VÌ SAO TÔI KHÔNG BÌNH PHẨM VỀ VỢ CHỒNG TRUNG NGUYÊN VŨ-THẢO? Vụ ly hôn giữa vợ chồng Cà phê Trung Nguyên: Nguyên Vũ - Diệp Thảo đã làm giới ...
VÌ SAO TÔI KHÔNG BÌNH PHẨM VỀ VỢ CHỒNG TRUNG NGUYÊN VŨ-THẢO?
Vụ ly hôn giữa vợ chồng Cà phê Trung Nguyên: Nguyên Vũ - Diệp Thảo đã làm giới báo chí chia là hai phe, phe bênh bên Vũ và phe bên Thảo. Phe bênh Vũ còn có chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Xuân, một thẩm phán tào lao mía lau.
Mạng xã hội cũng chia hai phe, gõ google ”vụ ly hôn Vụ-Thảo” có trên 1 triệu kết quả. Rồi, vợ chồng trong nhà cũng chia thành hai phe Vũ và Thảo. Cả xã hội lên đồng!
Một sự kiện chưa từng có cho những facebooker muốn câu like. Nhiều bạn thân và đồng nghiệp hỏi tôi sao không viết? Tôi trả lời vợ chồng anh này phô trương (show off) một màn xiếc, mà chỉ có vợ chồng họ hiểu được sự thật, thì tôi bình… loạn cái gì?
Tháng 6 năm 1990, TBT Thế Thanh cử tôi đi tường thuật kỳ họp 7 QH khóa 8 thì trước đó tôi phải tìm sách vở để hiểu nguyên tắc lập pháp và học thuật xây dựng luật. Tôi đi mua sách luật cũ của các thầy dạy Đại học Luật SG, và mượn sách của các LS cũ như: Trịnh Đình Ban, Nguyễn Phương Danh…
Vì làm báo PN, tôi đọc kỹ Luật Gia đình 1959 và Dân luật 1972 và rất mê TS Trần Văn Liêm diễn giải nguyên tắc (học lý) để lập ra các điều luật về gia đình.
Khi vợ hoặc chồng nộp đơn ly hôn, thì cả hai bắt đầu tranh giành về tài sản và con cái. Cho nên, điều 178, Luật Dân sự 1972 quy định chu đáo: “Ngay sau lần hòa giải thứ nhất, chánh án ký án lệnh, quyết định về nơi tạm trú của 2 vợ chồng (tránh chửi đánh nhau) trong thời kỳ vụ kiện; về việc giao hoàn (trả lại nhau) quần áo và đồ dùng riêng của mỗi người; về việc tạm giữ con, về việc thăm viếng của vợ chồng và về tiền cấp dưỡng”.
Để tránh mỗi bên tẩu tán tài sản chung, tài sản riêng trước khi tòa hòa giải và xét xử, điều 183 quy định “Ngay từ lúc có án lệnh đầu tiên (sau hòa giải lần đầu), vợ hay chồng cũng có thể xin niêm phong tài sản chung hoặc tài sản riêng do người hôn phối hưởng thụ hay quản trị”.
Luật HNGĐ hiện nay không tiên liệu các bước chu đáo như vậy. Cho nên, bây giờ Tòa phải hoãn tuyên án ly hôn để làm rõ tài sản hơn 2.100 tỷ đồng của Trung Nguyên.
Chủ tọa Nguyễn Văn Xuân rất ba trợn và thiên vị lộ liễu khi xúi bà Thảo rút đơn ly hôn, nhường quyền cho Vũ quản lý tài sản Trung Nguyên.
Bà Thảo hỏi vặn lại mà chủ tọa Xuân đếch biết nhục: “Đề nghị tôi trở về nhà làm vợ thì thẩm phán có đảm bảo rằng ông Vũ không ngoại tình, chuyển tài sản cho người khác? Thẩm phán có đảm bảo cho sự an toàn của mẹ con tôi?”
Luật XHCN “ưu việt”, không quyết định nơi tạm trú vợ chồng, không niêm phong tài sản chung và riêng. Mà Trung Nguyên có khối tài sản kếch xù, bà Thảo đứng tên tài sản này, ông Nguyên đứng tên tài sản khác, vừa có quyền chi tiêu, vừa có trách nhiệm quản trị, mà không niêm phong thì tía chủ tọa Xuân cũng không dám bảo đảm Vũ không ngoại tình và không chuyển tài sản cho người khác, cũng không dám bảo đảm an toàn cho mẹ con bà Thảo.
Điều 199 Luật dân sự 1972 định nghĩa “thành phần khối tài sản (để chia ly hôn) là thành phần hiện hữu vào ngày khởi tố (tức ngày có án lệnh ngay lần hòa giải thứ nhất, bây giờ gọi là ngày thụ lý). Ông Xuân không có án lệnh niêm phong tài sản chung riêng khi thụ lý vụ ly hôn hồi năm 2018, thì bây giờ hoãn tuyên để làm rõ khối tài sản 2.100 tỷ sao cho nổi trời?
Chắc chắn ông Xuân sẽ để cho 2 vợ chồng định lượng khối tài sản theo thỏa thuận, chứ ông có căn cứ gì để làm rõ? Mà như vậy là trở về giai đoạn hòa giải, chứ đâu phải xét xử!
Tôi thán phục tính nhân văn, tôn trọng danh dự và quyền riêng tư của vợ chồng ly hôn trong Dân luật 1972, khi quy định tại điều 194: “– Báo chí không được tường thuật các vụ ly hôn, chỉ được đăng kết quả vụ án. - Mọi vi phạm sẽ bị phạt tiểu hình từ một ngàn đồng (1.000$00) đến năm ngàn đồng (5.000$00) không kể bồi thường nếu có”. (chú thích của NV: 1 lượng vàng 1972 giá 20.000đồng)
Nhưng để tránh vợ chồng (đặc biệt là những người có địa vị xã hội) đã ly hôn, nhưng người phối ngẫu vẫn mượn uy tín của người còn lại để rủ hùn hạp làm ăn hay giao dịch dân sự với người thứ ba, điều 191 buộc phải công khai “Án ly hôn được công bố vào một tờ báo xuất bản nơi tòa tọa vị hoặc nơi gần nhất”
Chế độ XHCN ở giai đoạn đầu xúi người dân soi mói đời tư của nhau, để đi tố cáo, thậm chí tố oan càng tốt (cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản…) nên việc báo chí hồn nhiên tường thuật đời tư của vợ chồng ra tòa ly hôn, nói xấu nhau để giành phần phải, chuyện giành của, giành con mà quên rằng đó là xâm phạm quyền nhân thân được Bộ Luật Dân sự bảo vệ.
Mai Bá Kiếm
Không có nhận xét nào