Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Hãy trả lại cho đạo Phật sự trong trẻo, giản dị và yêu thương như bản nguyên!

Hãy trả lại cho đạo Phật sự trong trẻo, giản dị và yêu thương như bản nguyên! Thầy tôi, võ sư Nguyễn Văn Dũng, trong một chuyến lên núi Bạch...

Hãy trả lại cho đạo Phật sự trong trẻo, giản dị và yêu thương như bản nguyên!

Thầy tôi, võ sư Nguyễn Văn Dũng, trong một chuyến lên núi Bạch Mã cùng tôi, thầy nói: "Thầy vô cùng mê đức Thích Ca nhưng không thể mê nổi kha khá ông sư hôm nay của đức Thích Ca".  Thầy lý giải, thì sở dĩ thầy mê đức Thích Ca vì câu căn dặn đệ tử trước khi ngài nhập Niết Bàn: "Các người đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người!..".   

Con đường tu tập cái cuối cùng cũng quay về giải thoát bản thân, chứ không nương nhờ vào đâu hay vào kẻ nào. Và trong lịch sử đã có những thế hệ tăng ni dài bỏ tất cả danh vọng, tham vọng và dục vọng lại và nhẹ nhàng bước đến một cõi khác.

Quy chiếu vào cuộc đời, triết lý đức Thích Ca để lại giúp người đời ngộ ra được chân thiện, từ bỏ tham sân si để cuộc sống được đẹp hơn. Cha ông cũng đã đúc kết: "Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa". Thế đấy, tu cho chính mình là cái phước hạnh lớn nhất. Tin ở chính mình là niềm tin lớn nhất và hạnh phúc do chính mình tạo ra là hạnh phúc viên mãn nhất.

Có thế thôi mà không ít tăng ni ngày nay đã bóp méo (tôi xin lỗi khi hơi phân biệt vùng miền, nhưng đại đa số là các sư phía Bắc). Đa phần các sư biến mình thành thầy cúng thầy bói thầy pháp. Chính đạo thành tà đạo, phật giáo thành tà giáo. Chùa chiền không còn dành cho Phật ở, không là nơi để chúng sinh đến kính phật tu tâm mà trở thành nơi thỉnh hồn gọi vong, dùng vong để cho cái này yểm cái kia, trục lợi trên sự bất hạnh và mù quáng của người đời. 

Hành nghề dị đoan ngoài đời đã không được phép. Đưa ngay vào chùa, và hành nghề chính lại là các sư thì "tăng bảo" có thực sự còn giá trị không? Tại sao sư sãi lại đi bóp méo Phật pháp, tuyên truyền tà giáo và tự nhận mình là người đi cứu vớt kẻ khác bằng một thế lực âm binh cô hồn nào đó? 

***** 

Tôi vẫn nói với bạn bè, tôi nhớ những ngôi chùa miền Bắc. Những nét tường gạch nâu giản dị bên cửa gỗ nhiều song, nhìn lên trên là những vút cong của mái nhà ngói mũi hài. Ở đó là các bà cụ áo nâu khăn đũi đi chùa cầu an cho mình và con cháu. Giản dị và ấm áp lắm nhưng giờ còn đâu nữa? Thi nhau trùng tu tu bổ cho giống kiến trúc Bắc Kinh, thi nhau cúng bái xì xụp giải hạn lầm rầm. Phía dưới bếp, các bà chùa kho thịt thơm lừng.

Tôi vẫn nhớ tường gạch ấy, vút cong ấy. Nhưng tôi không thể gần hơn nữa  khi người ta mượn đức Phật ra để hỉ nộ ái ố những tham sân si với cuộc đời, những bạc tiền và tà đạo đang bôi đen cả môi trường thiền tự. 

***** 

Ở Thủ Đức có một sư cô khá khổ hạnh, ở trong một ngôi chùa nhỏ. Cả đời sư cô tu tập, nhận một bé gái về nuôi - là con của một người trong khu phố ấy, lả lơi lỡ làng và ném trước cổng chùa. 7 năm sau, thấy chùa nuôi tốt thì cô kia đẻ thêm một bé trai nữa và lại vứt như trước. Sư cô nuôi một lúc hai chị em.

18 năm qua đi, cô bé thành thiếu nữ, gien mẹ bỏ theo trai và trộm hết toàn bộ tiền bạc mà sư cô gom góp. Không tiền, không thể kiếm tiền, sư cô nương tựa vào một cái chùa lớn và dâng chùa nhỏ cho chùa lớn để bước tiếp phần đời còn lại.

Hỏi sư cô sao không đi cúng bái kiếm tiền và giữ chùa, sư cô bảo người chính đạo sẽ không làm thế. Và mình chỉ là hạt bụi bay vào cõi nhân gian cho hết kiếp, có mang gì đi được đâu mà níu giữ. Hỏi về cô bé, sư cô cũng chỉ nói, nghiệp ai người trả, chẳng oán trách làm gì.

Kể câu chuyện này cũng trả lời thầy, vẫn còn nhiều tăng ni tu hành chánh pháp, chứ không bậy bạ tà giáo như không ít tham sư hiện nay. 

Thế thôi, cho và nhận, tu và tập, nhân và quả chỉ giản dị thế thôi, dẫu người đời có thấy đắng cay thì người tu lại thấy nhẹ nhàng như hạt bụi. Vậy đấy, chả có ma có quỷ, chẳng có xôi có thịt, chẳng có tiền có bạc và chẳng trục lợi hù doạ. Chúng ta đang sống đây không phải kẻ tu hành, rồi một ngày cũng bỏ lại cho nhân gian tất cả, mang được gì đi đâu mà sân si bịp bợm tham lam vô độ, áo gấm lọng vàng?  

***** 

Tôi mua của bạn tôi, một hoạ sĩ khá nổi tiếng từng có những năm tháng chốn thiền môn, một bức tranh về phật hoàng Trần Nhân Tông ngồi thiền dưới cây đại còn nụ chưa bung nở, phía dưới là con mắt nhân gian và toàn bức tranh là tông màu đỏ rực. Sự gặp gỡ tam nguyên trong một dân tộc, trong một con người có những giá trị lớn đến hôm nay. Và sự hướng thiện và tu tập đều không có gì khác nhau ở các đạo, các cá nhân cụ thể dù là người tu hay người đời. 

Màu đỏ ấy tôi muốn giữ lại như giữ một ý niệm về đạo và đời, như giữ một nỗi buồn mênh mang trong cõi Phật ở nước mình hôm nay khi nghĩ đến những biến tướng biến đạo Phật thành một thứ tham vọng mà ai cũng biết, những kẻ nào đã làm cho đạo Phật biến tướng đến thế. 

Hãy trả lại cho đạo Phật sự giản dị và trong trẻo như bản nguyên của đạo Phật!

Hoàng Nguyên Vũ



Không có nhận xét nào