TÔI ĐƯỢC DẠY NÓI DỐI Ở TRƯỜNG NHƯ THẾ NÀO? (NCTG) “Họ, và tôi, và tất cả mọi người Việt khác, đã luôn được dạy nói dối từ ngay cả trong nhà ...
TÔI ĐƯỢC DẠY NÓI DỐI Ở TRƯỜNG NHƯ THẾ NÀO?
(NCTG) “Họ, và tôi, và tất cả mọi người Việt khác, đã luôn được dạy nói dối từ ngay cả trong nhà trường rồi”.
Tôi được học cách nói dối từ khi bé xíu.
Bài học nói dối đầu tiên là khi lớp tôi có dự giờ. Tôi chẳng nhớ khi nào nữa, nhưng chắc chắn tiểu học thôi.
Hôm ấy cô giáo dạy trước một bài rất kỹ càng, công phu hơn hẳn những bài học bình thường với giáo cụ trực quan vô cùng hấp dẫn.
Cô dặn dò học sinh rất cẩn thận, phân công luôn bạn nào trả lời câu hỏi nào.
Buổi học ấy được lặp lại ngày hôm sau với sự góp mặt của rất nhiều thầy cô khác nữa.
Cả lớp giơ tay rào rào, đầy hào hứng như trong một buổi diễn kịch vậy.
Tôi lại nhớ bài học về làm thủ công. Hồi ấy chúng tôi học đan lát.
Cô giáo cho cả lớp về nhà làm. Với sự vụng về của mình,
tôi cũng có cố gắng làm hết sức có thể.
Khốn nỗi trẻ con thành phố thì làm sao biết những tre, giang, gót, vọt, chau chuốt là gì.
Mẹ đành phải ra tay giúp đỡ,
mua đồ về rồi hì hục làm hộ tôi mấy phần liên quan tới dao thớt.
Cái phần đan vào với nhau thì tôi cũng hì hục làm, nhưng méo mó xấu tệ.
Tôi đành vác đến lớp với suy nghĩ khó vậy chắc bọn ở lớp cũng chẳng khá hơn mình là bao.
Không, các bạn ấy mang tới những sản phẩm đẹp đẽ,
tinh tươm.
Tôi tất nhiên điểm chẳng cao gì (nhưng tôi cũng không lấy làm buồn).
Có điều, những đứa bạn đi mua đồ kia thì điểm cao chót vót.
Tôi rút kinh nghiệm những lần sau làm những thứ vớ vẩn như vậy thì đi mua luôn, khỏi phải hì hục ở nhà làm, vừa khổ điểm vừa kém.
Chuyện soạn văn cũng là một bài học về gian dối điển hình.
Ai chẳng biết hầu như chả có đứa trẻ nào hì hụi đi soạn văn trước khi học văn cả.
Đặc biệt là trong lớp chuyên toán.
Thế nên bọn tôi đứa nào cũng mua một quyển giúp soạn văn về, chép quáng quàng tối hôm trước, hoặc thậm chí trong giờ ra chơi, để đối phó với các cô giáo dạy văn.
Chuyện làm bài tập về nhà cũng vậy, việc đến lớp rồi í ới mượn mỏ mấy đứa chăm chỉ để chép bài tập về nhà của chúng là chuyện ngày nào cũng xảy ra trước giờ vào môn học, và trong khi một kẻ tội đồ nào đó đang trả bài trên bảng.
Thầy cô giáo chắc ai cũng biết chuyện này, nhưng cũng kệ,
thi thoảng có kiểm tra vở bài tập cả lớp thì cũng chỉ là đếm đầu bài chúng nó làm cho xong thôi chứ sức đâu mà đi kiểm tra từng bài.
Kiểm tra miệng thì đúng là nực cười.
Những đứa khôn nhất là những đứa ngay từ đầu chăm chỉ học bài, hăng hái xung phong, có một con điểm cao chót vót, và thế là cả năm thong dong xong nghĩa vụ.
Tôi thuộc loại không thích khôn lỏi kiểu ấy, nên trong bảng điểm thì điểm miệng của tôi luôn kém hơn điểm viết
(và tôi thuộc loại trí nhớ kém, nên không thể lên bảng trong vài giây mà trôi chảy nhớ được 5 cái gạch đầu dòng để xướng lên được, kiểu gì cũng thiếu cái này hoặc cái kia).
Cái này không dạy học sinh nói dối, nhưng dạy học sinh
“khôn lỏi”,
một phiên bản khác của dối trá mà thôi.
Phiếu khảo sát ý kiến học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội, trong vụ hiệu trưởng chối bay là có đi xe taxi vào trường làm học sinh gãy chân.
Dịch giả Phạm Nguyên Trường bình rằng:
“Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi”
(Bùi Minh Quốc)
Sau bao năm lăn lộn ở trường học và ở nhà, với những lời dạy ra rả:
“không nói dối”,
và với những bài học:
“nói dối là chuyện thường ngày”
trên, tính thật thà của tôi vẫn thoi thóp.
Nó chết hẳn trong kỳ thi tốt nghiệp cấp hai.
Chúng tôi được mở mang tầm mắt với một mức độ mới về cái sự công khai trong quay cóp.
Việc quay cóp thì vốn dĩ chẳng lạ lẫm gì với học sinh.
Chúng tôi đứa nào quay cóp thì vẫn lén lút, đứa nào tẩy chay quay cóp thì cũng không thấy bị thiệt bao nhiêu.
Hoặc có đứa thì không quay cóp môn học chính,
nhưng những môn vớ vẩn mà chúng coi là không quan trọng thì quay cóp một chút cũng chẳng chết ai, và cũng chả ai lên án chúng là “gian dối” cả.
Tuy nhiên nó vẫn được coi là “không được khuyến khích” trong nhà trường.
Vậy mà, kỳ thi tốt nghiệp cấp hai của tôi đập tan mọi bài học về “quay cóp là xấu”.
Kỳ thi tốt nghiệp cấp hai là lần đầu tiên tôi biết thế nào là
“tài liệu”, với một đống giắt lưng khắp người, và cái áo rộng thùng thình hòng che dấu đống tài liệu ấy trong cái nóng chảy mỡ mùa hè.
Lúc đầu tôi cũng không nghĩ đến việc mang “tài liệu”,
nhưng mấy con bạn thân thiết đều có, nên tôi cứ mang một bộ đề phòng, bụng bảo dạ mình không dùng thì thôi, mang vào có sao đâu.
Một trong các cô giáo thân thiết của chúng tôi, có đứa con cũng tham gia kỳ thi này, chạy đôn đáo đi săn đề cho con, và chúng tôi được nghe phong phanh từ những cuộc nói chuyện ngắn trước khi vào phòng thi
(cuối cùng đều đúng hết). Nhưng thật ra việc này cũng không cần thiết, vì vào phòng thi thì các cô giám thị thả cửa cho chúng tôi muốn làm gì thì làm.
Cô giám thị còn dặn dò chúng tôi là đừng có mà bày lộ liễu lên bàn, không thì giám thị sở về là chết cả cô lẫn trò đấy.
Rồi cô còn được giám thị hành lang thông báo khi nào giám thị sở về, để thông báo cho chúng tôi.
Tôi, đứa vì sợ hãi mà học hành rất tử tế, sau khi làm xong bài môn Lý chả có việc gì làm còn lôi
“tài liệu” ra ngó kiểm tra.
Rút kinh nghiệm các môn sau, đặc biệt môn Văn, tôi lôi ra chép luôn khỏi phải nghĩ mệt người.
Có thể có cả tỉ tỉ bài học kiểu như vậy trong trường học mà tôi cũng chẳng nhớ được vì trí nhớ kém, và vì nó được chấp nhận hiển nhiên quá nên tôi cũng không biết nó là dối trá nữa.
Thế nên, chúng ta đừng có kinh ngạc khi 100% giáo viên và học sinh của ngôi trường này đã nói dối.
Họ, và tôi, và tất cả mọi người Việt khác, đã luôn được dạy nói dối từ ngay cả trong nhà trường rồi.
Hà Linh, từ Toulouse (Pháp)
Không có nhận xét nào