TẢN MẠN VỀ SÁCH GIÁO KHOA Câu chuyện về SGK ở Việt Nam đang ở điểm thắt quan trọng nhất nhưng cả báo chí, truyền thông công dân và dư luận b...
TẢN MẠN VỀ SÁCH GIÁO KHOA
Câu chuyện về SGK ở Việt Nam đang ở điểm thắt quan trọng nhất nhưng cả báo chí, truyền thông công dân và dư luận bàn trà quán nước rất êm đềm.
Nó không giống như khi cả xã hội vung roi nhằm vào tam giác, vuông tròn, chỉnh sửa chính tả trong sách giáo khoa chỉnh lý hay bàn về chuyện thi cử.
Có nhiều lý do nhưng một trong những lý do là thực sự không nhiều người hiểu về bản chất của sách giáo khoa, cơ chế hình thành, sử dụng của sách giáo khoa kể cả những người làm trong giới giáo dục như giáo viên hay cán bộ quản lý.
Một số khác có thể hiểu nhưng bản thân lại chính là tác giả sách giáo khoa hoặc có thể được hưởng lợi nhiều từ cơ chế một bộ sách nên im lặng.
Khó có thể viết dài về chuyện này nên tôi chỉ tóm lược mấy ý mà không diễn giải.
1. Trong tất cả các nền giáo dục, sgk xuất hiện muộn hơn các hoạt động giáo dục và ở buổi đầu, trong một thời gian dài hầu như người thầy, thậm chí là các trường tiến hành giáo dục mà không có sách giáo khoa cố định (thầy có gì dạy nấy, chọn gì dạy nấy). Suốt trong thời quân chủ chuyên chế, các trường tư của thầy đồ Việt Nam cũng dạy theo phương thức này.
2. Sách giáo khoa với sự tham gia của nhà nước vào nội dung và phát hành thực sự chỉ trở thành vấn đề trọng tâm khi bắt đầu thời cận đại khi nhà nước có nhu cầu tạo ra một đội ngũ quan chức-quan liêu, viên chức tận tụy có khả năng thực thi chính xác các mệnh lệnh của cấp trên và một lực lượng lao động có khả năng hành động theo chỉ dẫn trong nền sản xuất cơ khí lớn.
3. Việt Nam về cơ bản kể từ khi Pháp vào sử dụng sgk quốc định (nhà nước biên soạn và phát hành) cho đến tận bây giờ (tôi tạm bỏ qua lịch sử giáo dục VNCH vì chưa khảo sát kĩ). Cơ chế một chương trình-nhiều sách giáo khoa đã làm cho tư duy coi sgk là tập hợp chân lý trở nên phổ biến và vững chắc. Nó là cơ sở cho hệ thống hành chính giáo dục can thiệp sâu vào công việc giáo dục của giáo viên (kiểm tra giáo án, đề thi, dự giờ, thi giáo viên giỏi…). Hệ lụy của nó là tạo ra những thợ dạy và những viên chức hành chính vô cảm như người máy. Học sinh trở thành những người học thuộc bài và giải bài giỏi để rồi sau khi ra đời sống có xu hướng trở thành những người độc đoán và mù quáng (những ai thoát ra khỏi tất định luận này đều là những người phủ nhận hay thoát ra khỏi tôn giáo sgk là tập hợp chân lý).
4. Thế giới có các hình thức biên soạn-phát hành sách giáo khoa sau: tự do, quốc định (một bộ), kiểm định (nhiều bộ). Nhật đã dùng cơ chế kiểm định từ sau 1947. Trung Quốc cũng đã thực hiện cơ chế này cho dù các nhà xuất bản ở Trung Quốc đều là NXb quốc doanh.
5. Trong nền giáo dục hiện đại, vị trí SGK lui xuống thành “một trong những tài liệu tham khảo quan trọng” chứ không phải là duy nhất và tuyệt đối nữa. Trên thực tế, giáo viên ở các nước tiên tiến là người tự chủ toàn bộ nội dung và phương pháp giáo dục trước học sinh mình. HỌ có thể thiết kế nội dung dạy dựa trên sgk hoặc là dựa trên các tài liệu khác miễn đảm bảo Luật giáo dục và triết lý giáo dục. Vì vậy, sgk có thể rất dày, rất đầy đủ, nhưng gv không dạy theo kiểu “từng dòng, từng mục” như giáo viên Việt Nam đang làm. Chính vì vậy khái niệm thực tiễn giáo dục vô cùng mờ nhạt ở giáo viên. Giáo viên luôn chờ đợi xem cấp trên bảo thế nào thì làm thế và luôn hi vọng cấp trên sẽ làm cho trường học có được cải cách tốt, đem lại sinh khí cho giáo dục.
Ở Việt Nam các trường quốc tế, trường tư đã sử dụng cơ chế này trong khuôn viên của mình trong thực tế.
6. Lấy lý do Việt Nam chưa có đủ điều kiện để trì hoãn thực hiện cơ chế “một chương trình nhiều sách giáo khoa” là lý luận không mấy thuyết phục vì câu chuyện của cải cách muôn đời là TẠO RA ĐIỀU KIỆN-MÔI TRƯỜNG ĐỂ CHO CÁI MỚI PHÁT TRIỂN chứ không phải là ngồi chờ đủ hết rồi mới cho cái gì đó hoạt động. Như thế muôn đời không có.
7. Cuối cùng, thực ra xét ở góc độ lịch sử, không cho có nhiều bộ sách cũng có cái hay vì khối trường công chính là nơi trung thành với sgk nhất (gv ở đây hầu như dạy từng mục, từng dòng, từng ý của sách). Như vậy, nơi đây sẽ gánh chịu ảnh hưởng lớn nhất. Sức cạnh tranh của trường công sẽ giảm, các gia đình có điều kiện sẽ cho con sang học trường tư, trường quốc tế, đi du học. Trường công sẽ ngày càng trở nên trì trệ, bảo thủ, lạc hậu và hành chính hóa. Khi đó áp lực dư luận đòi cải cách sẽ ngày một mạnh hơn và gạt phăng cản trở cải cách. Tâm thức của người Việt là sẽ không bao giờ chịu bơi lên nếu chưa chìm đến đáy. Đấy là nghĩ tích cực.
Chỉ buồn là không phải gia đình nào cũng có điều kiện trên và giáo dục công trì trệ đồng nghĩa với việc kéo lùi lịch sử hàng chục năm, làm mất đi sự tôn nghiêm của giáo dục công nơi tạo ra hình dáng quốc gia và đảm bảo sự công bằng của giáo dục quốc gia.
Nguyễn Quốc Vương
P.s. Lý luận dạy trong các trường đại học về sgk rất lạc hậu. Nếu ai đó tiếp xúc với giáo dục hiện đại rồi phỏng vấn, điều tra xem giáo viên , giảng viên nghĩ thế nào về sgk về cách dùng nó thì có thể bạn sẽ vô cùng kinh ngạc. Nếu bạn nghi ngờ mà là phụ huynh, bạn sẽ quan sát cách thức giáo viên sử dụng sgk khi dạy con bạn. Nếu bạn là người có nhu cầu tò mò cao hơn, tôi gợi ý bạn nên đọc các giáo trình “Phương pháp dạy học” đang được sử dụng để các trường sư phạm dạy cho sinh viên-những người sẽ trở thành giáo viên. Chắc chắn bạn sẽ học được nhiều điều bổ ích. Không bổ dọc, cũng bổ ngang.
Không có nhận xét nào