VIỆT NAM VÀ NHỮNG NÔ LỆ HIỆN ĐẠI Theo ILO 2017, tính trung bình, trên thế giới cứ 2000 dân có một người là nô lệ thời hiện đại. Hiện tại, tổ...
VIỆT NAM VÀ NHỮNG NÔ LỆ HIỆN ĐẠI
Theo ILO 2017, tính trung bình, trên thế giới cứ 2000 dân có một người là nô lệ thời hiện đại. Hiện tại, tổ chức quốc tế này ước có tới 40 triệu người nô lệ trên thế giới, trong đó 71% là phụ nữ và trẻ em gái.
Theo báo cáo của Bộ ngoại giao Mỹ, Việt Nam cơ bản là một nước xuất nô lệ. Nô lệ người Việt bị khai thác chủ yếu trong các ngành xây dựng, đánh cá, khai thác gỗ, khai mỏ. Họ làm việc hầu như không công, hoặc trả công rất thấp. Phụ nữ nô lệ làm việc chủ yếu trong hai ngành là lao động tình dục và người hầu việc nhà. Nơi tới của nô lệ Việt Nam phổ biến là Ả rập Emiras, Hàn Quốc, Đài loan, Malaysia, Nhật bản.
Một báo cáo năm 2017 của Ủy ban Chống Nô lệ Độc lập cho biết ở Anh, nô lệ người Việt đứng số hai trong số các ca được phát hiện để trợ giúp. Báo cáo cho biết có bốn làn sóng di cư sang Anh, trong đó ba lần đầu liên quan tới chiến tranh Việt Nam 1975, khủng hoảng kinh tế cuối những năm 1980, sụp đổ CNCS ở Đông Âu. Làn sóng thứ tư là buôn bán người, với các nạn nhận từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Báo cáo cho thấy ở Anh, số nạn nhân đông nhất là từ đồng bằng Sông Hồng (đứng đầu là Hà Nội và Hải phòng), thứ hai là Bắc Trung bộ (đứng đầu là Nghệ An). Hơn một nửa số nạn nhân được phát hiện là trẻ em (54%).
Có sự phân biệt về giới tính rõ trong lao động nô lệ trẻ em. Trẻ em gái bị cưỡng bức lao động chủ yếu là bóc lột tình dục (28%) và làm người hầu trong nhà, còn trẻ em trai thì bị bóc lột lao động là chủ yếu, nhưng cũng có một tỷ lệ nhỏ (1%) là chịu bóc lột tình dục. Tỷ lệ trẻ em gái người Việt bị bóc lột tình dục cao gần gấp 1,5 lần so với tỷ lệ phụ nữ bị bóc lột tình dục trên thế giới (19%).
Trong số nạn nhân buôn bán người, trẻ em là một nhóm khá lớn. Trong các lý do được các em dẫn ra về việc bị buôn bán có những nguyên nhân thường gặp là: mồ côi/bị sao nhãng, gia đình nợ nần/nghèo đói, bạo lực gia đình, bị công an/chính quyền quấy rối (harrassment).
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ 2018 cho biết chính phủ Việt Nam đã tăng các biện pháp tư pháp, nhưng giảm các biện pháp bảo vệ nạn nhân buôn bán người. Họ nhận định chính phủ Vn đã có những nỗ lực đáng kể xóa bỏ nạn buôn bán người, nhưng chưa đáp ứng được đầy đủ các chuẩn mực tối thiểu. Báo cáo dẫn con số của chính phủ Vn cho biết số nạn nhân năm 2017 là 670 so với 1128 của năm 2016, nhưng không có thông tin tách biệt về tuổi, giới tính, nơi đi và nơi đến.
Hiện tại, vấn đề nô lệ hiện đại ở Việt Nam còn chưa được dư luận, báo chí và chính quyền chú ý một cách xứng đáng. Giới xã hội dân sự trong nước, nhất là giới VNGO, cơ bản chưa có những hoạt động đáng kể, một phần cơ bản là vấn đề được cọi là nhậy cảm và có nhu cầu phải hợp tác với công an. Các INGO có tiếng trong việc chống buôn bán người, đặc biệt là trẻ em, là Blue Dragon, Hagar, Pacific Links, và gần đây là WVV.
Ghi chú: Đồ họa 1 lấy từ báo cáo của ILO. Các biểu đồ được tôi lập từ số liệu lấy từ các báo cáo.
Tài liệu tham khảo:
1. ILO. Global estimates of modern slavery: forced labour and forced marriage, Geneva, 2017
https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/@dgreports/@dcomm/documents/publication/wcms_575479.pdf
2. Independent Anti-Slavery Commissioner. Combating modern slavery experienced by Vietnamese nationals en route to, and within, the UK. Vietnam Report, 2017
https://www.antislaverycommissioner.co.uk/media/1159/iasc-report-combating-modern-slavery-experience-by-vietname-nationals-en-route-to-and-within-the-uk.pdf
3. U.S. State Department. Office To Monitor And Combat Trafficking In Persons . Vietnam 2018 Trafficking in Persons Report
https://www.state.gov/j/tip/rls/tiprpt/countries/2018/282780.htm
Đặng Ngọc Quang
Không có nhận xét nào