Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Chuyện đời buồn của nàng Chân Lạp Quận Chúa Ngọc Vân

Chuyện đời buồn của nàng Chân Lạp Quận Chúa Ngọc Vân Viết nhơn ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3 năm 2019  Nếu người Việt Nam mình ai cũng biết về nàn...

Chuyện đời buồn của nàng Chân Lạp Quận Chúa Ngọc Vân

Viết nhơn ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3 năm 2019 

Nếu người Việt Nam mình ai cũng biết về nàng công nữ Ngọc Vạn, thì chắc ít người Việt nào biết về cuộc đời buồn của một nàng quận chúa Chân Lạp tên là Ngọc Vân, sinh rất sau nhơn vật Ngọc Vạn đầy bí ẩn này.  Nhưng cuộc đời của nàng Chân Lạp Quận Chúa Ngọc Vân thì hoàn toàn không bí ẩn, dạng "yêu nước" mà ra, mà cuộc đời nàng có thiệt, buồn lắm.  Và buồn hơn nữa, là đến nay chắc chả còn ai biết về nàng.

Nàng vốn là con gái của quốc vương Chân Lạp tên là Nặc Chăn, tên tiếng Anh của ngài này viết là Ang Chan.  Ngài này lên làm vua Chân Lạp thời vua Gia Long bên Việt Nam, mà đến nay trong bộ Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ Nhất Kỷ còn ghi rõ về việc triều đình nhà Nguyễn phong vương cho ngài vào năm Gia Long 6 (năm 1807) tháng 9 là "Vua Chân Lạp là Nặc Chăn sai bầy tôi là Ốc Nha Vị Bôn Rạch đến xin phong. Vua y cho. Sai Tham tri Binh bộ là Ngô Nhân Tĩnh làm Chánh sứ, Ký lục Vĩnh Thanh là Trần Công Đàn làm Phó sứ, mang sắc ấn phong Chăn làm quốc vương Cao Mên (ấn bạc mạ vàng, núm làm hình lạc đà; lễ tuyên phong làm tại thành gỗ La Bích; Lễ bộ soạn nghi chú tuyên phong để ban hành). Định ba năm một lần cống, bắt đầu từ năm nay. (Cống phẩm là 2 thớt voi đực, 2 tòa sừng tê, 2 chiếc ngà voi, 2 bình sơn đen, đậu khấu, sa nhân, sáp ong, cánh kiến, trần hoàng, mỗi thứ đều 50 cân. Sứ bộ gồm một chánh sứ một phó sứ, cứ tháng 4 tới Gia Định, thành thần ủy người đưa đến Kinh. Số người đi theo, đường bộ 10 người, đường biển 20 người). Rồi sai mộ dân Hán [Việt] lập làm hai đội Cường bộ và An bộ lệ vào thành La Bích để thông dịch tiếng Phiên.".  

Mà vị vua Chân Lạp Nặc Chăn này chính là đầu dây mối rợ cho sự lộn xộn đánh nhau giữa Xiêm và Việt Nam sau này thời Minh Mạng.  Ông làm vua Chân Lạp khoảng từ năm 1807 đến năm 1834, tức là qua hai triều đại Gia Long và Minh Mạng ở Việt Nam.  Ông thân làm vua Chân Lạp, mà lại không nể Xiêm La, nên cứ nghiêng về phe triều đình Việt Nam.  Khi vua Rama I của Xiêm La mất (à, mà vua Rama I này chính là vị vua Phật Vương Chất Tri mà ngài Nguyễn Ánh khi xưa lúc chạy trốn quân Tây Sơn qua tuốt Xiêm tạm trú, rồi phải nạp cống dạng chư hầu cho triều đình vua này, cho tới khi giành lại Việt Nam luôn, là thời vua này đó bạn), vua Nặc Chăn lại không thèm qua bên Xiêm mà dự lễ thiêu vua Xiêm Rama I, mà chỉ sai 3 người em trai qua đó thay mặt mình.  Đầu mối của chuyện này là do vụ vua Xiêm mới là Rama II, khi vua cha Rama I mất và ngài này mới lên ngôi, nhơn khi ông tổng đốc tỉnh Battambang cũng vừa mới mất, ngài đã cho con ông này lên nối chức trị vì luôn, chứ không trả lại tỉnh Battambang cho người Chân Lạp.  Rồi từ những sự hục hặc này, mà dần dần vua Chân Lạp Nặc Chăn ngã luôn theo phe triều đình Việt Nam, còn 3 em trai kia thì lại theo phe Xiêm La.

Mà ngài Nặc Chăn này, như mình có viết bên trên, là làm vua từ 1807 tới 1834 luôn mới mất.  Lúc sống do nhà Nguyễn mạnh, và triều đình Xiêm La muốn hòa hoãn, nên không có vấn đề gì, Xiêm La có đánh với Việt Nam một hai trận, nhưng đâu vẫn hoàn đó.  Nhưng khi ngài Nặc Chăn này nằm xuống, thì ô hô, do ngài chả có con trai nào hết, mà chỉ có 4 cô con gái là Ngọc Biện (tiếng Anh là Baen),  Ngọc Vân (tiếng Anh là Mei), Ngọc Thu (tiếng Anh là Peou), và Ngọc Nguyên (tiếng Anh là Snguon), nên triều đình nhà Nguyễn phải chọn người nối vị (còn 3 em trai kia thì theo phe Xiêm La, nên triều đình nhà Nguyễn không chịu cho nối vị). 

Tới đây thì sự nối ngôi ra sao, lại có sự chép khác nhau trong sử Việt và sử bên Thái bên Miên.  Theo sử Đại Nam Thực Lục ta thì "Bọn quan Phiên đều nói người con gái thứ vua Phiên là Ngọc Vân, tư chất hơi thông sáng, xin cho được lên thay làm mọi việc nhà. Vua y cho.".  Chúng ta không biết tại sao nàng cả Ngọc Biện (Baen) không được chọn.

Nhưng ngược lại, theo sử Thái và sử Miên, thì lý do mà nàng cả Ngọc Biện (Baen) không được nhà Nguyễn chọn có lẽ vì nàng theo phe Xiêm La, và quan trọng hơn, nàng không chịu lấy một hoàng tử của vua Gia Long, và rất có thể các quan Ốc Nha không cho nàng làm chuyện lấy vị hoàng tử này.  Nên do đó triều đình nhà Nguyễn gạt nàng cả Ngọc Biện (Baen), mà chọn nàng thứ Ngọc Vân (Mei) lên nối ngôi.

Và như vậy là nàng thứ Ngọc Vân (Mei) được triều Nguyễn phong cho tước Chân Lạp quận chúa mà sử Đại Nam Thực Lục ta còn viết rõ "Phong con gái thứ vua Phiên là Ngọc Vân làm Chân Lạp quận chúa, ban cho mũ, áo.  Vua nghĩ : vua Phiên không có con trai nối ngôi, lại không có người thân cận có thể quyền lý được việc nước. Nghe nói Ngọc Vân, tư chất thông minh, vốn được vua Phiên yêu dấu, nên phong cho. Sau đó, chị gái Ngọc Vân là Ngọc Biện, em gái là Ngọc Thu và Ngọc Nguyên đều được phong làm huyện quận. Sai Trương Minh Giảng, Lê Đại Cương truyền Chỉ hiểu thị rằng : “Đó là do triều đình nghĩ đến tình vua Phiên mà ra ơn đến con gái. Lũ kia cùng với Ngọc Vân là chỗ chị em một nhà, tình ruột thịt rất thân, nên hoà thuận một lòng để mong cùng hưởng phú quý”. Lại thưởng cho hàng tấm hoa có thứ bậc khác nhau. (Ngọc Vân : 6 tấm sa, lĩnh, 15 tấm sa hoa hàng ta, 15 tấm là, lụa nõn hàng ta ; lũ Ngọc Biện, mỗi người 4 tấm sa, lĩnh, 10 tấm sa hoa hàng ta, 10 tấm là, lụa nõn hàng ta).".  Bạn để ý luôn là sử Đại Nam Thực Lục chép "lại không có người thân cận có thể quyền lý được việc nước", nhưng lúc này, bên đó có 3 em trai của vua vừa mới mất là Nặc Chăn, muốn được nối ngôi, theo phe Xiêm La, mà triều đình nhà Nguyễn không chịu.

Và cùng với quyết định này, chính là lúc mà triều đình nhà Nguyễn của vua Minh Mạng bắt đầu việc đồng hóa người Chân Lạp với việc ép buộc đổi y phục, đưa thêm người Việt qua bên Chân Lạp định cư hàng năm, rồi tiếp tục bắt người Chân Lạp làm cu li cùng dân Việt đào đê dọc biên giới.  Rồi sau đó thì triều đình nhà Nguyễn làm tới luôn với vụ đô hộ luôn Chân Lạp bằng cách đổi tên nước Chân Lạp thành ra là Trấn Tây Thành, chia tỉnh đặt tên tiếng Việt, rồi đem các quan lại Việt Nam qua bên đó cai trị.  

Do sự đô hộ và đồng hóa này mà người Chân Lạp nổi loạn khắp nơi, dữ dội hơi thời xưa rất nhiều.  Mà sử Đại Nam Thực Lục không chép rõ tại sao người Chân Lạp nổi loạn quá trời quá đất, mà chỉ viết là do các quan Việt đối xử hà khắc mà dân bên đó mới quậy.  Tuy nhiên, theo những bài nghiên cứu của các học giả Tây phương, thì lúc mà nhà Nguyễn chỉ ép vụ triều cống thì chưa có gì mà dân bên đó quậy tới vậy.  Lúc đó thì cũng như bên Việt Nam, có triều đình trung ương, nhưng quan trọng hơn, bên đó mỗi tỉnh lại có một vị quan như quan tổng đốc bên Việt Nam, quyền hành lớn chứ không nhỏ chút nào.  Nên vụ triều cống chắc là không đụng chạm gì tới quyền lợi các vị quan tỉnh này.  Nhưng khi vua Minh Mạng dẹp nước Chân Lạp, đổi thành Trấn Tây thành, rồi đổi tên tỉnh sang tiếng Việt, đem quan lại Việt qua bên đó cai trị, xóa đi quyền hành của những vị quan tổng đốc Chân Lạp này, nên họ mới nổi dậy, rồi họ rủ rê dân Chân Lạp bên đó đi đánh du kích, phá đồn, giết lính Việt làm quân Việt rối bời tung lên.

Mà quay ngược lại nàng Ngọc Vân (Mei), thì từ những năm 1834-1835, nàng được phong tước Chân Lạp quận chúa, là dạng ngồi chơi xơi nước, cho tới năm 1840, thì không có nhiều sử liệu viết nàng đã làm gì, ngoài sử Đại Nam Thực Lục thỉnh thoảng viết vài vụ nàng dâng cống phẩm.  

Nhưng đến năm 1840, thì có một chuyện quan trọng xảy ra, đó là chị của nàng, tức nàng Ngọc Biện (Baen), vào năm 1840, đã bị triều đình nhà Nguyễn phát hiện ra là nàng cả Ngọc Biện (Baen) này đã to gan viết thơ cho mẹ nàng (tức 1 bà vợ của vua cha đã mất là Nặc Chăn), ở tỉnh Battambang (là nơi không nằm trong sự kiểm soát của triều đình nhà Nguyễn) và muốn trốn qua tỉnh Battambang, và trốn khỏi tầm kiểm soát của triều đình nhà Nguyễn.  Vậy là số phận của nàng cả Ngọc Biện này được triều đình Nguyễn quyết định, mà theo sử Đại Nam Thực Lục lúc ban đầu là "Vậy Ngọc Biện lập tức cách bỏ phong hàm Huyện quân, cùng với tên Mao và một đám can phạm, giao cho bọn Tướng quân, Tham tán triệt để tra rõ, nghiêm nghị tội rồi tâu lên.".

Rồi sử Đại Nam Thực Lục cho ta biết số phận của nàng cả Ngọc Biện (Baen) này là "Đến khi án dâng lên. Ngọc Biện, tên Mao cùng bọn nó là tên Ô, tên Tiên, đều chiểu luật “mưu bạn” xử trảm quyết (tên Ô viết thư cho Ngọc Biện. Tên Tiên chứa thám tử của giặc Ma đem thư ra vào). Nhâm Vu cùng vợ con nó ở Trấn Tây tạm cho giam lại.".  Còn 3 cô em gái thì "Lại dụ cho Gia Định chi tiền kho ra vài trăm quan để làm 2, 3 dãy nhà cho bọn Ngọc Vân ở. Lại trích 1 suất đội, 20 biền binh ở tỉnh ấy thuộc theo với Ngọc Vân ; đội trưởng, ngoại uỷ suất đội trưởng mỗi chức 1 người ; binh đinh đều 10 người, thuộc theo Ngọc Thu, Ngọc Nguyên. Còn biền binh ở Trấn Tây cấp cho trước thì bãi đi. Hằng năm cấp tiền gạo cho bọn Ngọc Vân, cùng lấy ở kho tỉnh mà phát, để cho sự sinh sống được no đủ.".  Như vậy là nàng cả Ngọc Biện bị xử trảm, còn 3 cô em gái còn lại thì được đưa về Gia Định mà "giam lỏng".

Nhưng sử Thái sử Miên được viết hơi khác với sử Việt về vụ này.  Trong vụ này, theo sử Thái / Miên, thì khi phát hiện ra vụ nàng Ngọc Biện (Baen), triều đình Nguyễn đã dồn mấy chị em này, cùng với 2 bà vợ của vua cha Nặc Chăn, và nhiều người tùy tùng khác, lên một chiếc thuyền lớn, chuốc rượu say, rồi đem về Gia Định.  Và quân Nguyễn đã dìm chết nàng Ngọc Biện (Baen) trên sông Mekong.  Một nhà nghiên cứu tên là Khin Sok, còn viết rõ hơn, là dựa vào một văn bản sử Thái / Miên khác, là nàng cả Ngọc Biện đã bị đem đi tới dinh Long Hồ, bị một vị tướng quân nhà Nguyễn tra tấn cho tới chết, xong họ bỏ xác nàng vô trong một cái túi rồi quăng xuống sông.

Sau vụ này, vì bên Chân Lạp loạn quá, thế là triều đình Nguyễn vào tháng 4 năm 1841 dưới thời vua Thiệu Trị, lại đem nàng Chân Lạp Quận Chúa Ngọc Vân (Mei) về lại Chân Lạp, cho nàng ra dụ kêu gọi các quan Chân Lạp theo triều đình mình, rồi đặt và sắp xếp thêm các quan lại mới, v.v.  Nhưng lúc đó, thì 1 trong 3 người em trai của vua cha Nặc Chăn, là Nặc Ong Đon (tiếng Anh là Ang Duong), và sử nước ta gọi là Nặc Giun (sic), từ tỉnh Battambang, với sự ủng hộ của triều Xiêm La, cũng hô hào người Chân Lạp theo mình.  Tình trạng một nước hai quốc vương này kéo dài luôn tới tháng 8 năm 1846, khi vua Thiệu Trị bên Việt Nam, ra lệnh rút quân từ Chân Lạp về, và giảng hòa với Xiêm, rồi đến năm 1848, để nước Chân Lạp có 2 người cai trị, là Nặc Giun (tiếng Anh Ang Duong) và nàng Ngọc Vân (tiếng Anh Ang Mei).

Nhưng từ đó về sau, tức là sau năm 1848, nàng Ngọc Vân đã sống ra sao thì chả ai biết, sử cũng không ghi chép gì.  Ngược lại, sử viết về hành tung vị quốc vương Nặc Giun (Ang Duong) này rất nhiều.  Mà chính ngài Nặc Giun này, theo các nghiên cứu, là người để giải quyết vụ thoát khỏi việc bị Xiêm La và Việt Nam kiềm kẹp, đã gởi thơ cho vua Napoleon III bên Pháp thời bấy giờ, có thể là yêu cầu Pháp bảo hộ Chân Lạp.  Ngài mất năm 1860.  Và năm 1863, sau khi đã giữ 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ của Việt Nam, người Pháp cũng chính thức bảo hộ Chân Lạp, với quốc vương Chân Lạp thời bấy giờ là con của ngài Nặc Giun này, và bắt đầu thời kỳ người Pháp can thiệp vào Chân Lạp, mở ra một trang sử mới cho nước Chân Lạp, hay Campuchia sau này.

Còn nàng Quốc Vương Chân Lạp Ngọc Vân (Ang Mei) thì sau năm 1848, sử không viết gì về nàng nữa, mặc dù vào năm 1874, một chính trị gia người Pháp sang cai trị xứ Chân Lạp tên Jean Moura đã viết về việc gặp bà quận chúa này, và " in 1874 ... she  was  found by Jean Moura, ‘old ... and mad ... long since removed from power and the world’, living  ‘almost alone in the furthest corner of the old capital’.  She  died soon after his visit.".  Tức là khi ngài Jean Moura viếng thăm bà vào năm 1874, bà Ngọc Vân (Mei) đã già và bị "điên" và gần như sống cô độc ở một góc xa xôi nào đó trong khu kinh kỳ xưa, rồi bà mất sau cuộc viếng thăm của ngài Jean Moura không lâu.  

Và đến nay, chúng ta còn có tấm hình rất quý của bà còn được giữ lại (đây là tấm hình chụp chứ không là vẽ họa nha bạn).  Hình này trên mạng Wikipedia tại đây (xem >> https://vi.wikipedia.org/wiki/Ang_Mey).  Có cả hình vẽ từ này hình này của bà tại đây >> https://ancientadventurescambodia.com/2013/06/25/old-pictures-of-siem-reap-and-angkor-wat-archaeological-park/). Bà mặt buồn hiu.  

Và ngày nay, chắc không mấy người để ý về nàng Chân Lạp Quận Chúa Ngọc Vân này nữa.  Nàng chả có gì đáng để ý, chả có gì đáng nói, và chả có gì đáng kể.  Người ta cũng chả ai tung hô nàng hay thương hại nàng như nàng công nữ Ngọc Vạn bên Việt Nam.  Nhưng khi nhìn tấm hình này của bà (nếu đúng là hình của bà), đọc lại sử, thì mình thương bà lắm, một quận chúa mà người đời đã quên lãng.  Có khi mình là người Việt đầu tiên viết về bà, một nàng quận chúa Chân Lạp, thời nay không còn bao nhiêu người đọc sử Việt nào nhớ.

Ngày 8/3 năm 2019 Quốc Tế Phụ Nữ này, mình xin được viết một bài status này cho nàng Chân Lạp Quận Chúa Ngọc Vân, để nàng đừng bị trôi vào quên lãng, nàng ơi !!!

@ San Jose, California

Người yêu cô Hán Nôm "Mèo Cà Ri" Brian 

Tài Liệu Tham Khảo:

1. Cambodia's Relations with Siam in the early Bangkok Period: The politics of a tributary state >>  http://www.siamese-heritage.org/jsspdf/1971/JSS_060_1d_Chandler_CambodiaRelationsWithSiamInEarlyBangkokPeriod.pdf

2. Hostages, Heroines, and Hostilities >> http://www.niaspress.dk/files/excerpts/Jacobsen_extract.pdf

3. Đại Nam Thực Lục bản dịch Quyển 4






Không có nhận xét nào