sư CHƯƠNG (em rể tôi) mà gian này luôn luôn lúc nào cũng đông.  Trước là nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của các học sinh của ông thầy, sau cũng nhờ tài phù phép của ông cọ cọ sửa sửa những con số như thế nào đó như có ma lực, khiến lũ học trò và dân chúng như bị tung hỏa mù mà không nở cáo lui !?!  Nói tóm lại, cuộc vui xuân thì có đó nhưng cũng để lại không ít những giọt nước mắt của những người lần đầu tiên ăn tết xa nhà …

Riêng về chuyện định cư của tôi có hơi đặc biệt.  Nghe đồn thổi làm sao mà các Frères ở Úc tưởng tôi quá quyến luyến trại nên chẳng muốn rời đi.  May nhờ có Frère BÉNILDE TÍN ra tay nghĩa hiệp mà giấy bảo lãnh từ bộ di trú đến như “thần tốc » trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh mà IOM không kịp báo tôi.  Đến ngày nhổ neo, nhờ cu THẬP con bà CHÍNH LÒ HEO (người thân của nhà dòng) tình cờ, tò mò nhìn vào danh sách IOM, thì ”Oh My God”, có tên tôi còn sót lại.  Cũng may mà hai anh em CỬU, THẬP  biết lái xe nên nhảy xuống tàu, lên xe chạy một mạch về trại, xúc tôi đi gấp trong giờ dự Thánh Lễ sáng Chúa Nhật Phục Sinh nên chỉ kịp chào từ giả một vài anh em đang có mặt tại nhà.  *Tôi vội trút bỏ tất cả những gì sở hữu, đặc biệt là chiếc đồng hồ duy nhất cho CHƯƠNG để có cái mà coi giờ đi dạy … Khi tới được boong tầu thì cũng vừa kịp để rời bến.  Và bản thân tôi chẳng mang được mẹ gì, còn tệ hơn cả lúc vượt biên từ VN.  Thương tình, THẬP nhường cho cái áo do cô bồ người Phi tặng cho khi đi định cư.  Đó là cái sơ mi màu blue, xanh nhạt, có bông nhỏ.  Cái áo này của Cửu, cho nên mới vừa vặn cho tôi đó thôi … Thông thường thì khi đi định cư bà con ta thường sắm này sắm nọ, vậy mà do bị “bắt cóc” bất ngờ và hai anh em CỬU,  THẬP  cũng nghèo xơ nghèo xác chỉ có ít tiền vừa đủ mua hai cái ba lô nhận đầy bánh mì ổ VN, sản xuất từ trong trại, mấy cục bơ, 1 cuốn tự điển Việt-Anh, 1 bộ quần áo … dzậy mà cũng chê cơm phát trên tàu và tôi lại được ăn “ké” phủ phê như “ghệ” hạng sang trong chuyến hành trình hơn 1 ngày đêm đó các bạn ạ!

Tại Transit – Manila, tôi đã gặp lại CHÂU (GIAO)  đang trong giai đoạn xin tự nguyện uống thuốc.  Hai anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi.  Và tôi không quên lời CHÂU nói: “Anh đi được rồi cũng mang lại niềm hy vọng cho những người còn lại … Xin chúc mừng anh” …  Rồi check lại trên người tôi còn duy nhất chiếc nhẫn vượt biên và 100 pesos vội trao lại cho CHÂU để mang về cho anh em mà lấy hên (“LORD OF THE RING”), đó là cơ hội cuối cùng tôi còn có thể giúp được anh em!

Đến Sydney sáng 18/04/1990, ra phi trường đón tôi có SH Cựu Giám Tỉnh dòng Lasalle và một Frère VN tên MARCEL PHƯỚC.  Sau đó tôi được chính thức gia nhập vào một cộng đoàn ở MARRICKVILLE.   Đến tháng 9/1990 nghe tin Ba Mạ tôi và út KHÁNH cũng được đoàn tụ (bằng máy bay).  Rồi lần lượt các anh em khác cũng từ trại Palawan qua định cư gồm có DŨNG và TUYẾT HẰNG, rồi đến ĐƯỜNG – CHƯƠNG, anh ANH – cu LONG và cuối cùng sau mấy năm “trồng dừa” vì lỡ dại trong chuyện tự nguyện xin trị bệnh mà cặp GIAO – CHÂU rồi cũng qua nốt.

Thế là trang sử của những ngày đen tối sống tại quê hương, rồi cảnh hãi hùng vượt biên và những năm tháng chờ đợi mỏi mòn trong trại tỵ nạn đã qua.  Cảm tạ Chúa và cám ơn mọi người, nhất là những thành viên trong gia đình tôi.  12 năm đầu đời sống dưới mái ấm gia đình, rồi gián đoạn đi tu, và tạm tái ngộ lại với anh em trong những năm tháng ở trại tỵ nạn thật thần tiên.  Giờ ôn lại chuyện quá khứ trên đường tìm tự do là cả một hồng ân.  Và trong tâm tình đó tôi chỉ biết nói lên hai tiếng:  “TRI ÂN” và “TRI ÂN” …

Thân mến,

Châu Kool (Thuyền nhân có số căn cước: PA # 15811, Group 29 Pagasa)






























































Không có nhận xét nào