Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

THÂN PHẬN CỦA NGƯỜI THẦY

THÂN PHẬN CỦA NGƯỜI THẦY Cứ nghỉ hè là …thất nghiệp Hè lại đến! Trong khi nhiều gia đình tất bật lo tìm chỗ học thêm cho con trong dịp hè để...

THÂN PHẬN CỦA NGƯỜI THẦY

Cứ nghỉ hè là …thất nghiệp

Hè lại đến! Trong khi nhiều gia đình tất bật lo tìm chỗ học thêm cho con trong dịp hè để con khỏi sa vào các trò chơi có hại và nguy hiểm, nhiều giáo viên lên kế hoạch dạy thêm, thì cũng có nhiều thầy cô khác lặng lẽ chia tay trường học nghỉ hè trong nỗi buồn…thất nghiệp. 

Họ là ai?

Họ là những giáo viên hợp đồng. Có thể là hợp đồng vài ba tháng, có thể là nửa năm hoặc trong rất nhiều trường hợp họ đi dạy mà không có hợp đồng nào cả. Tất cả chỉ là thỏa thuận miệng với người chủ cơ sở tuyển dụng. 

Không bảo hiểm, không lương tháng. Họ chỉ được hưởng tiền công tính theo tiết học thuần túy. Mức tiền công có thể dao động tùy theo từng trường, từng môn học và tấm bằng mà họ có tuy nhiên mức phổ biến có lẽ là 50-60 nghìn đồng/tiết học. 

Như thế, bằng một phép tính nhẩm nhanh ta cũng thấy mức tiền lương họ nhận được hàng tháng rất…bèo bọt và không đủ chi dùng cho cuộc sống tối thiểu. 

Để tồn tại, họ phải làm đủ nghề để sống vì không phải môn nào cũng có thể dạy thêm. 

Nếu là giáo viên các môn “chính” như Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh, Ngoại ngữ…họ có thể dạy gia sư, dạy ở trung tâm song song với việc dạy hợp đồng ở trường và nhờ thế đời sống được cải thiện. Tuy nhiên, nếu như họ vừa là giáo viên dạy môn “phụ” như lịch sử, địa lý, kĩ thuật công nghiệp… lại vừa là giáo viên hợp đồng, việc có được tài chính đảm bảo cho đời sống không phải dễ dàng. 

Nhìn vào bức tranh chung ta sẽ thấy, hiện nay sự phân rã, phân cực giàu nghèo trong chính đội ngũ giáo viên là rất lớn. Những giáo viên có đời sống kinh tế ổn định, giàu có thường là cán bộ quản lý trường công, chủ trường tư, người đã dạy có thâm niên, những người vừa dạy ở trường vừa dạy thêm một lượng lớn học sinh khác, người là chủ trung tâm luyện thi, người có cửa hàng kinh doanh riêng…Nhưng giáo viên khó khăn rơi vào các giáo viên trẻ, giáo viên hợp đồng ngắn hạn, giáo viên dạy các môn “phụ”…

Nhìn vào lịch sử

Thật thú vị và đau xót khi nhìn vào lịch sử chúng ta sẽ thấy cái đói và sự nghèo là hai thứ theo đuổi triền miên nghề giáo. Trong xã hội quân chủ trước kia, sự phân cực giàu nghèo giữa các giáo viên đã có nhưng chưa sâu sắc. Về cơ bản, ngoài các ông thầy làm quan chức giáo dục của triều đình hoặc ở địa phương, giáo viên thời quân chủ tự mình vận hành lớp học, ngôi trường của mình và sống dựa vào “lễ” của gia đình học trò. Có lẽ thời đó các ông thầy không định ra một khoản học phí cố định và thu theo tháng. Ngay cả ở Nhật cũng tương tự, cho dù giáo dục ở Nhật phát triển sớm, mạnh nhưng cũng phải đến khi Fukuzawa Yukichi lập trường Khánh ứng nghĩa thục và thu học phí theo tháng, việc thu học phí từ học trò mới trở thành lệ. 

Vì vậy, “thanh bạch” là từ chung chỉ đời sống của các ông thầy đồ thời quân chủ. Trừ vài trường hợp cá biệt do vợ buôn bán, làm lụng giỏi hoặc nhờ gia thế, đa số các ông đồ sống ở mức nghèo khổ hoặc túng bấn. 

Đến thời Pháp thuộc, ngoại trừ các ông giáo sư dạy ở các trường lớn, nơi đô thị, các giáo viên đa phần cũng chỉ có đời sống bình thường. Những giáo viên dạy ở các trường làng có đời sống khó có thể nói là dư giả. Giai đoạn này có rất nhiều tư liệu phong phú ghi lại đời sống, sinh hoạt thường ngày của các nhà giáo. Chưa kể đến tư liệu giáo dục, báo chí đương thời, chỉ nhìn từ lời kể của chính những người từng là giáo viên trong giai đoạn trước 1945 và sự mô tả của các nhà văn sống trong giai đoạn đó, ta cũng có thể hình dung khá sống động. Muốn tìm hiểu hãy đọc “Giăng thề” của Tô Hoài, các tác phẩm của Nam Cao, Thạch Lam…

Ở đó, người giáo viên có đời sống bấp bênh nghèo khổ hơn cả người dân quê vì người dân quê ít ra còn có ruộng đất ở trong tay. 

Sau 1945, chiến tranh kéo dài triền mien, đời sống giáo viên đương nhiền là khổ sở vì cả xã hội đều khổ. Sau 1975 cũng thế. Bố tôi là giáo viên nếm trải cuộc sống khốn khó trong giai đoạn này. Tôi đã từng ăn cháo thay cơm, ăn củ chuối trừ bữa, ăn sáng trước khi đến trường bằng sắn bung, ngô bung…là chuyện thường. Mà sắn ở đây là sắn meo và ngô răng ngựa cứng như đá…

Những giáo viên không có ruộng đất như gia đình tôi còn khổ nữa. Bố tôi bảo trong số những người bạn bố tôi làm giáo viên, có thầy đã chết gục ở lớp học vì…đói. 

Và bây giờ

20 năm trở lại đây, xã hội đổi thay nhờ sự phát triển của kinh tế tư nhân và thương mại. Giáo dục được quan tâm trở lại từ phía người dân như là một phương tiện để đầu tư và thu lãi. Nhà nước Hệ thống trường tư được mở mang. Đời sống giáo viên trở nên dễ thở hơn. Tuy nhiên, sự phân cực giàu nghèo trong đội ngũ giáo viên rất lớn. 

Cái đói có thể không còn ám ảnh đa số giáo viên nữa nhưng cái nghèo thì vẫn đuổi theo. Nếu hai vợ chồng là giáo viên thuần túy sống bằng lương, gia đình họ sẽ phải lao đao nếu như sống ở phố, phải đi thuê nhà và có hai đứa con đi học. 

Nếu lý luận “lương chúng tôi thấp nên chúng tôi chỉ làm được thế”, “ai chẳng phải lo áo cơm nên phải thông cảm cho chúng tôi dạy thêm rồi thế nọ thế kia chứ” thì sẽ lâm vào ngõ cụt vì nếu ai, nghề nào cũng lý luận như vậy, chẳng mấy chốc xã hội sẽ loạn lạc hoặc diệt vong. Nhưng ai có trí tuệ trung bình trở lên cũng đều hiểu người thầy sẽ chẳng thể nào yên tâm và làm tốt công việc của mình chừng nào trong đầu luôn bị ám ảnh bởi đói nghèo. Người thầy yêu nghề có thể không mưu cầu giàu sang nhưng ít nhất phải có đời sống vật chất ở mức trung bình để tập trung vào công việc của mình. 

Đấy là ước mơ, một ước mơ cũng không có gì là to tát xa xôi nhưng chưa biết bao giờ mới có được.

Trong cuộc sống nhân sinh hữu hạn này, có gì đau xót hơn khi những mơ ước đẹp đẽ, những ý nghĩ tuyệt vời bị những tủn mủn của lo toan vật chất đời thường đè bẹp.  

Đôi khi đọc sách hay ngắm nhìn cuộc sống chảy trôi không khỏi ngậm ngùi thay cho thân phận người thầy.

Nguyễn Quốc Vương




Không có nhận xét nào