VÌ SAO LẠI GỌI LÀ TAM ĐẢO II? Có lẽ ai cũng biết cái tên Tam Đảo có khởi nguồn từ ba đỉnh núi Phù Nghĩa, Thạch Bàn và Thiện Thị nổi lên giữa...
VÌ SAO LẠI GỌI LÀ TAM ĐẢO II?
Có lẽ ai cũng biết cái tên Tam Đảo có khởi nguồn từ ba đỉnh núi Phù Nghĩa, Thạch Bàn và Thiện Thị nổi lên giữa muôn trùng mây. Nhưng không phải ai cũng biết hết về lịch sử và nguồn gốc nó, vì sao lại là Tam Đảo I vì sao lại gọi là Tam Đảo II?
Trước hết Tam Đảo là một dãy núi có cấu tạo hình khối đồ sộ được hình thành từ khoảng 250 triệu năm trước, nằm ở phía Bắc Đồng bằng Bắc Bộ, chiều dài lên tới 80km kéo dài từ dãy núi Độc Tôn (Sóc Sơn – Hà Nội) đến Sơn Dương (Tuyên Quang), bề ngang lại cực kỳ hẹp chỉ từ 10-12km, với hơn 20 đỉnh núi có độ cao trên 1000m với cực đỉnh là 1592m tạo thành một bức tường thành khổng lồ chia cắt giữa 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên.
Với địa hình dốc đứng, hiểm trở lại cô lập giữa dải đồng bằng rộng lớn, xung quanh là nơi cư ngụ của nhiều sắc tộc dân cư, chính vì thế rừng Tam Đảo là một quần thể thực vật và động vật vô cùng độc đáo, đa dạng và gắn bó.
Năm 1904 – người Pháp đã phát hiện ra một thung lũng tương đối bằng phẳng ở độ cao hơn 900m, khí hậu vô cùng mát mẻ. Mở đầu là việc làm con đường từ chân núi lên với độ dài 12km trong vòng 12 năm, và tiến hành xây dựng Tam Đảo thành khu nghỉ dưỡng với 143 căn biệt thự dành cho quan chức và giới quý tộc – thị trấn Tam Đảo ngày nay, nó tồn tại cho đến năm 1948.
Năm 1914 người Pháp tiếp tục khám phá ra một thung lũng khác cách đó chừng 13km ở độ cao 1.100m, diện tích khoảng 300ha rộng gấp 3 lần so với Tam Đảo I. Hấp dẫn hơn bởi biên độ cao hơn, rộng hơn, khí hậu ôn hòa hơn và bằng phẳng hơn, đây được xem như vị trí hoàn hảo cho việc xây dựng khu nghỉ dưỡng, chính vì thế mới có tên gọi là Tam Đảo II.
Tuy nhiên, sự hấp dẫn của Tam Đảo II không chỉ đối với con người, mà nó còn thu hút cả thực vật và động vật. Nếu như dãy Tam Đảo là nơi có lượng mưa trung bình cao nhất miền Bắc thì khu vực Tam Đảo II là nơi có lượng mưa trung bình cao nhất ở dãy Tam Đảo (2800 mm/năm), lượng mưa nhiều, nguồn nước dồi dào, khả năng dự trữ nước rất cao cộng với địa hình lòng chảo biến Tam Đảo II thành một khu rừng kín, là ngôi nhà an toàn cho hệ động vật và thực vật vô cùng phong phú cư trú [1].
Chính vì điều này dù phát hiện sau Tam Đảo I không lâu, nhưng Pháp đã không tiến hành xây dựng khu nghỉ dưỡng ở khu khu vực này, thay vào đó là việc làm một con đường kè đá (người dân bản địa gọi là con đường Tây là vì thế) để phục vụ cho du lịch khảo cứu và thưởng ngoạn thiên nhiên [2]
----
[1] Sự hấp dẫn của Tam Đảo II sẽ được chúng tôi phân tích chi tiết ở bài sau.
[2] Đường Tây chính là con đường đi từ thị trấn Tam Đảo vào Tam Đảo II mà Pháp làm để phục vụ cho du lịch và khảo cứu.
#SaveTamdao
Không có nhận xét nào