3) TRẠI TỴ NẠN PFAC (PHILIPPINE FIRST ASYLUM CAMP) Sau hai ngày một đêm, thứ Ba 19/07/1988 chúng tôi đã đến được trại tỵ nạn và đã bị cô lập...
3) TRẠI TỴ NẠN PFAC (PHILIPPINE FIRST ASYLUM CAMP)
Sau hai ngày một đêm, thứ Ba 19/07/1988 chúng tôi đã đến được trại tỵ nạn và đã bị cô lập trong barrack để lo thủ tục giấy tờ và sắp đặt chỗ ở. Việc trước tiên là làm thế nào thông tin cho Ba Mạ tôi biết là các anh em đã đến được bến bờ bình yên. May quá, nhờ một đứa học trò cũ làm trong IOM đánh điện tín. Và cũng nhờ sự sốt sắng đó mà Ba Mạ tôi là người đầu tiên nhận được tin mừng. Tin vui đó cũng được rao truyền khắp thành phố, nhất là những gia đình có con em cũng ra đi cùng chuyến. Cũng tại barrack này, khi hay tin chúng tôi, một số em giáo lý thuộc giáo xứ xưa tới thăm và tiếp tế. Nào những chai nước ngọt “tư bản” và ổ bánh mì sandwich thật to. Ôi sao mà ngon quá! Ngon thật tuyệt cú mèo! Hương vị ngọt ngào đó mãi đến sau này tôi không hề tìm lại được …
Ở barrack đến 6 ngày, hôm thứ Hai 25/07/1988 là ngày chính thức được ra trại. Đã có số căn cước: “Group 29 Pagasa” và địa chỉ liên lạc: “PFAC – Palawan, Philippines” … Nhưng để ăn mừng ngày đầu tiên được làm người “tự do”, tất cả anh em chúng tôi tập trung ở canteen và nhâm nhi mỗi người vài chai San Miguel hoặc nước ngọt. Địa điểm nơi đây thật lý tưởng. Nghe sóng biển rì rào và nhìn ra khơi mà lòng chúng tôi không khỏi ngậm ngùi và nghĩ đến miền Thùy Dương cát trắng …
Giờ xin nói về đảo Palawan, nó là đảo lớn nhất trong số hơn 7000 hòn đảo của Phi. Nằm ở phía Tây và kéo dài xuống tận miền Nam. Trại PFAC chứa đến hơn 10,000 thuyền nhân, được tổ chức giống như một quốc gia "bỏ túi". Đứng đầu có Cao Ủy Trưởng (UNHCR Field Officer), rồi đến Chính quyền sở tại (Phi) và Ban Đại Diện người Tỵ Nạn. Trong thực tế, đồng bào trực tiếp sinh hoạt và tiếp xúc với Ban Đại Diện Cộng Đồng qua các Ban, Ngành i.e Ban Văn hóa Truyền Thông, Tài Chánh, Xã Hội, Thực Phẩm ... Tuy nhiên, có hai ban hầu như mọi người biết đến nhiều nhất đó là: Ban An Ninh lo trật tự và trị an trong trại. Gặp những trường hợp phức tạp hay khó xử thì giải giao phạm nhân cho An Ninh Phi và nếu cần sẽ bị nhốt trong Monkey House (Nhà Tù). Còn Ban Thư Tín, được coi như huyết mạch, là máu, là Vitamin T của đồng bào. Mỗi ngày danh sách thư được đọc rao trên loa phát thanh. Mọi sinh hoạt trong ngày kể như ngưng hẳn, để chăm chú lắng nghe từng giọng đọc, từng nhịp thở của xướng ngôn viên. Trong khi đó, dân chúng người vui, kẻ buồn pha lẫn giữa một bầu không khí hầu như lúc nào cũng là ngày hội. Không biết vì vô tình hay cố ý, vì truyền thống "Kẻ đi sau bắt chước người đi trước" mà thư nhận được sẽ không bốc liền nhưng được đưa lên trời xoi. Nhìn mờ mờ dưới ánh chiều tà qua bì thơ, mà đoán ra bên trong sẽ là đôla, cheque hay giấy tờ ... Một cảm giác hay feeling hồi hộp đến đam mê, ghiền hay ngạc nhiên ... như bị lôi cuốn, một cách từ từ không vội vã, như muốn kéo dài những giây phút thật magic và huyền ảo nhất.
Dân chúng hàng ngày chuyên lo học hành, nhất là trao dồi sinh ngữ để chuẩn bị đi định cư hoặc học thêm nghề kiếm sống cho có thêm lợi tức đồng vô đồng ra hoặc để phát triển chuyên môn chuẩn bị tương lai. Không gì vui bằng những ngày nghỉ học kỳ. Thiên hạ thường tập trung ở Canteen để nhâm nhi cà phê hoặc vài ba chai San Miguel, loại bia nổi tiếng, nghe đâu thời Đệ Nhị Thế Chiến, quân đội Thiên Hoàng thả bom Manila và những vùng phụ cận, nhưng không động đến nhà máy bia ni vì họ cũng lỡ ghiền San Miguel mất rồi ! Ngoài ra, dân chúng cũng được ngắm cảnh biển êm , trời lặng của một cuộc sống thanh bình, không phải vấn vương cơm nước vì đã được Cao Ủy nuôi. Đêm đến thì tập trung trước sân Cao Ủy để xem phim cho tới 3, 4 giờ sáng. Những bộ phim hay đã từng bị cấm ở VN như Rambo, Thần Điêu Đại Hiệp, The Exorcist ... Rồi thì tắm biển. Nước thì trong, mát. Những bãi cát trắng mịn và sạch chạy dài thoai thoải, vươn lên với những hàng dừa xanh ngút tận chân trời ... Dân chúng Phi hiền hòa thân thiện. Mấy em bé thật dễ thương vào trại xin đổi cơm, gạo dư thừa về nuôi heo (Papui) hay để sinh sống! Các em mang đến nào những trái vú sữa ngọt lịm và những nải chuối to chắc nịch mà ngon...
Các hội đoàn sinh hoạt gồm Hướng Đạo, Hội Cựu Quân Nhân, Hội Phụ Nữ, Phật Tử, Tin Lành, Thiếu Nhi Thánh Thể, Thanh Niên Công Giáo, Legio ... Tôi được phân chia làm Trợ Úy cho Ca Đoàn Triển Dương chuyên lo hát lễ và phụng vụ trong nhà thờ, dạy giáo lý và Anh văn; cũng có tiền lương để nhâm nhi cà phê hoặc ăn sáng. Bánh mì và bánh phở được sản xuất ngay trong trại. Dân chúng Phi thường xếp hàng nối đuôi để chờ mua bánh mì thịt ăn chấm với nước phở mà họ gọi là nước "Cháo lòng". Mà thật ra đối với họ chẳng sợ lầm với cháo lòng thật tí nào, vì họ chỉ biết duy nhất món phở đó mà dân Mít dạy gọi là “cháo lòng”! Đủ biết dân mình đi đâu cũng thích SẠO! đã giới thiệu một món ăn quốc hồn quốc túy cho người ngoại quốc lại bầy gọi bằng một tên gọi dễ ngộ nhận như vậy !... Riêng đối với anh em trong gia đình, tôi thường đưa mọi người ra phố bằng xe tricycle (loại xe lam trang trí sặc sỡ của người Phi) để mua sắm và coi ciné. Đặc biệt ở đây có rạp video chuyên chiếu phim 24/24, vừa coi vừa nhâm nhi bia và nhậu lai rai (thịt ghim, đậu phụng ...). Dân tị nạn có người chơi sang ra mướn Hotel và chỉ về trại khi nhận tin loan báo gặp phái đoàn phỏng vấn đi định cư. Trong năm, cũng thường xuyên có những Party đưa tiễn. Và dĩ nhiên để lại không ít những mối tình “con” (nhỏ và nhanh) và làm vương vấn "Kẻ đi Người ở" cùng với những "Giọt ngắn, Giọt dài" buồn vui lẫn lộn... Cũng thời gian này, Frère Bénilde Tín từ Úc sang làm thiện nguyện giúp các em Minors. Tuy nhiên phần lớn thời giờ Frère cũng dành cho các Thầy và các Cha qua các cuộc tĩnh tâm và đi du ngoạn. Frère hay lái xe JEEP chở bọn tôi đi thăm các nhà tù Phi, trại nuôi cá sấu, hồ Cọp, White Beach v.v...
Tóm lại, nói đến niềm vui lớn hằng năm không thể quên là lễ Noel và Tết Nguyên Đán. Dân Phi đa số theo Công Giáo nên họ chuẩn bị Giáng Sinh thật rầm rộ. Đường phố trang hoàng lộng lẫy, nhạc thánh ca trổi lên khắp nơi làm rộn rã tâm hồn người Tỵ Nạn. Trong khi đó toàn trại cũng trang hoàng đèn đuốc, banderole. Các Khu và Ban, Ngành (toàn trại có 10 Khu tất cả) cũng thi đua làm hang đá để chấm điểm. Em gái tôi vừa có baby, và dĩ nhiên em bé cũng được tham gia làm Chúa Hài Đồng trông thật xinh xắn và hồn nhiên đáo để. Trong khi đó, ca đoàn cũng tập dợt ráo riết. Tôi được đặt cách lo làm hang đá trong Nhà Thờ. Một hang đá thật lộng lẫy và modern làm nhiều người phải "trông ngẫn vào ngơ" và đã được các phó nhòm dùng làm "phong" để kiếm ăn không phải nhỏ. Đêm Noel năm nào cũng có đồng diễn Thánh Ca với Tin Lành. Có thể nói, lễ Noel là lễ của mọi người, là lễ vui của toàn trại...
Sau lễ Giáng Sinh là Tết Nguyên Đán. Dân Phi không chính thức mừng Tết Ta, chỉ có cộng đồng người Hoa, mà phần lớn họ làm nghề buôn bán ở Phố xá. Tuy nhiên, trước sự nhộn nhịp của toàn trại mà người Phi cũng tò mò muốn thưởng lãm với đồng bào ta. Cũng có múa lân, chợ tết, những gian hàng trò chơi, có pháo nổ đì đùng, phát tiền lì xì, có bánh tét, bánh chưng, mứt, quả v.v.. Nhưng cũng có nhiều nước mắt của những kẻ đầu tiên ăn tết "xa nhà". Mọi người được nghỉ holiday đến cả tuần. Và dĩ nhiên, tại Canteen có cà phê, bia San Miguel, Coke... Và trước sân Cao Ủy, tại các Ban Ngành có chiếu ciné đến 3, 4 giờ sáng v.v. và v.v...
Phục Sinh năm 1990, giấy xuất cảnh của tôi đến từ Tòa Đại Sứ đúng chiều Thứ Năm Tuần Thánh. IOM giữ giấy tờ của tôi ngay khi vừa đóng cửa để chuẩn bị nghỉ Phục Sinh. Thế là họ đã quên không thông báo cho tôi chuẩn bị từ giã hay ký giấy tờ Thanh Lý trước khi rời trại ... Sáng Chúa Nhật Phục Sinh, đang dự Thánh Lễ thì IOM cho người tháp tùng tôi lên Manila để đi định cư ở Úc ... Từ trên cao nhìn qua khung kính nhỏ, nhìn Palawan và Trại Tỵ Nạn dấu yêu lần cuối. Lòng tôi thổn thức bồi hồi, một nỗi vấn vương không thể diễn tả: “Au revoir! Good bye PFAC, My dear Friend! Hope to see You again, Promise” !
ĐỂ KẾT:
Kể từ ngày ấy ra đi, cám ơn Chúa, cám ơn mọi người. Những chuỗi ngày lầm than trên quê hương và những ngày giông tố trên quãng đường vượt biên, sống đời tỵ nạn. Thiên Chúa đã dẫn đưa tôi từng bước này tới bước khác, nơi đâu cũng có dấu chân đồng hành. Và chính trong những ngày tăm tối nhất Ngài đã cõng tôi đi và tôi đã cảm nghiệm được tình Ngài trong những giây phút tuyệt vọng ấy. Và tôi cũng không quên những người đã đồng hành cùng tham dự vào cuộc hành trình năm xưa ấy. Xin các bạn hãy nhận nơi đây lòng chân thành biết ơn sâu xa nhất tận đáy lòng …
Thân mến,
Trần Ngọc Châu (Thuyền Nhân có số ID: PA # 15811, Group 29 Pagasa)
Không có nhận xét nào