Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

ĐẠO ĐỨC ĐÃ ĐẾN NGÀY TỪ CHỨC CHĂNG ?

ĐẠO ĐỨC ĐÃ ĐẾN NGÀY TỪ CHỨC CHĂNG ?  Theo ý kiến chung của các bậc trí thức đời nay thì thế giới bây giờ là đương thuộc vào buổi nhân cách t...

ĐẠO ĐỨC ĐÃ ĐẾN NGÀY TỪ CHỨC CHĂNG ? 
Theo ý kiến chung của các bậc trí thức đời nay thì thế giới bây giờ là đương thuộc vào buổi nhân cách thấp mà đạo đức suy, tuy văn minh, bề ngoài có tấn tới hơn cả cổ kim mà thế đạo nhân tâm đã đảo điên suy sút đi nhiều.

Không dám bàn xa đến thế giới, chỉ xét riêng một nước ta, thật thấy quả như vậy.

Nước ta ngày nay chính vào giữa lúc lòng đạo đức trong dân gian đã suy kém đi nhiều, người trong nước dù thượng lưu, trung lưư, hạ lưu, hết thẩy hình như ăn sổi ở thì, không còn biết kỷ cương luân lý gi nữa. Luân lý cũ thì nay đã gần mất, luân lý mới thì hiện còn chưa thành, thành ra nhân tâm không biết lấy đâu làm bờ bến, người đời không biết cái gì là phải, cái gì là trái, cái gì là dở, cái gì là hay, chỉ biết cái cận lợi trước mắt, phần vật chất lấn mất cả phần tinh thần, lòng danh lợi làm táng tận cả lương tâm, thật nhân cách người ta không bao giờ thấp kém như bây giờ.

Xét đoán người đương thời vẫn là một việc khó, vì không chắc lời nói được bình tình. Nhưng cứ hiện tình, xã hội nước ta dường như đã suy biến, phong tục đồi bại, tưởng phàm người biết trông biết nghĩ cũng phải chịu rằng người đời nay về đường đạo đức kém cổ nhân nhiều, và nếu phong hóa cứ suy đồi đi mãi thì thật là một cái nguy cơ cho sự tiến hóa trong nước.

Gia đình là trung tâm của xã hội, thiếu niên là tương lai của nước nhà, thượng lưư là chủ não của quốc dân, nay thử xét ba “phần tử” quan trọng đó đủ biết lòng đạo đức trong nước ta tiến thoái thế nào.

Ngày nay nhiều người không lấy gia đình làm trọng nữa, không những thế, lại coi gia đình là một sự bó buộc, chỉ muốn thoát ly cho khỏi. Làm con thì lấy quyền cha mẹ làm nặng, lấy lời khuyên bảo là phiền, không kể còn có kẻ vô loại đến ăn ở bất nhân bất hiếu với kẻ sinh thành ra mình, đãi cha mẹ không bằng người hàng xứ, hạng ấy không phải là không có. Cha mẹ còn như vậy, huống chi là ông bà chú bác, xưa kia còn có quyền khuyên nhủ quở mắng kẻ bề dưới, mà ngày nay trong nhiều nhà coi hầu như người dưng nước lã. Ngày xưa gia đình là cái đoàn thể đông đúc vững vàng, lấy tình thâm nghĩa nặng mà ràng buộc lẫn nhau để cùng nhau gánh vác sự đời. Ngày nay gia đình hầu thành như chốn nhà trọ tạm thời, tiện ở thôi đi, muốn đi muốn ở mặc lòng, không bận lòng đến những điều tình nặng nghĩa sâu chi nữa. Có người thân làm gia trưởng mà tự mình ăn ở hoang toàng, để gây nên cái gương xấu cho vợ con, mà không những không lấy thế làm tự sỉ, lại lấy thế làm tự cao. Càng trong bậc giàu sang quyền quí, cái thói dâm dật phóng đãng lại càng thịnh. Người đàn bà không phải là người chủ trì gia đạo, coi sóc việc nhà nữa, mà thành một vật trang hoàng để phô bày nơi đàn điếm, cũng có khi làm cái đại giá để mua chuộc mối lợi quyền! Ôi! Tự do bình đẳng vẫn là những chữ hay, nhưng hiểu lầm thì thành ra cái vạ cho xã hội và thứ nhất luân thường đảo điên, gia đình đổ nát là vì đó. Ngày nay gia đình ở nước ta thật không có kỷ cương gì nữa, đến nhà danh gia thế phiệt, cách cư xử cũng thấy phóng túng hơn xưa, không nói đến những bậc trung lưư hạ lưư nữa. Gia đình là then chốt của xã hội; gia đình đã hỏng thì xã hội vững sao được?

Nói đến thiếu niên lại càng đáng bi quan nữa. Thiếu niên ở nước người ta thì ham mê những điều nghĩa lý, mơ tưởng những việc cao xa, hào hiệp can đảm, hăng hái nhiệt thành, tập những cách hào hoa phong nhã, kỵ những điều thô bỉ tục tằn, học là để mong lập thành những sự nghiệp lớn lao có ích cho nhà, có lợi cho nước, không phải là chỉ học để đi thi, thi để kiếm lấy chút công việc nhỏ nhen đủ nuôi cái thân hèn. Nói tóm lại, thiếu niên ở nước người ta là phần tinh hoa trong một nước, chưa nhiễm những thói đời đen bạc mà còn giữ được cái lý tưởng cao xa trong sạch ở trong lòng. Người ta thường kinh lịch lắm mà thành ra yếm thế, hoặc sinh ra hoài nghi, nên càng có tuổi mà cái chí hăng hái, lòng hi vọng cao xa lúc thủa trẻ càng nguội lạnh đi, giảm dần đi, biến thành ra xảo trá, cơ quyền, chứ đương lúc thiếu niên thì trong lòng trong trí còn thản nhiên như không, trong sạch sáng sủa mà không chút khuất phục ám nuội gì, ham mê một lý tưởng là chỉ vi lý tưởng ấy quảng đại thanh cao mà ham mê, không phải mong lấy lợi lộc gì. Tuổi thiếu niên thật là tuổi hoàng kim, tâm địa thiếu niên thật là như hòn ngọc báu không tì, mà chức vụ của thiếu niên là phải “phụng sự thần Lý tưởng” vậy. Xét đến thiếu niên nước ta thật còn khuyết điểm nhiều, sự giáo dục trong gia đình như trên kia đã nói hầu như không có nữa, ngay từ thủa nhỏ đã nhiễm thói không hay, lớn lên thành ra khinh bạc ngạo mạn, không biết kỷ cương lễ phép là gì nữa, cử chỉ lố lăng sấc lấc, nói năng sàm tạp hỗn hào, Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, mà Việt Nam không ra Việt Nam. Ở nơi thành thị có hẳn một thứ tiếng nói riêng của thanh niên, không biết tự đâu đặt ra mà nghe nó sống sượng vô cùng. Thiếu niên ta có biết chữ mà dường như không có giáo dục, đức dục đã hỏng mà trí dục cũng chưa ra gì. Ngày nay đua nhau đi học chữ Tây, học vẫn là hay, mà hỏi học để làm gì, thật không người nào trông xa ngoài cái bằng tốt nghiệp.

Chí thú của thiếu niên thật là thấp, mà nhỡn giới thật là hẹp. Như vậy thì làm gì có khí khái lớn, làm gì thành sự nghiệp to. Than ôi! Thiếu niên là tương lai của nước nhà.  Thiếu niên kém như vậy thì sau này nước nhà còn trông cậy được gì?

Nay xét đến thượng lưu mới lại phân vân lắm nữa. Trước hết hẵng hỏi thượng lưu là ai? Có phải là người làm quan không? Có phải là người học hành không? Hay là nhà buôn bán, là nhà thầu khoán? Khó mà trả lời một cách nhất định được. Phẩm cách người ta là ở trí thức và đạo đức. Nay xét những người địa vị có thể cho là bậc thượng lưu được, thì phần nhiều trí thức đã tầm thường, mà đạo đức cũng khuyết điểm. Những nhà thi lễ, có nền nếp như xưa, nay hầu như không còn nữa, và càng bậc phú quí nhiều khi lại càng khuyết điểm nhiều. Cái bí sử của nhiều nhà danh gia thế phiệt, quyền quí phong lưu có lắm đoạn ô uế, làm nhục cho danh giáo, hại cho thế đạo. Mà hại nhất là những sự ô uế đó không mấy người lấy làm ô uế, có người lại cho là những thủ đoạn tài giỏi, đáng phục đáng khen! Cho hay phong tục đã suy thì dư luận cũng suy, dư luận đã suy thì không còn ai biết dở hay phải trái là gì nữa. Ai muốn làm gì thì làm, không còn quản đến miệng thế khen chê nữa. Lại thêm đương lúc giao thời này, các giai cấp trong xã hội không có phân biệt, nhiều kẻ xuất thân đê tiện mà giảo hoạt khôn khéo làm nên được giàu sang, nghiễm nhiên coi là bậc thượng lưư, nhưng chưa có cái giáo dục xứng đáng, thường bày cái bản sắc hạ lưu ra, song người đời nông nổi, trông thấy giàu sang là bắt chước, thành ra phong tục cứ mỗi ngày một tồi bại mãi đi. Trong bọn giả thượng lưu đó, tuyệt nhiên không có chủ nghĩa, không có sự nghiệp gì cao thượng, hầu hết chỉ biết một thủ đoạn đầu cơ, thờ một chủ nghĩa kim tiền mà thôi. Nếu lại thêm cái tính hiếu hư vinh nữa, thì tả được hết cái tâm lý “trưởng giả làm sang” của phần nhiều người thuộc về phái thượng lưư của nước Việt Nam nghìn năm văn vật này. Thượng lưu ấy cũng như thiếu niên kia thật là chí thú thấp, nhỡn giới hẹp, trí thức thiển, đạo đức suy, chỉ có hình thức địa vị thượng lưu, chưa có tinh thần giá trị thượng lưu vậy.

Ấy gia đình, thiếu niên, thượng lưu là ba phần tử trọng yếu trong nước ta bây giờ như vậy, coi đó khá lượng được toàn thể xã hội thế nào. Hoặc giả cho lời nói trên là lời quá bi quan, không khỏi sai lầm thiên lệch. Chúng tôi xin chịu mang tiếng như vậy, nhưng càng xét tình trạng nước nhà, càng thấy không thể sao lạc quan cho được. Nước ta là nước mấy mươi đời chỉ thiên trọng về đạo đức, cả nền tảng xã hội là dựng lên trên hai chữ “đạo đức”, cho đạo đức một cái địa vị tuyệt đối, không gì sánh tầy, hơn cả mọi sự giàu sang cường thịnh ở đời. Vậy mà nay lòng đạo đức trong quốc dân bạc nhược như vậy, thật là luân lý cương thường đảo điên hết thảy. Cho nên theo lời tác giả Tây, đạo đức có lẽ đã từ chức ở nước Nam này mà nhường địa vị cho những sức mạnh nào ở đâu đâu đem tới vậy.

(1919)

Phạm Quỳnh - Thượng Chi Văn Tập



Không có nhận xét nào