DÂN TRỊ VÀ CHÍNH QUYỀN Trong một mối quan hệ, giữa chính quyền và người dân, luật pháp chính là chiếc cầu nối quan trọng bậc nhất giữa hai c...
DÂN TRỊ VÀ CHÍNH QUYỀN
Trong một mối quan hệ, giữa chính quyền và người dân, luật pháp chính là chiếc cầu nối quan trọng bậc nhất giữa hai chủ thể này trong một quốc gia.
Nếu không thể để luật pháp điều phối và kết nối, định đoạt phân minh trong mối quan hệ với nhau trong các giao dịch của mình, tức chiếc cầu luật pháp đã trở nên gãy đổ và nó không còn tác dụng để duy trì sự trật tự tốt đẹp và cần có của một xã hội.
Và giữa người dân và chính quyền lúc này là một khoảng cách không thể dung hoà và không thể rút ngắn được, nó chỉ có thể được xử lý tức thời bằng các cách mua chuộc, cưỡng ép, vòi vĩnh hoặc thoả hiệp, liên trợ cùng tìm cách chiếm đoạt lợi ích, cơ hội của những người khác hoặc tài sản công.
Rõ ràng một mối quan hệ dựa trên những sự mặc cat ám muội và trao đổi như vậy, bản thân nó đã mất đi sự chính dang của một chính quyền, mà người dân cũng đang đánh mất đi giá trị cùng sự an toàn của mình trong tương quan quyền lực chênh lệch như vậy.
Mọi thứ tưởng như ổn thoả và được giải quyết nhanh gọn bởi những cuộc gặp mặt bí mật hoặc ngã giá sau gầm bàn, trên tiệc nhậu hoặc tại gia của quan chức, và nó cũng làm cho mỗi người trong cuộc cảm thấy được sự không còn khoảng cách của nó, nhưng thực tế là trong nó đã tiềm ẩn những nguy cơ và mối đe doạ có thể quay lại chống lại cả hai bên hoặc gây nguy hại cho cả những người nằm ngoài các giao dịch ngầm này.
Nếu luật pháp không thể đứng vững và là một trụ cột chắc chắn, minh tường, hiệu quả giữa các sự tương tác của người dân và chính quyền, chắc hẳn, không sớm thì muộn, những hậu quả mà các quan hệ ám muội này đưa tới cũng sẽ hiển hiện và rồi nó để lại những di chứng không thể cứu chữa, sửa đổi hay cải thiện được nữa. Nó đã đi quá xa cái sai ở điểm xuất phát ban đầu, và các hậu quả sẽ không thể phục hồi được do các hành động sai trái đã chồng chất lên để dẫn tới các thiệt hại tuyến tính tiếp diễn.
Người dân ủy thác quyền lực, lao động vất vả và đóng góp tài sản để nuôi sống bộ máy nhà nước, rõ ràng không phải để họ có vị thế hòng quay lại tiếp tục để hành hạ và bóc lột người dân thêm không chỉ một mà nhiều lần nữa, trong bất cứ hoàn cảnh và sự vụ nào. Như vậy, chính quyền là một kẻ cướp và là một kẻ phản bội nhân dân, họ thực hiện tội ác trên nhân dân và biến nhân dân vừa trở thành nạn nhân của những sai trái lại phải cùng chung tay vào để thực hiện nó hòng đạt được một mong cầu chính đáng nào đó.
Trong cuốn “Dân trị và Chính quyền”, cũng như cuốn “Một Người Quốc Dân”, những giá trị cao quý của luật pháp, cao nhất là Hiến pháp văn minh, được tôi mô tả và định hình, diễn giải không có gì phức tạp và khó hiểu. Và một khi những giá trị quý báu này bị xâm phạm, chà đạp, coi thường hoặc xem nhẹ, nó sẽ làm cho xã hội trở nên rối ren, loạn lạc và chính quyền thì không chỉ trở thành tội phạm mà còn bảo kể, dung túng cho tội phạm hoành hành. Nó là mức độ mất an ninh cao độ nhất trong một xã hội có nhà nước và một quốc gia đang hiện diện một bộ máy chính quyền.
Hãy tin rằng, không phải đạo đức, mà là luật pháp mới là thứ chúng ta viện dẫn tới trong các mối quan hệ của mình trong xã hội. Đạo đức chỉ là một lựa chọn nội tại tự nó như một bổn phận với nghĩa vụ phải hành động trong một hoàn cảnh nào đó. Luật pháp khoa học mới có đủ sức mạnh và các chế tài để duy trì mọi sự trật tự tốt đẹp, nhưng luật pháp phải bao hàm và kiểm soát được mọi chủ thể chính trị chứ không thể dùng luật pháp để ấn định một vị thế cao tuyệt đối của một đảng hoặc chủ thể nào đó.
Để dễ hiểu, đó là không ai mạnh hơn luật pháp, mà là luật pháp mạnh hơn tất cả.
Và “khi chính quyền trở thành ngoại lệ của luật pháp, người dân trở nên là ngoại lệ của quyền lực (trích: Dân trị và Chính quyền).
Lê Luân
Không có nhận xét nào