Khi những đứa trẻ phải sống trong sự "đơn điệu, giả tạo và hoen ố" Rất nhiều người bày tỏ những lo ngại lớn khi lớp trẻ ngưỡng mộ ...
Khi những đứa trẻ phải sống trong sự "đơn điệu, giả tạo và hoen ố"
Rất nhiều người bày tỏ những lo ngại lớn khi lớp trẻ ngưỡng mộ "Khá Bảnh", một nhân vật lên mạng xã hội khoe xăm trổ, nói tục và chơi ngông. Thậm chí, tôi biết, nhiều người thầm mong trong bụng rằng tại sao những kẻ như Khá Bảnh không "tuyệt chủng" sớm. Và hôm nay có vẻ họ hả hê, khi Khá Bảnh bị bắt vì tội chứa chấp cờ bạc và sử dụng ma tuý.
-
Như bạn biết, thời gian qua tôi không viết một chữ nào về Khá Bảnh; tôi cũng chẳng mong những người như cậu ấy tuyệt chủng; cũng chẳng lấy làm vui khi cậu ta bị bắt. Xã hội có thêm một kẻ chịu án chẳng phải là điều vui với cái xã hội ấy đâu. Vấn đề Khá Bảnh này kết thúc thì có Khá Bảnh khác lại mọc lên, sừng sỏ và kinh khủng hơn, nếu tất cả gốc rễ và mọi thứ của xã hội vẫn còn nguyên như vậy.
-
Tôi không trách lớp trẻ vì ngưỡng mộ những người như bạn ấy. Nếu nhìn theo mặt tích cực, nếu có một sự hảo hán nào đó trong cõi người, thì người ta ngưỡng mộ là chuyện bình thường (nói vậy không có nghĩa tôi nói cậu ta "hảo hán"). Chỉ là những đứa trẻ không dễ phân biệt thế nào là hảo hán thật và kẻ làm càn, và cũng không ai chỉ cho chúng, dù là trường lớp hay gia đình. Bên cạnh đó, chúng đang sống trong một xã hội với đầy nỗi sợ thì việc nghiêng theo một xu hướng "làm anh làm chị" cũng là điều dễ hiểu.
-
Để một đứa trẻ trưởng thành, có 2 vấn đề giáo dục cần phải được định đoạt như bổn phận, đó chính là giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường. Người ta đặt nhiều dấu hỏi về giáo dục bởi vì đó là thứ bảo chứng cho một lớp người thay thế cho xã hội tương lai. Người ta thường nhìn cái hành động thần tượng Khá Bảnh hay thánh chửi gì đấy, phê phán và lo sợ nhưng họ không biết, chính mình đang đẩy cho những đứa trẻ đến cái nông nỗi ấy.
-
Bạn nhìn đi, giáo dục nhà trường đang chạy theo giá trị nào? Tôi phải trả lời ngay là điểm số và thành tích. Mà điểm số với thành tích chỉ làm thoả mãn ngành giáo dục chứ đâu giải quyết được vấn đề phát triển con người? Đấy chưa kể có những ông thầy cúi xuống bắt tay thân thiết với các phụ huynh nhà giàu và làm lơ, thậm chí tỏ thái độ khinh khi với những phụ huynh nghèo khó.
-
Tôi thấy hình ảnh của những phụ huynh vội vã đưa con đi và đón con về ở cái gọi là nhà trường, ở đó các em được học những thứ nặng nề và có khi quá sáo mòn trong các bộ sách dù được thay đổi hàng năm vì mục đích kinh tế của ngành giáo dục. Chứ tôi chưa thấy ai đó dạy cho trẻ con về việc thích ứng với xã hội. Có bao nhiêu môn học giúp trẻ con phát triển kỹ năng phân biệt sai đúng và ứng xử như thế nào trước cái sai và cái đúng ở ngoài xã hội để hình thành một lối tư duy xã hội cho các em cũng như rèn cho các em các kỹ năng sống với xã hội ấy?
-
Bạn phê phán lũ trẻ con mê Khá Bảnh, say thánh chửi, vậy bạn chỉ dùm ở ngoài đời, có ai xứng đáng để chúng ngưỡng mộ, mà người gần nhất là những thầy cô của chúng? Những người gần chúng nhất đã cho chúng thấy một xã hội vật chất tồn tại ngồn ngộn, thì chúng đâu còn coi họ là những tấm gương để mà soi? Tôi thấy thế này, việc thần tượng Khá Bảnh hay thần tượng Chi Pu không khác gì nhau. Ở đó, có ai biết các "thần tượng" dùng các em như một kênh chửi thuê, chửi đối thủ của thần tượng, chửi những người không ưa thần tượng và chửi thành một phản xạ. Ai đã dạy cho chúng từ những trường hợp thực tiễn, cái gì nên làm cái gì không nên làm, thay vì học những mớ giáo điều cùng những kiến thức ngổn ngang tẩu hoả trong giáo trình?
-
Nhà trường là thế, giáo dục gia đình đang là vấn đề phải bàn. Hôm qua tôi đọc trên một tờ báo về cách học làm mẹ và dành thời gian để "lớn lên cùng con" của nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương, tôi thực sự suy nghĩ rất nhiều. Chị Hương không cần con mang về những điểm số đẹp, chỉ cần con phát triển tự nhiên, dành thời gian để dạy cho con những kỹ năng thích ứng với xã hội. Có lần gặp chị Hương và bé ngoài đời, khi đứa bé cầm chai nước lọc lắc rất mạnh, chị nói với con: "Thóc à, con lắc nữa, chai nước ấy con sẽ không uống được đâu đấy", thế là bé Thóc ngưng lại. Nếu cha mẹ khác, có thể bắt con dừng lại hành động đó mà không giải thích tại sao, hoặc chính trong đầu họ không biết tại sao để mà giải thích.
-
Thế giới với một đứa trẻ vô cùng mênh mông, việc khám phá thế giới không có gì là bất bình thường. Vấn đề bạn có cùng con bạn khám phá thế giới một cách có kỹ năng, an toàn và mang về những thành quả tốt đẹp? Tôi nghĩ bạn cần suy nghĩ điều này. Đa số không dành thời gian cho con, hoặc nếu có dành thì bù đắp bằng việc mua cho cái này, sắm cho cái kia, cho chơi game, cho vọc điện thoại và...chấm hết. Đó là tôi đang nói ở những phụ huynh học thức và đi làm đấy. Còn 3 nhóm phụ huynh mà tôi phân tích hôm qua: nhóm giàu bất nhân, nhóm chửi thề đô thị và nhóm lao động nghèo phó mặc con cho xã hội, thì đến giờ vẫn là bó tay trước sự "đến đâu thì đến" đối với những đứa trẻ do chính họ sinh ra.
-
Khi những đứa trẻ nổi loạn chứng tỏ cái xã hội chúng đang sống có nhiều vấn đề mà chắc chắn người lớn đã không còn đáng tin cậy. Người lớn có thể tỏ ra bộ tịch để che đậy chính mình nhưng trẻ con thì lại cần sự tự nhiên để phát triển nên chúng có nổi loạn thì vấn đề không phải từ phía chúng. Còn điều nguy hại là ở đây: Việc trẻ con kết bè kết phái, thần tượng giang hồ chứng tỏ chuyện sống trong áp bức của cái xã hội đó đang có thật và đang nguy hiểm. Thậm chí nó đang trở thành một thứ văn hoá sống. Tôi nghĩ thế.
-
Xã hội Việt Nam hiện tại đâu có khác xã hội Mỹ vào thập niên 50 của thế kỷ qua được nhà văn J.D Salinger khắc hoạ trong "Bắt trẻ đồng xanh" là mấy đâu? Xã hội được thu nhỏ trong đôi mắt nổi loạn của cậu trai 17 tuổi Holden Caufield, tập rít thuốc, đánh bạn và bị bạn đánh, không ai dạy dỗ các kỹ năng sống và nhìn nhận thế giới, để rồi cậu ta chán ghét tất thảy. Cậu ta chán ghét những ông thầy giáo bộ tịch thấy tiền là mê, thấy giàu là ham, thấy nghèo là lơ. Cậu ta chán trường học vì ở đó là cả một trung tâm dối trá. Cậu ta chán cả những người lớn bên cạnh cậu, ở đó người ta sống ích kỷ, bộ tịch nhưng lại che đậy trong những mớ lý thuyết đẹp đẽ. Cậu ta khao khát tự do nhưng có ai đủ trách nhiệm để cho cậu thấy được cái sự tự do bên ngoài có những cái giá nào?
-
Và rồi cậu ta khóc nhiều, khóc vì bị chính cái xã hội cậu ta đang sống làm tổn thương cậu ta nhiều khiến cậu ta muốn nổi loạn. Đứa trẻ chỉ nhận về sự nổi loạn và thương tổn trong cái xã hội đầy mâu thuẫn mà đồng tiền đang được sử dụng để giải quyết mọi thứ, thì vấn đề đâu phải là của cậu ta nữa?
-
Sống tự do, sống tự nhiên, phát triển tự nhiên, có đủ kiến thức, kỹ năng để một bản thể không a dua theo đám đông, vẫn là một bài học lớn cho việc giáo dục những đứa trẻ hiện tại. Về phương diện này, xã hội mà các em đang sống, gia đình mà các em đang ở, ngôi trường mà các em đang học, đang nợ các em nhiều lắm. Đến cả cách yêu thương mà chúng ta còn làm chưa đúng, thì nói gì đến những kỹ năng khác và sự tỉnh táo để nhận ra trách nhiệm của mình? Tôi, bạn và tất cả, có nhận ra rằng chúng ta đang nợ các em không? Nếu nợ, bao giờ chúng ta trả nợ cho chúng, hay để một thế hệ đi qua "muốn ra sao thì ra" là câu trả lời của chúng ta?
Hoàng Nguyên Vũ
Không có nhận xét nào