MỘT ĐIỀU LUẬT GÂY KHÓ CHO CÔNG DÂN Việt Nam đã có hàng loạt vụ án mà dư luận xem như tòa án không bảo vệ công dân mà bảo vệ tội phạm. Đó là...
MỘT ĐIỀU LUẬT GÂY KHÓ CHO CÔNG DÂN
Việt Nam đã có hàng loạt vụ án mà dư luận xem như tòa án không bảo vệ công dân mà bảo vệ tội phạm. Đó là những vụ án thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Hình sự về tội "Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng". Cụ thể:
Điều 15 Bộ luật Hình sự về phòng vệ chính đáng quy định:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Trách nhiệm hình sự của người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 106 Bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm”.
Căn cứ vào 2 điều luật này, tôi cho rằng tòa xét xử hàng chục vụ án lâu nay không oan sai mà đúng luật. Vậy thì tính chất phi thực tế và phản nhân văn nằm ở điều luật do Quốc hội ban hành.
Một tên trộm "hiền lành" thì không bàn (mà hiền lành thật thì đã không ăn trộm). Nhưng một tên cướp hay một kẻ thù địch hung hăng tấn công vào nơi ở của công dân thì phải ngăn cản bằng cách nào?
- Một là báo cáo với cơ quan công an nếu có điều kiện và thời gian. Nhưng công an không có sẵn trong nhà. Đợi đến khi công an xuất hiện thì có khi cả nhà đã bị giết.
- Hai là đành chịu mất mát tài sản, chịu thương tổn hoặc chịu chết, còn kẻ xâm nhập hay hung thủ thuộc [độc] quyền điều tra và xét xử của pháp luật.
- Ba là phản kháng phòng vệ, nhưng chỉ được giới hạn thương tích cho kẻ xâm nhập và tấn công dưới mức 31%!
Một và hai thì ai cũng làm được, vì bó tay chịu chết thì chỉ có cục đất chứ con chó cũng biết phản kháng tự vệ khi bị dí vào chân tường. Nhưng điều thứ ba cho phép phòng vệ bằng cách chống trả địch thủ không để lại thương tích quá 31% thì có thánh cũng chào thua, và nó đang là cái bẫy đẩy bất cứ công dân lương thiện nào vào tù. Bởi không chỉ 31% mà dẫu đẩy lên đến 90%, địch thủ vẫn có thể dùng tàn lực giết người như bỡn.
Mà ai trong tình thế nguy hiểm có thể tính toán sẽ vô hiệu hóa địch thủ chỉ dưới 31%, trừ phi người ta vừa ngủ gật mà nghĩ ra điều luật ấy?
Hơn 200 năm trước, luật pháp Anh, Mỹ và các nước văn minh cũng từng có quy định như Việt Nam. Nhưng kể từ vấn nạn xâm nhập và tấn công của bọn trộm cướp gây thiệt hại cho công dân lan tràn đến mức khó kiểm soát, người ta đã điều chỉnh luật bằng cách cho phép phòng vệ không giới hạn của công dân. Bắt đầu từ “Học thuyết Lâu đài” (Castle Doctrine) của phán quan người Anh, Edward Coke, nước Anh rồi Mỹ và nhiều nước văn minh đã áp dụng cho phép công dân phòng vệ không giới hạn. Nhờ đó, các quốc gia này đã giảm thiểu đáng kể nạn trộm cướp và xâm nhập trái phép nơi ở của công dân, kể cả hạn chế tối đa những vụ trả thù cá nhân.
Lẽ nào Việt Nam vẫn cứ duy trì một kiểu luật pháp bảo vệ tội phạm, và chính điều luật này là nguyên nhân gia tăng tội phạm trộm cướp, trả thù cá nhân và đẩy công dân lương thiện vào vòng tù tội?
Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào