VỤ ĐẶNG VĂN HIẾN, LẼ NÀO CHÍNH QUYỀN TỰ NHẬN MÌNH ÁC HƠN BỌN THỰC DÂN, HƠN PHƯỜNG THẢO KHẤU? Đây là bài viết thứ 3 tôi viết về anh Đặng Văn ...
VỤ ĐẶNG VĂN HIẾN, LẼ NÀO CHÍNH QUYỀN TỰ NHẬN MÌNH ÁC HƠN BỌN THỰC DÂN, HƠN PHƯỜNG THẢO KHẤU?
Đây là bài viết thứ 3 tôi viết về anh Đặng Văn Hiến. Trong bài viết này, có lẽ tôi sẽ sử dụng từ ngữ nặng nề hơn để chỉ trích chính quyền với mong muốn gây một tiếng vang nhằm cứu vãn sinh mạng của một con người đang uất ức, nghẹn ngào- vì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi anh sẽ bị người ta tước đi sinh mạng của mình.
Ở một đất nước thượng tôn pháp luật, quyền tư hữu đất đai là quyền tối thượng; nếu chính quyền muốn thu hồi mảnh đất người khác đang ở, họ phải có chính sách đền bù thỏa đáng. Vụ án Đặng Văn Hiến, dẫu biết là đất công thổ, nhưng nguồn cơn nào đã khiến một anh nông dân chân chất vùng dậy nổ súng làm 3 người trong đoàn cưỡng chết thiệt mạng?
Sơ lược về vụ án
Năm 2008, chính quyền tỉnh Đắk Nông quyết định cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 héc ta rừng ở xã Quảng Trực. Trong mảnh đất này, một phần không nhỏ là vườn, rẫy, nhà cửa của hàng trăm gia đình di dân đến đây khai hoang, lập nghiệp.
Sau khi được thuê đất, chủ Công ty Long Sơn đã bán cả công ty lẫn quyền khai thác cho gia đình ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu. Từ đó, cty này (chủ mới, vẫn tên cũ) bắt đầu có những hành động xua đuổi người dân ra khỏi khu vực mà họ đang sinh sống bằng việc chức đem dao, rựa, máy móc đến tấn công cưỡng chế người dân. Từ đây, xung đột bắt đầu nổ ra.
Trước phản ứng từ phía người dân, năm 2010, chính quyền tỉnh Đắk Nông yêu cầu Công ty Long Sơn thảo luận với người dân về chuyện bồi thường. Đến tháng 7- 2016, ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu chính quyền tỉnh Đắk Nông ngăn chặn Công ty Long Sơn “cưỡng chế" để kiểm tra lại.
Nhưng, những yêu cầu trên của chính quyền không những không được phía cty tôn trọng, mà họ còn liên tục điều động máy móc, xe chuyên dụng đến phá dỡ nhà của người dân. Từ đây, mâu thuẫn giữa các bên vốn đã căng thẳng càng trở nên gay gắt.
Suốt gần 10 năm sau đó, toàn bộ hệ thống công quyền tỉnh Đắc Nông bất lực trước các đợt tấn công dữ dội mà đoàn cưỡng chế Long Sơn thực hiện. Sự việc trở nên tồi tệ khi đoàn cưỡng chế dùng rựa vạt mất gần nửa hộp sọ của một người dân nơi đây. Anh này sau đó đã giữ được tính mạng. Ngoài ra, có phụ nữ bị trụy thai do bị người phía cty đạp vào bụng.
Ngày 23 tháng 10 năm 2016, tiếng súng đã nổ lên, xung đột đã đạt đỉnh điểm khi anh Hiến chạy về nhà lấy súng tự chế, bắn chỉ thiên để cảnh cáo. Khi này, phía Cty Long sơn càng tấn công dữ dội, họ lao đến, vừa ném đá, vừa đập phá. Anh Hiến do không kiềm chế được đã chĩa thẳng súng vào đám đông và bóp cò.
Tiếng súng im lặng, 3 người chết, 13 người bị thương, hệ thống công quyền ở tỉnh Đắk Nông lúc này mới...mở miệng
Người ta đặt câu hỏi, là;
- Ai đã chống lưng cho Cty này để họ tự ý đem dao, búa máy móc, gậy gộc, khiên đến tấn công, cưỡng chế một cách trái pháp luật như thế?
- Nếu đã chấp thuận cho Cty Long Sơn thuê, tại sao chính quyền không cho những người dân thuê lại phần đất mà họ đã khai hoang?
- Nếu thu hồi, lẽ nào không có một lý do để ràng buộc Công ty Long Sơn phải đền bù, hỗ trợ?
- Tại sao những đợt công khai hủy hoại tài sản, xâm phạm tính mạng người dân mà phía cty không bị sử lý hình sự?
- Tại sao Cty Long Sơn phớt lờ chỉ đạo từ phía chính quyền nhưng lại không bị xử lý?
Anh Đặng Văn Hiến đã phạm trọng tội khi tước đoạt sự sống của ba con người, nhưng mấu chốt của vấn đề là ai đã dồn anh đến đường cùng để rồi sau đó tiếng súng nổ ra? Sự "xuống tay" của Hiến hoàn toàn khác với sự tàn độc trong các vụ thảm án khác. Anh vì bảo vệ người dân, vì bảo vệ tài sản mà vùng lên chống trả.
Vẫn biết rằng giết người phải đền tội, nhưng hành động thiếu kiềm chế của anh Hiến đều xuất phát từ sự tàn ác của phía Long Sơn và sự tắc trách từ phía chính quyền. Suốt 8 năm trời, chính quyền dường như bất lực trước nhiệm vụ của mình, phải chăng đây là sự bao che có chủ ý?
Ngày trước, vụ án Đồng Nọc Nạn xảy ra làm công chức Pháp thiệt mạng khi viên chức này đem quân đến tịch thu lúa của người dân. Quá uất úc, người dân nơi này đã vùng lên chống trả. Sau đó, Tournier- viên công chức đã bị đâm thủng bụng. Ngày 17/08/1928, toà đại hình Cần Thơ được mở. Ông Dde Rozario ngồi ghế chánh thẩm. Kết quả, tất cả người dân đều được trả tự do
Nhìn cảnh anh Hiến ôm vợ và con thơ rồi uất nghẹn khóc như một đứa trẻ mà thật đau lòng. Ai đã đẩy anh đến bước đường cùng thì không cần nói thì ai cũng biết? Kêu gọi anh ra đầu thú, chính quyền sẵn sàng tước bỏ mạng sống của anh. Lẽ nào chính quyền Đăk Nông tự nhận mình tàn bạo hơn bọn Thực dân ngày trước?
Nếu chính quyền vẫn quyết định tử hình anh Đặng Văn Hiến, từ đây, người ta sẽ không còn tin vào "sự khoan hồng" của pháp luật, nhưng, điều đáng nói hơn, người ta sẽ không còn tin vào một chính quyền tắc trách nhưng đầy tính lật lọng, gian manh nữa.
Bản án Đặng Văn Hiến không những không có sự khoan hồng, mà chính xác hơn đây là bản án vô nhân đạo.
-----
P/s: Với tấm lòng của một người Việt (hải ngoại) yêu quê hương, tôi rất sợ sẽ bị cấm nhập cảnh khi về Việt Nam vì chỉ trích chính quyền một cách nặng nề, nhưng tôi vẫn viết. Tôi hy vọng bài viết của tôi được nhiều người <Share> rộng rãi để đánh động dư luận, cứu một mạng người mà lẽ ra anh không phải chết.
Nguyễn Đức Khang/blog Khang Nguyên
Không có nhận xét nào