VENEZUELA- CÂU CHUYỆN CUỐI NĂM. (Về đường sắt cao tốc) Trong vài ngày tới tôi sẽ trình bài 02 bài viết nặng ký trước khi năm cũ khép lại (tô...
VENEZUELA- CÂU CHUYỆN CUỐI NĂM.
(Về đường sắt cao tốc)
Trong vài ngày tới tôi sẽ trình bài 02 bài viết nặng ký trước khi năm cũ khép lại (tôi quen dùng lịch âm)
Bài đầu tôi viết về Đường sắt cao tốc, là bài này.
Trong những thông tin đáng lưu tâm của năm 2018 vừa qua, tôi đặc biệt để ý tới thông tin về cái Siêu dự án đường sắt cao tốc Việt Nam.
Dự án này có vài dấu nhấn như sau:
Thời gian thực hiện và hoàn thành: 40 năm.
Số tiền khoảng 60 tỷ USD.
Mục tiêu làm đường sắt cao tốc loại nhất, có tốc độ trên 300 km giờ.
Thưa các bạn.
Tôi theo đuổi đề tài này 10 năm nay. Trên bàn làm việc của tôi có 8 bài báo lớn tôi viết trên báo Văn Nghệ của Hội nhà văn VN, Tiền Phong v.v…cùng nhiều tài liệu về ĐSCT khắp thế giới.
Có thể tóm tắt 5 quan điểm của tôi như sau:
1.Thời điểm 2010-2025 chưa phải thời điểm khởi phát chuyện này. Không gian này là không gian của nợ công ngấp nghé tràn bờ, kinh tế đất nước nằm trong những tiềm ẩn khó khăn. Nếu nhấn thêm cú ĐSCT nữa, có thể gây những biến động khó lường, thậm chí có thể ảnh hưởng đến an nguy của đất nước.
2.Đường sắt “lịch sử” này là đường thuộc diện phương tiện xa hoa, không chuyên chở hàng, chỉ chở người do đó không được xem như nhân tố thúc đẩy kinh tế quốc dân phát triển cân đối, bền vũng.
3.Giá vé rất đắt, ngang máy bay. Với các nước phát triển, cỡ nước Nga trở lên thì người mua vé dễ chọn lựa, nhưng với Việt Nam, khoảng năm 2025 mức thu nhập chắc chỉ lối 7.000.000 đ/tháng bình quân, không dễ bỏ ra 4.000.000đ để mua cặp vé (Khứ hồi). Khi đó, vé máy bay sẽ giảm theo quy luật, có thể chỉ hơn hai triệu một cặp vé HN-SG đi về.
Tình cảnh này không phải những dự đoán lơ mơ mà nó nhãn tiền.
Hãy nhìn cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi, Hà Nội HP để biết!.
Hãy biết ĐSCT ở Đức vận hành 9 năm vẫn còn lỗ thì biết.
4.Vốn.
Nhìn từ đường sắt trên cao Cát Linh -Hà Đông, Ga HN -Nhổn, Bến Thành- Suối Tiên để thấy, con số 60 tỷ USD ban đầu chỉ là một khái toán để …an ủi những người bỏ phiếu thuận.
Thực tế nó có thể là 120 tỷ, 180 tỷ USD, bằng GDP một năm của Việt Nam không phải quá xa lạ. Nó có thể trở thành một món nợ lịch sử, vài thế hệ trả không được.
Đó mới là vốn làm đường. Còn số “lỗ” cho khoảng 10 năm kiểu Boxite nữa, phải là hàng ngàn tỷ VN đồng!.
Nhìn sang Ấn Độ dương, có nhiều nước đã bị chủ đầu tư Trung Quốc bắt nợ cả một thương cảng, một sân bay là chuyện dễ thấy khi những nước này không trả được nợ.
Trong trường hợp bị đội vốn 50% thôi, sẽ dẫn đến tình cảnh làm cũng dở, bỏ không xong. Tai họa chính là chỗ đó.
5.Khung thời gian.
Với 40 năm, điều gì đã xảy ra?.
Nhiều lắm. Những biến thiên lịch sử, chính trị, kinh tế có thể thuận, có thể nghịch.
Có cả kịch bản Nhà đầu tư “chết” trước 5 năm, 10 năm khi họ lâm vào cảnh “Khô máu” kiểu “Thui chó nửa mùa hết rơm” hoặc chế độ chính trị ở nước họ có biến động, khi công trình chưa đâu vào đâu.
Nhưng vấn đề chính tôi nêu là:
Không gian pháp lý, chất lượng tư tưởng, Độ cứng kỷ cương ở ta chưa cho phép ta tin tưởng chắc chắn rằng bộ máy điều hành nó trong sạch, tận tâm. Hãy nhìn lại vài vụ “vina” trong 15 năm qua để hiểu nhanh.
Nhưng với một công trình dài lê thê hàng chục năm thì có khi, lúc phát hiện ra thâm lạm, phá hoại thì tên tội phạm đã nhận Huân chương lao động hạng nhất, đã về hưu và chết được mươi năm rồi!.
Lúc ấy, những nhân vật phải chịu trách nhiệm vè sai phạm này cũng chết được dăm bảy năm rồi.
Lúc ấy cháu nội của ông VIP sai sót kia có thể đã lên Thứ, Bộ trưởng không dễ lôi ông nội ra trảm hoặc tước các danh hiệu, danh vị đã ghi trong Ngọc Phả nhà ông ta!.
Lúc ấy có thể sóng thần, cháy nổ hoặc “kẻ phá hoại thông minh” nào đó đã xóa sạch mọi dữ liệu, tất toán, thiết kế của công trình khiến những nhà điều tra mà hôm nay còn đang là con tinh trùng trong bụng mẹ khó mà lần ra được!.
Đó. Tạm khoanh 05 nút nhấn cho câu chuyện này.
Hy vọng được bạn đọc chia sẻ mạnh để “đến tai” được đại biểu QH, nhân dân, Truyền thông để làm mát những khát vọng điên rồ kiểu ĐSCT này.
Việt Nam sẽ phải có ĐSCT nhưng làm kiểu gì, lúc nào là câu chuyện tôi trình bày sau.
Trước khi dừng bút, tôi gửi bạn thông tin 100% thật này:
Đó là thông tin về việc một nước khác Malaysia đã khốn nạn vì ĐSCT, chính là Venezuela vĩ đại:
Một trong các dự án đầu tư của Trung Quốc được quảng bá rầm rộ tại Venezuela trước năm 2008 là dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của châu Mỹ Latinh.
Tuyến đường này trị giá 7,5 tỉ đô la, do tập đoàn xây dựng đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, của Trung Quốc, China Railway Group, thực hiện.
Dự án khởi sự năm 2009, đã hoàn toàn đổ bể sau đó. Năm 2015, tập đoàn Trung Quốc âm thầm rút, để lại món nợ 400 triệu đô la cho Venezuela cùng một công trường dài cả trăm km ngỗn ngang sắt vụn.
Xin hết bài này.
Sài Gòn ngày giáp tết.
Nguyễn Huy Cường.
Không có nhận xét nào