Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NHỮNG ĐỀ THI MÔN TIẾNG VIỆT TIỂU HỌC VÌ SAO CẢ THẦY VÀ TRÒ LÚNG TÚNG?

NHỮNG ĐỀ THI MÔN TIẾNG VIỆT TIỂU HỌC VÌ SAO CẢ THẦY VÀ TRÒ LÚNG TÚNG? Sáng hôm qua, một bạn có con học Tiểu học được chọn vào đội tuyển thi ...

NHỮNG ĐỀ THI MÔN TIẾNG VIỆT TIỂU HỌC
VÌ SAO CẢ THẦY VÀ TRÒ LÚNG TÚNG?

Sáng hôm qua, một bạn có con học Tiểu học được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi lớp 4, cấp quận đã gọi “khẩn cấp” cho mình, bạn muốn mình giải giúp mấy câu tiếng Việt trong một đề thi HSG gây quá nhiều tranh cãi dưới đây. 

Đây là một trong nhiều đề thi của một quận (xin giấu tên), đề đã ra cách đây cả chục năm, mắc rất nhiều lỗi, giờ vẫn được sử dụng lại mà không có chỉnh sửa. Học sinh giỏi mà lắc đầu chịu không làm được. Ngay cả chính cô của các trò cũng lúng túng, mỗi cô cho ra một đáp án, thế là gây tranh cãi sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Trò thì ngác ngơ chẳng hiểu mô tê ra sao, phụ huynh HS đâm ra hoang mang, lo lắng. Vậy, vấn đề nằm ở chỗ nào? Trò hay thầy, hay người ra đề? Xin thưa! Nó nằm ở tất cả...

Mình không dạy Tiểu học nhưng sau khi đọc đề, mình thấy ngay những nhược điểm mà hầu như ở cấp nào cũng mắc phải.
Thứ nhất, người ra đề không có khả năng bao quát toàn kiến thức phổ thông và kiến thức chuyên sâu.

Thứ hai, không nắm được chương trình dạy học ở mỗi cấp nên ra đề không phù hợp. Vẫn biết rằng giáo dục là khai phóng nhưng khi ra đề cũng phải căn cứ vào chương trình giảng dạy và tâm lí lứa tuổi. Ra đề mà chính thầy cũng còn không làm được thì làm sao nói trò làm được? Từ chỗ không hiểu được khả năng của trò nên luôn đặt trò vào thầy chứ không phải đặt thầy vào trò để hiểu nếu ra đề như thế trò có làm được không? Nó sẽ làm thế nào và trong thời gian bao lâu thì hoàn thành?

Thứ ba, các câu hỏi (câu lệnh) không nhất quán, không rõ ràng, mạch lạc, hỏi chung chung, mơ hồ...
Mình chứng minh qua một vài đề bạn gửi như sau: 
Ví dụ 1 (Đề 1)
Câu 2 (01 điểm): Xác định các bộ phận chủ ngữ, vị ngữ trong mỗi câu sau:
a. Chị Sứ yêu Hòn Đất bằng cả cái tình yêu hầu như là máu thịt.
b. Bên vệ đường, sừng sững một cây sồi.
Nhận xét:
- Câu lệnh không chuẩn: “Xác định các bộ phận...”, từ “các” thừa và rối. Chỉ cần nói “xác định bộ phận chủ ngữ, vị ngữ trong mỗi câu sau” là đủ và rõ.
- Câu a, là câu đơn nhưng khá khó xác định thành phần chủ - vị nếu như không biết cách. 
- Câu b, thuộc câu đảo trật tự cú pháp (đảo thành phần vị ngữ - động, tính từ) lên trước danh từ chủ thể - chủ ngữ) được dạy - học ở chương trình Ngữ văn 9. 
Kết luận: Từ những lí do trên khiến cả thầy và trò lúng túng, mỗi người cho ra một đáp án (vì thiếu kiến thức cơ bản).
Câu 3 (01 điểm): Em hãy cho biết tác dụng của các dấu gạch ngang và dấu hai chấm trong các câu sau:
a, Gióng nhìn mẹ, mở miệng bật lên thành tiếng:
- Mẹ mời sứ giả vào đây cho con! (TV4, T2, trang 87)
b, Rồi những cảnh tuyệt đẹp của đất nước hiện ra: cánh đồng với những đàn trâu thung thăng gặm cỏ; dòng sông với những đoàn thuyền ngược xuôi. (TV4, T1, Trang 99)
c, Mở cặp ra, em thấy trong cặp có tới ba ngăn được làm bằng vải ni lông hoa - hai ngăn rộng và một ngăn hẹp. (TV4, T1, trang...)

Nhận xét: Những câu (a, b, c) này, kiến thức được dạy - học rải rác ở các lớp 7, 8 và 9 (tác dụng, ý nghĩa của 12 loại dấu câu trong ngữ pháp tiếng Việt).
 Kết luận: Nếu trong chương trình Tiếng Việt 4 các em mới chỉ được học sơ đẳng thì sao trả lời được các câu hỏi trên? Và chính GV cũng còn giải không chính xác thì nói gì học sinh? 
Ví dụ 2 (Đề 2)
Câu 1 (3 điểm): Em hãy tìm từ láy trong đoạn thơ sau và cho biết các từ láy thuộc loại từ láy gì?
“Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh.” (Tố Hữu)

Nhận xét:
- Câu lệnh rất chung chung, mơ hồ, khó hiểu. 
- Bởi phương thức cấu tạo của từ láy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Không biết ở chương trình lớp 4 học sinh đã học đến đâu nhưng có lẽ mới chỉ ở mức “nhận biết” mà yêu cầu các em phân biệt cụ thể từng phương thức cấu tạo (dạng láy, kiểu láy) thì có quá khó lắm không? Để phân biệt được thì phải là học sinh THCS, khi đó mới được học sâu hơn về phương thức cấu tạo từ (từ đơn, từ phức - từ ghép, từ láy...) 

Kết luận: Cả cô và trò không giải nổi là do thiếu kiến thức cơ bản và nhất là chưa phù hợp tâm lí lứa tuổi.

Trên đây chỉ là một trong nhiều đề thi của Phòng GD và Đào tạo của quận này và hầu hết các Phòng Giáo dục và Đào tạo trên toàn quốc, các chuyên viên ra đề hay ngay cả giáo viên trực tiếp luyện thi HSG cho trường, khi ra đề cũng mắc phải các lỗi trên.

Thiết nghĩ, là giáo viên cấp Tiểu học thì ít nhất các bạn cũng phải có trình độ kiến thức vững vàng ở cấp phổ thông (những kiến thức thông thường, cơ bản nhất về môn tiếng Việt được học qua 12 lớp trong trường phổ thông), chưa nói đến kiến thức các bạn được học chuyên sâu trong trường sư phạm. Các bạn không chỉ biết dạy học có cơ bản, có phương pháp tiên tiến mà khâu ra đề cũng đòi hỏi vô cùng chính xác, khoa học, phù hợp với nhận thức của mỗi lứa tuổi. Giúp cho khả năng, tư duy của trẻ phát triển chứ không phải đánh đố.

Vì sao nền giáo dục Việt Nam lạc hậu, bảo thủ? Nguyên nhân chính cũng là từ khâu đào tạo giáo viên nguồn và ý thức phấn đấu của mỗi giáo sinh để trở thành giáo viên giỏi sau khi ra trường. Chất lượng đào tạo còn quá thấp, lương bổng đãi ngộ cũng không xứng đáng, nền giáo dục lại mất cơ bản ngay từ giáo dục của gia đình nên sự thất bại trong giáo dục là cả một nền tảng, một hệ thống chứ không thể đổ lỗi cho nhà trường hay bất cứ ai.

Lã Minh Luận





Không có nhận xét nào