TRI THỨC BỊ COI KHINH Một xã hội và đất nước không trọng tri thức thường thể hiện qua ba đặc điểm: rất ít khi đọc sách và nhiều sách lậu; sẵ...
TRI THỨC BỊ COI KHINH
Một xã hội và đất nước không trọng tri thức thường thể hiện qua ba đặc điểm: rất ít khi đọc sách và nhiều sách lậu; sẵn sàng bán rẻ hoặc cho sách mà không quan tâm đến nội dung của nó; và không để tâm đến những tri thức bên ngoài từ các quốc gia khác.
Trong lịch sử đã có nhiều triều đại, gần đây nhất là thời kỳ cách mạng văn hoá bên Trung Quốc. Mao không chỉ đốt bỏ hàng loạt các loại sách, tài liệu mà hắn cho là nguy hại cho sự cai trị của hắn mà còn tiêu diệt lực lượng nhân sỹ trí thức không phục tùng quyền lực và đảng của hắn.
Với những quốc gia như Anh, Đức, Nhật và ngay cả Nga, trên những chuyến tàu điện, xe buýt hoặc những nơi công cộng, cảnh người dân cầm những cuốn sách đọc trong thinh lặng là một điều khá phổ biến có tính đại chúng và trở nên là một nét văn hoá đặc trưng. Điều này thì ở xã hội ta thì tuyệt nhiên hiếm thấy. Giao thông công cộng không chỉ là một cực hình về quấy rối tình dục, trộm cắp, cướp bóc mà còn không có không gian dành cho việc gì khác.
Hơn nữa, vấn đề là các ngôi trường không giáo dục để những đứa trẻ ham thích đọc sách mà còn trở nên sợ hãi trước sách vở vì sự nặng nhọc và khô cứng, thừa thãi của nó. Thày cô cũng không chịu đọc sách để có đủ nguồn tri thức để thảo luận hoặc tạo chủ đề cho những người học vì họ dạy theo giáo án và các khung chương trình đã định sẵn.
Việc học các môn học chính trị đã quá khiến cho những người học trở nên cảm thấy nhàm chán và nặng nề. Mặt khác, việc sách, tài liệu bị kiểm duyệt ngặt nghèo vì bị chính trị chi phối nên nguònn sách trở nên nghèo nàn, thiếu thốn, trong khi những thứ sách vô bổ, nhảm nhí và dung tục lại được dung dưỡng quá mức khiến nó tràn lan trên thị trường, chiếm mọi không gian các cửa hiệu sách, thư viện. Nên người đọc cũng không thể biết đọc cái gì.
Chúng ta nên nhớ, chỉ một cuốn sách Xã Hội Diễn Cảnh của Guy Debove, chính phủ Pháp đã bỏ ra hàng triệu đô la để mua lại bản thảo tác phẩm chỉ để nghiên cứu và trưng bày. Ở những nước phương Tây, có những phiên đấu giá sách mà có những cuốn có giá lên tới hàng chục triệu đô-la. Nó được những quốc gia, những dân tộc đón nhận và xem như là những món quà tuyệt tác mà Thượng đế ban tặng.
Việc vun đống sách lại và bán rẻ như cho cho những người vãng lai qua phố, qua nhà, chính là một biểu hiện lớn nhất của việc coi rẻ tri thức đến tận đáy cùng. Khinh rẻ tri thức và coi trọng vật chất đến cuồng mị, quẫn loạn. Và cuối cùng là thần thánh cũng đem định giá và mua bán, đổi chác, con người cũng trở thành hàng hoá và chỉ như một món đồ.
Lê Luân
Không có nhận xét nào