ĐỪNG BẮT BÀ CHÚA KHO PHẠM TỘI ...
ĐỪNG BẮT BÀ CHÚA KHO PHẠM TỘI
Vũ Hữu Sự
Không ai ngờ, không ai tưởng tượng nổi. Một ngôi đền từng hương tàn khói lạnh hàng mấy chục năm, như bất cứ một đền miếu, chùa chiền nào khác trên miền Bắc thời nửa nước sôi sục không khí “bài trừ mê tín dị đoan” :Đình chùa bị dỡ làm nhà kho, nhà mẫu giáo, hoành phi câu đối bị đem xẻ làm máng ăn cho lợn...Thế mà khi cánh của của đất nước vừa mớ hé ra một tý, cơ chế thị trường vừa được khôi phục, là người tứ xứ đã nườm nượp đổ về. Ngày thường đã đông, ngày sóc (mùng 1 AL hàng tháng) ngày vọng (ngày rằm AL hàng tháng) càng đông hơn, nhất là từ đầu tháng 11 AL năm trước đến hết tháng 3 AL năm sau, thì ngày nào cũng “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, người ta đến để vay và để trả. Dân sở tại bỏ hết ruộng nương, đổ xô ra đền làm dịch vụ.
Đó là đền thờ bà chúa Kho, nằm trên núi Kho thuộc phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh. Tương truyền bà là một cung phi triều Lý, được nhà vua giao cai quản kho lương. Vốn là người mẫn tiệp, tài năng, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ thủ kho, bà còn tổ chức cho dân sở tại khẩn hoang, bổ sung cho kho lương của triều đình một số lượng lớn. Và trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống, bà đã hi sinh trong lúc bảo vệ kho lương. Giặc tan, bà được nhà vua phong làm phúc thần. Đền thờ bà được dân làng lập ngay trên nền kho lương cũ, nơi bà đã vị quốc vong thân.
Mộng giầu sang đã khiến không biết bao nhiêu kẻ trên thế tục tối tăm mặt mũi. Các thứ kho trần gian luôn luôn là đối tượng mà bọn làm giầu bất chính hướng tới. Và cũng vì tham nhũng mà hàng ngàn kẻ đã rũ tù. Không moi được kho trên trần thì chúng tìm cách moi kho dưới âm (trần sao âm vậy mà lại). Đó chính là lý do khiến cho người đời ùn ùn đổ về nơi bà chúa giữ kho trần gian một thời, nhưng nay đã thành người giữ kho âm phủ mà lạy lục, mà cầu cạnh
Trước đám người túa ra từ trùng trùng điệp điệp các dẫy quán dầy đặc quanh đến, và dòng người từ các ngả đường ùn ùn đổ về, tôi toát mồ hôi. Quán nào cũng giống quán nào, cứ ngồn ngộn những hương hoa oản quả và gà xôi, tiền mã, đủ các loại tiền từ tiền Ta đến tiền Tây. Khắp nơi la liệt những hàng viết sớ thuê, cả sớ chữ ta lẫn sớ chữ Nho. Liếc mắt qua một tờ sớ, tôi thấy nó giống hệt tờ khai vay tiền ở các ngân hàng. Chỉ có khác là tờ khai vay tiền ở ngân hàng có dòng chữ đầu là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” còn tờ khai vay tiền âm thì mở đầu bằng dòng chữ “Đầu năm xin lộc, cuối năm con tạ chúa Kho”. Rồi tiếp theo là những dòng ghi tên tuổi, địa chỉ, cùng những lời xin vay, xin trả hay hứa trả. Có hàng mỗi ngày viết được đến hàng trăm lá sớ
-Có một anh, đầu năm ngoái xin vay bà 3 tỷ. Về, lên biên giới đánh hàng Trung Quốc. Cuối năm kiểm lại, lãi đúng chừng ấy.
-Có một bà vỡ nợ, nhà của sạch không, còn đúng hai chỉ vàng, dồn tất cả vào sắm lễ, lên xin vay bà 2 tỷ. Thế mà trúng sổ số đúng chừng ấy, ghe không ?
Đến bất cứ chỗ nào trong khu vực đền, tôi cũng được nghe những câu chuyện như thế, chỉ có điều không tài nào kiểm chứng được. Và câu chuyện nào cũng kèm theo những lời “đe” rằng đã vay bà, đã được bà cho vay rồi mà cuối năm “xù” lễ thì coi chừng. Những đồng tiền kiếm được sẽ “đội nón ra đi” một cách vô cùng bí hiểm, còn người không chết thì cũng bán thân bất toại, gia đình tan nát...
Cửa đền mù mịt khói nhang. Quả đúng thật “hương như là sao lạc/ lớp sóng người lô nhô”. Không còn chỗ mà chen chân. Cả 11 bàn thờ, bàn nào cũng chất ngất lễ. Đầu tiên là bàn thờ “Tứ- Phủ- Công- Đồng”, lễ vật toàn gà, xôi, giò chả, bia, rượu, cau, trầu, thuốc lá nội ngoại... Những người đặt lễ cũng không quen “ngũ hổ quan” (5 con hổ đắp bằng xi măng) và “nhị vị xà tướng quân” (hai con rắn, một xanh một trắng, bằng vải nhồi trấu) trước bàn thờ. Trước bàn thờ ngũ hổ có lễ vật là thịt sống, còn trước bàn thờ nhị xà có mấy quả trứng gà. Muốn vào cửa chúa thì phải đút lót lính hầu, cũng như muốn gặp xếp lớn thì phải có phong vì cho thư ký vậy. Quan bàn Tứ phủ đến bàn Bát-Bộ- Sơn- Trang (8 vị đứng đầu các trang ấp thuộc quyền cai quản của bà chúa xưa), tiếp theo là ban Cô, ban Cậu. Đó là những “bà cô, ông mãnh”, những “Đứa tiểu nhi tấm bé/ Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha/ Lấy ai bồng bế vào ra/ U ơ tiếng khóc thiết than não lòng”. Những cô những cậu này tìm đến nương nhờ của chúa. Tiếp theo là bàn thờ tam tòa thánh mẫu (Bà chúa Thượng thiên, bà chúa Thượng ngàn, bà chúa Thoải (thủy) phủ. Bàn nào có lễ vật nấy, tùy theo địa vị và sở thích của người được dâng lễ. Nhìn những bàn lễ chất ngất, thấy ngay sự dung tục đã bao trùm toàn cõi linh thiêng. Người thiên chúa giáo vào nhà thờ, tuyệt đối không mang theo cái gì ngoài ngọn nến, với ý nghĩa là ngọn nến thắp lên sẽ soi sáng chân lý, soi sáng sự thật. Còn chúng ta, chúng ta vào đình vào đền, trước hết là để đút lót (chưa biết cầu xin cái gì, nhưng hễ vào là phải có một mâm lễ, thế chẳng phải đút lót thì là gì ?). Và đút lót xong rồi thì mặc cả, rằng “ngài phù hộ cho con được thế này, thì con sẽ lễ tạ thế kia”. Nghĩa là ngài có mất chân giò thì con mới thò chai rượu. Hãy cứ nghe những lời khấn khứa rào rào kia thì biết :
-Xin bà cho con tiến tài tiến lộc, gia sự bình an, con xin lễ tạ...
-Xin cho con đắc tài đắc lộc, phúc thọ khang ninh...con xin lễ tạ...
-Chấp kỳ lễ bạc chứng minh cho con được hưởng...đắc tài đắc lộc...bách sự như lòng, con xin lễ tạ...
Chứa đầy tai những lời khấn khứa ấy, tôi cứ băn khoăn không biết giữa chốn thờ phụng lịnh thiêng này với cái chợ làng đang ầm ỹ chuyện cò kè mặc cả kia, đâu là sự khác nhau ?
Đang định bước qua bậc cửa hậu cung để vào nơi có bàn thờ bà chúa, tôi bị một mụ nạ dòng chặn lại :
-Bác vào lễ à ?
-Vâng, tôi cũng định vào thắp nén nhang
-Bác muốn kêu cầu đức bà điều gì, để em khấn cho
Thì ra đây là một trong những người khấn thuê. Để tìm hiểu về một nghề mới, tôi hỏi :
-Thế công khấn bao nhiêu ?
-Có năm chục nghìn thôi. Rồi nếu được đức Bà thương, cho tài cho lộc, sang năm đi trả lễ, gặp lại em, bác thưởng cho bao nhiêu thì tùy bác. Em đã khấn giúp hàng nghìn người rồi. Người nào cũng được Bà thương, phú quý giầu sang. Có người còn thưởng cho em hẳn mười triệu ấy chứ.
Cầm năm chục ngàn từ tay tôi, mụ chìa ra một quyển sổ, cái bút :
-Bác biên tên họ, quê quán, ngày tháng năm sinh, với lại những gì kêu cầu vào đây.
-Cần gì phải ghi chép. Bà cứ khấn hộ rằng tôi là thằng em, nhân năm mới đến thăm bà chị.
Mụ nhẩy thách lên :
-Cha tiên nhân mày, cha tiên nhân bố quân báng bổ. Mặt mũi tối om hơn cả người châu Phi, tóc tai thì như đồ bú dù, thế mà đòi làm em bà chúa. Đêm nay bà thì về, bà vật cho mày hộc máu đen máu đỏ, bà làm cho vợ mày theo giai, con gái mày làm đĩ, con giai mày làm cướp, cho cả nhà mày đi ăn mày
Thoát nhanh khỏi mụ khấn thuê, tôi len vào trước chỗ đức bà ngự. Thật là đủ “thập loại chúng sinh : Nào những bà buôn đường dài đường ngắn, những ông chủ hiệu, những ông cai thầu, những ông bà giám đốc các công ty tư doanh quốc doanh, những quan chức lớn bé...Loáng thoáng có cả những bộ quân phục công an, quân đội với những lon úy, lon tá. Mỗi người một vẻ, nhưng tất cả cùng chung một ánh mắt, những ánh mắt khát khao đến cháy bỏng hướng về bàn thờ bà chúa, mong được bà chấp nhận lời mặc cả của mình, để trong năm tiền bạc cứ ùn ùn đổ về đầy túi lớn túi bé, năm bị bẩy bị...Tôi tự hỏi, đằng sau những lễ vật hậu hĩ kia là bao nhiêu mưu toan ? bao nhiêu việc làm mờ ám ? bao nhiêu “quả”? bao nhiêu mánh mung ? đại loại như “xin bà làm cho thắng A, thằng B...nuốt của con quả hối lộ này, để con vẽ ra dự án ảo, thu ngàn tỷ tiền thật, thay xong khối thiết bị xịn này bằng thiết bị rởm, tiêu thụ xong mấy trăm tấn thịt thối này, thoát được mấy trăm ngàn hộp thuốc giả này...con xin lễ tạ...
Đêm hôm ấy, sau mấy chén rượu ngà ngà, tôi thiếp đi. Chợt một mùi hương làm tôi nhỏm dậy, một mùi hương chưa hề có ở dương gian. Một người phụ nữ trong bộ xiêm y cung đình, nghiêm trang, phúc hậu nhưng vô cùng xinh đẹp, lững thững đến trước mặt tôi. Tôi vội đứng dậy đón :
-Chị là ai thế ?
-Ban chiều, nén hương của em làm chị cảm động, nên chị về đây
Trời ơi, bà chúa Kho. Ban ngày ở đền, tôi đã thắp hương viếng bà với tư cách là một người phụ nữ tài đức, đảm đang và liêm khiết, chứ tuyệt đối không xin hay vay gì. Tôi kính cẩn chắp tay :
-Lạy chị. Chị đã cho em được thấy dung nhan. Hẳn là chị có điều gì dạy bảo
-Biết em từng là nhà báo, nên chị về nhờ em, hãy nói hộ với người đời, rằng cứ ăn ngay ở lành, cứ làm đúng pháp luật, thì tự khắc sẽ giầu có. Đừng mất tiền lễ lạt vô ích. Của kho là của nước, chị làm gì có quyền đem cho ai vay ? Nếu làm thế, thì chị sẽ trở thành tội phạm
Một tiếng gà gáy làm tôi sực tỉnh
Hương thơm còn phảng phất
Nhưng...Ngọc nữ đã về trời.
Không có nhận xét nào