Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

SOI RỌI LẠI CHÍNH MÌNH SAU KHỦNG BỐ NEW ZEALAND

SOI RỌI LẠI CHÍNH MÌNH SAU KHỦNG BỐ NEW ZEALAND Cuộc thảm sát 50 người dân vô tội ở New Zealand do Brenton Tarrant, một người da trắng cực đ...

SOI RỌI LẠI CHÍNH MÌNH SAU KHỦNG BỐ NEW ZEALAND

Cuộc thảm sát 50 người dân vô tội ở New Zealand do Brenton Tarrant, một người da trắng cực đoan chủng tộc gây ra cho thấy tệ nạn kỳ thị màu da, chủng tộc, tôn giáo là một vấn nạn nghiêm trọng và sẽ tồn tại rất lâu trong xã hội loài người. 

Điều đáng lưu ý, phần lớn những vụ thảm sát dù phát xuất từ các nguyên nhân tôn giáo hay màu da sâu xa thường bị kích động trực tiếp từ các lý do chính trị. 

Sự trổi dậy của phong trào da trắng cực đoan tại các tiểu bang miền Nam nước Mỹ dưới thời tổng thống thứ 17 Andrew Johnson (1865-1869) là một bằng chứng. 

TT Andrew Johnson, đảng Dân Chủ, kế vị TT Abraham Lincoln sau khi ông bị John Wilkes Booth ám sát. Khi công bố lịnh ân xá dành cho lãnh đạo các tiểu bang miền Nam, TT Johnson cũng ra lịnh trả lại đất đai và tài sản cho các chủ nô da trắng nhưng ông không giữ lời hứa của chính phủ cấp đất cho dân da đen.  Với sự khích lệ gián tiếp của TT Andrew Johnson, tại nhiều tiểu bang miền Nam, Điều lệ Đen (Black Codes) trong đó giới hạn quyền của người da đen được ra đời và áp dụng. 

Hạ Viện Mỹ thời đó do đảng Cộng Hòa chiếm đa số đã phản ứng và thông qua Đạo Luật Quyền Dân Sự (Civil Rights) năm 1866 trong đó thừa nhận người da đen là công dân Mỹ và ngăn cấm mọi kỳ thị nhắm vào họ. TT Andrew Johnson phủ quyết nhưng phe Cộng Hòa vận động đủ hai phần ba để chống lại quyền phủ quyết của TT Johnson. Andrew Johnson là tổng thống Mỹ đầu tiên đã bị Hạ Viện Hoa Kỳ đem ra luận tội và bỏ phiếu bãi nhiệm  nhưng ông giữ được ghế tổng thống nhờ hơn chỉ một phiếu ở Thượng Viện.  

Mặc dù chế độ nô lệ đã chính thức bị hủy bỏ, chính sách thiên vị da trắng của TT Andrew Johnson đã kích động tinh thần cho những người  da trắng cực đoan tại Mỹ trong thời kỳ sau nội chiến. 

Những người có trình độ nhận thức cao trong xã hội đa phương ngày nay có khuynh hướng nhìn vào từng vấn đề, từng lãnh vực mà họ quan tâm hơn là bao quát toàn xã hội. 

Các chính sách của một chính phủ bao gồm chính sách đối nội và chính sách đối ngoại. Ngay cả trong chính sách đối nội cũng có nhiều lãnh vực riêng biệt, và tương tự, chính sách đối ngoại cũng được điều chỉnh để đáp ứng những thách thức, cạnh tranh hay thay đổi trên thế giới. 

Người dân, khi ủng hộ một chính sách nào đó của chính phủ không nhất thiết phải hay nên ủng hộ tất cả những các chính sách khác đi ngược lại các giá trị đã tạo ra con người họ. 

Tương tự, phê bình một chính sách không có nghĩa là nên phê bình luôn các chính sách khác thích hợp với hướng đi thời đại mà ngay cả chính mình cũng đang mong đợi xảy ra. Nói một cách nôm na là chuyện gì ra chuyện nấy.

Chính trị và văn hóa là hai lãnh vực khác nhau. Một chính sách đúng hay sai đều có tính giai đoạn nhưng văn hóa thể hiện qua nếp sống, nhân cách, đạo đức sẽ tồn tại lâu dài. Không nên vì một quan điểm chính trị ngắn hạn mà quên đi căn cước, cội nguồn và gốc gác của chính mình. 

Michael Jackson một thời bị mang tiếng vì từ chối gốc da đen của ông ta. Nếu không có buổi phỏng vấn với Oprah Winfrey ngày 10 tháng 2, 1993 có lẽ Michael Jackson mang theo nỗi hàm oan “tẩy da cho trắng” xuống suối vàng. 

Dư luận cho rằng nhạc sĩ nổi tiếng này đã giải phẩu thẩm mỹ để da mình từ đen chuyển dần sang trắng. Nguồn tin không phải vô căn cứ. Khi nhỏ da của Michael Jackson màu nâu đậm nhưng đến thập niên 1980 da của ông trắng dần. Nhà báo John Randy Taraborrelli tố cáo Michael Jackson tẩy da cho trắng hơn. 

Khi trả lời Oprah Winfrey, Michael Jackson tiết lộ da ông hơi trắng không phải vì tẩy nhưng là hậu quả của căn bịnh di truyền làm da có những vết bẩn màu trắng. Cha của ông cũng mang bịnh đó. Michael Jackson khẳng định từ con người cho đến âm nhạc ông vẫn mang nguồn gốc da đen. 

Nhưng không phải ai cũng như Michael Jackson, không ít người muốn trở thành người da trắng dù bản thân và nguồn gốc họ là da đen, da đỏ hay da vàng. Trong lúc không bị bịnh như Michael Jackson hay đi giải phẩu da, những người này có tâm lý binh vực quan điểm thành phần da trắng cực đoan về chủng tộc mà quên đi nguồn cội của chính mình. 

Đó là điều không nên. Hãy luôn soi rọi để biết mình là ai. Soi rọi không phải để rồi tự ti, mặc cảm thấp kém hơn người khác mà để tìm một lối vươn lên.

Người Việt Nam may mắn đến Mỹ sau các sắc dân khác nên được hưởng các cách đối xử của một xã hội văn minh hiện đại nhưng không phải vì thế mà không bị bạc đãi. 

Những nạn kỳ thị chủng tộc như vụ KKK đốt ghe đánh tôm của người Việt ở Seadrift, Texas năm 1979 cho đến trường hợp Mark Wahlberg, diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Mỹ, đánh người Việt ở Dorchester, Massachusett vào năm 1988 xảy ra khá nhiều ở những nơi có người Việt cư ngụ. 

Sự kiện Mark Wahlberg đánh người Việt thoạt nhìn là một trường hợp cá nhân. Năm 1988 Mark Wahlberg mới 16 tuổi và sau này anh hối hận. Anh nên được tha thứ. Thế nhưng, không ít thanh thiếu niên Mỹ da trắng tuổi 16 vào năm 2019 này vẫn có những suy nghĩ giống Mark Wahlberg năm 1988.

Người Việt, một cộng đồng nhỏ và đến sau, làm thế nào để vượt qua được những kỳ thị màu da đang và sẽ tồn tại trong các xã hội do da trắng chiếm đa số như Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Úc? 

Rất khó và không thể tránh né thực tế. Tuy nhiên, nếu có một con đường thì đó vẫn là giáo dục. 

Không phải tiền bạc, của cải mà chính trí thức làm cho con người có chỗ đứng khác nhau trong xã hội. Đầu tư giáo dục vào con cái, vì thế, là phương pháp đầu tư hữu hiệu nhất và sẽ tạo nên một truyền thống tốt đẹp cho nhiều thế hệ trong gia đình để vượt qua và để vươn lên.

Trần Trung Đạo










Không có nhận xét nào