Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

HIỂU ĐÚNG BẢN CHẤT CÁC TỘI XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA.

HIỂU ĐÚNG BẢN CHẤT CÁC TỘI XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA. Hiện nay, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn các định nghĩa về nhà nước (state), thể chế (in...

HIỂU ĐÚNG BẢN CHẤT CÁC TỘI XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA.

Hiện nay, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn các định nghĩa về nhà nước (state), thể chế (institutional) và chính quyền (government).  Ngay cả các nhà hoạt động cũng không phân biệt được rõ các định nghĩa đó. Theo Công ước Montevideo về quyền và nhiệm vụ các quốc gia (Montevideo Convention on the Rights and Duties of States), có thể hiểu, nhà nước gồm lãnh thổ, dân cư và bộ máy nhà nước.  Trong đó, bộ máy nhà nước gồm thể chế (phần khung) và chính quyền (phần người). Theo cách hiểu như vậy, làm sao mà một người có thể chống lại “nhà nước”? 

Rõ ràng, các nhà hoạt động không chống lại nhà nước, và thực sự là họ không thể chống lại nhà nước.  Họ chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho đất nước Việt Nam.  Nếu có, họ chỉ muốn phản đối chính sách của chính quyền, đó là những chính sách bất công, không hợp lòng dân, hoặc chỉ đơn giản là lên tiếng về tham những và những vi phạm nhân quyền của phía chính quyền. Thế mà chính quyền lại quy chụp những người như vậy là “phản động”. 

Nếu chính quyền chỉ muốn nhận lại những lời khen ngợi, mà lờ đi những lời góp ý chân thành từ người dân thì chính quyền đó sẽ không bao giờ phát triển được.  Hình như phía chính quyền cũng không chịu hiểu một điều rất cơ bản là, người dân Việt Nam là một phần của đất nước Việt Nam.  Chẳng ai dại gì đi phá cái nhà của mình cả.  Nếu có người phá thật thì người đó ắt hẳn là kẻ bán nước, kẻ tham nhũng hoặc là kẻ mất năng lực hành vi dân sự.  Chứ một người bình thường, yêu thương và công hiến cho cái nhà của mình không hết, chứ ai lại đi phá cái nhà của mình. 

Chính quyền rất khôn khéo trong việc đánh tráo khái niệm giữa “nhà nước” và “chính quyền”.  Sử dụng cụm từ “chống Nhà nước” sẽ đem lại cảm giác gần gũi hơn với người dân.  Vì vậy, khi nghe đến cụm từ “chống Nhà nước”, đa số người dân đều ủng hộ việc kết án các nhà hoạt động, mặc dù họ không hiểu rõ bản chất của tội danh này.  

Xin phép được nhấn mạnh rằng, bày tỏ quyền tự do ngôn luận bằng bất kỳ hình thức nào là hoàn toàn hợp pháp, miễn là không làm hại đến người khác.  Tính chất "hại" ở đây phải nhìn thấy và đo lường được, hoặc ít nhất là có cơ sở khoa học chứng minh.  Chứ đừng quy chụp người dân tội xâm phạm an ninh quốc gia dựa trên giám định về tư tưởng -  một trong những giám định thiếu cơ sở và phản khoa học nhất trên thế giới và chỉ được chính quyền Việt Nam công nhận.  Nhưng trong thể chế chính trị hiện nay, thể chế đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý thì mọi hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của đảng, hoặc chỉ đơn giản là góp ý (nói xấu lãnh đạo) đều có thể bị bỏ tù. 

Ngoài ra, cần lưu ý rằng, các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia đều là các tội có cấu thành hình thức.  Tức là, chỉ cần thực hiện một trong những hành vi được mô tả trong điều luật, mà không cần có hậu quả đã bị coi là tội phạm.  Ví dụ: Điều 109 về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân quy định: “Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau..[.]” Theo đó, chỉ cần nhà hoạt động có hành vi "hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức NHẰM lật đổ chính quyền nhân dân" là sẽ bị chính quyền quy chụp tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, chứ không cần đợi khi chính quyền sụp đổ (HẬU QUẢ XẢY RA) mới bị bắt.  

Điều 109, Điều 117 và Điều 131 của Bộ luật hình sự 2015 là những điều luật mơ hồ.  Tuy nhiên, cần lưu ý đến những cáo buộc của chính quyền để hiểu, những hoạt động nào bị quy chụp là hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, hoạt động nào bị quy chụp là tuyên truyền chống phá nhà nước và hoạt động nào bị quy chụp là lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. 

Người dân đòi hỏi nền pháp quyền, nhưng chính quyền dùng nền pháp trị để cai trị người dân.  Người dân đành phải tuân thủ nền pháp trị nhưng chính quyền cũng không tuân thủ đúng luật do chính họ ban hành.  Thực tế, luật pháp Việt Nam chỉ áp dụng cho người dân, chứ không áp dụng cho những lãnh đạo của chính quyền.  Với tình hình hiện nay, chưa cần mong muốn những điều lớn lao như dân chủ, nhân quyền gì cả, chỉ mong chính quyền sẽ giữ đúng lời hứa là những người cộng sản chân chính như họ đã từng hứa với người dân. 

Trương Thị Hà

Sài Gòn, ngày 01/03/2019



Không có nhận xét nào