Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

GIẾT VĂN

GIẾT VĂN  Người Việt yêu văn đến mức ai cũng ham văn, nhưng có lối đọc... giết văn. Họ đã giết văn bằng nhiều cách. - Họ hiểu trơn tuột văn ...

GIẾT VĂN 

Người Việt yêu văn đến mức ai cũng ham văn, nhưng có lối đọc... giết văn. Họ đã giết văn bằng nhiều cách.

- Họ hiểu trơn tuột văn bản của người ta trên mặt chữ rồi phán như thánh phán, rằng đúng hoặc không đúng theo ý của họ. Nhiều thâm ý sâu xa bên dưới câu chữ họ không quan tâm.

- Nhiều người rất ham vui, nhưng thể loại trào phúng, giễu nhại thì rất xa lạ với họ. Tất nhiên, với loại văn đả kích vào cái xấu của đối tượng mà họ coi là kẻ thù thì họ khoái chí, coi như đó là tiếng chửi thay họ để họ có cơ hội nhảy vào... chửi hùa. Họ bị ảnh hưởng thứ lý luận "tính giai cấp" của tiếng cười, nên nếu ai cười vào họ thì họ nhảy dựng lên... chửi như là thù địch. Họ quên rằng cười khác chửi.

Bây giờ thì xem người ta đã đọc văn của Lão Thầy Bói Già, nick của Đinh Vũ Hoàng Nguyên, di cảo vừa xuất bản được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải. Lão Thầy Bói Già kể tếu táo chuyện hồi nhỏ mẹ hay nựng "cho mẹ xin miếng chim". Nguyên ngắt giả vờ chim mình cho mẹ, xem như món quà thể hiện tình yêu với mẹ. Đến khi đi học mầm non, ngồi bên bạn gái dễ thương, cậu bé Nguyên lại làm quà cho bạn gái như đã làm quà cho mẹ. Bị bạn gái dỗi, khóc và bị cô giáo đánh đòn.

Chỉ vì được truy nhận giải của Hội Nhà văn Hà Nội mà tác giả (đã chết) bị no đòn với dân mạng. Người ta quy kết chính trị lẫn dâm ô đồi trụy trong cái mẫu chuyện ấy. Tất nhiên, đó là quy kết chính trị của phe chống cộng.

Đọc văn như vậy khác gì đồ tể?

Tôi không cho rằng cách kể của Lão Thầy Bói Già là hay, mặc dù đó là tứ truyện hay. Tôi từng thấy các bà mẹ ở quê vẫn thường hay nựng con bằng trò "xin chim" tương tự. Mà không chỉ ở quê. Hồi tôi đưa con đến trường mầm non, bà hiệu trưởng cũng có động tác "xin chim" con tôi y chang. Cái sự thực của thói quen chẳng có gì văn minh mà người phương Tây gọi là ấu dâm ấy thành chất liệu để Lão Thầy Bói Già hư cấu thành chuyện thằng bé cho chim cho bạn gái như một hiệu ứng hồn nhiên của trẻ con. Ý nghĩa chẳng có gì sâu xa ngoài giễu cợt một thói quen của người lớn làm cho trẻ con bị đòn oan.

Có bạn bình luận đó là tiếng cười vô duyên, trong khi lẽ ra theo họ, nhà văn phải dùng tiếng cười tấn công vào đám quan lại hư hỏng. Họ làm như là quan từ trên trời rơi xuống chứ không phải từ thường dân chui lên vậy. Lý thuyết "tiếng cười là vũ khí đấu tranh giai cấp" là lý thuyết tầm bậy của chủ nghĩa Marx - Lenin, không ngờ lại ăn sâu vào trong não của những kẻ chống cộng cực đoan. Sự thực thói hư tật xấu có trong tất cả mọi con người. Bản chất của hài kịch là cười tất cả, cười người cũng là cười ta, theo tôi, nó là vũ khí tự nhận thức cao nhất. Người Việt hay cười nhưng rất thiếu khả năng tự nhận thức hay phản tỉnh, vì lúc nào cũng mang cái tâm thức của làng Vũ Đại "chắc nó trừ mình ra". Cho nên cái xấu tràn ngập xã hội mà các cá nhân thì luôn ngộ nhận mình tốt.

Tôi từng có những mẫu chuyện vui đời thường như của Lão Thầy Bói Già và từng bị chỉ trích là "không xứng tầm". Theo họ, lẽ ra tôi phải viết trịnh trọng về một tư tưởng chống cộng như họ, tức tôi phải thực hiện "sự chỉ đạo" của họ?

Chống cộng mà luôn nghĩ cộng sản toàn xấu, còn mình thì chỉ có tốt trở lên thì còn lâu dân tộc này mới có dân chủ.

Đọc văn trào phúng, giễu nhại bằng sự trịnh trọng, trang nghiêm của bộ mặt đạo đức, chính trị thì chỉ có thể là cách giết văn của kẻ độc tài.

Đọc lời chửi rủa trong stt sau, tôi có cảm giác sự viết văn hiện nay phải đối mặt với cái đáng sợ là những người chống cộng cực đoan hơn là sợ chính quyền.

Chu Mộng Long





Không có nhận xét nào