Chúng ta đang trở thành con tin của Grab như thế nào? Hôm nào đó, bạn rút smartphone ra, mở ứng dụng gọi xe của Grab. Ở khung “Điểm đón”, nó...
Chúng ta đang trở thành con tin của Grab như thế nào?
Hôm nào đó, bạn rút smartphone ra, mở ứng dụng gọi xe của Grab. Ở khung “Điểm đón”, nó tự hiện đúng chính xác vị trí bạn đang đứng. Còn khung “Điểm đến”, nó hiện gợi ý những điểm đến quen thuộc. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, chỉ thêm 2 chạm, bạn đã hoàn tất gọi xe mà không mất nhiều thời gian.
Nhưng, có bao giờ bạn hỏi vì sao Grab lại có thể phán đoán được như vậy? Câu trả lời, nôm na thôi: Grab đã thu thập thông tin dữ liệu từ thói quen sử dụng của bạn.
Nghĩa là khi ấy, Grab gần như nắm chắc trong tay lịch trình, đồng thời, hệ thống phân tích dữ liệu của Grab sẽ có những gợi ý cho bạn. Và, nó sẽ thật tuyệt vời đúng nghĩa nếu như chỉ dừng lại ở chức năng của một ứng dụng vận tải như lúc ban đầu.
Nhưng khi thu thập được cơ sở dữ liệu khổng lồ, Grab bắt đầu bành trướng qua những địa hạt khác như giao đồ ăn, ví thanh toán điện tử... Sắp tới có thể là tài chính, tín dụng và bảo hiểm. Nhìn nhận một cách thẳng thắn, khi bước chân sang lĩnh vực khác, Grab gần như có thu hoạch rất nhanh. Đó là vì họ đã sở hữu được kho dữ liệu khổng lồ đã thu thập từ người dùng. Với kho dữ liệu đó, họ biết chính xác khách hàng của mình cần gì và đưa ra những mời gọi hấp dẫn!
Chúng ta đang sống ở thời đại mà big data có thể mang lại tiền bạc và của cải. Nhưng câu hỏi đặt ra là bảo mật thông tin người dùng sẽ được quản lý như thế nào?
Sau khi tôi viết về trách nhiệm của Grab ở đâu khi tài xế của họ liên tục bị boom hàng, thì có nhận được tin nhắn của một vài bạn nữ nói rằng họ bị tài xế Grab nhắn tin làm phiền, thậm chí là quấy rối, sau khi cuốc xe đã hoàn tất. Chuyện này, các bạn cũng có thể nhặt nhạnh được ở đâu đó trên mạng xã hội.
Cách đây mấy ngày, chính phủ Singapore đã phạt Grab 16.000 USD vì để rò rỉ thông tin người dùng. Sự việc diễn ra vào tháng 12.2017, khi GrabCar gửi gần 400 ngàn email quảng cáo tới các khách hàng, nhưng hơn 120 ngàn email đã chia sẻ tên và số điện thoại di động của các khách hàng khác trong nội dung thư gửi đến người nhận.
Rõ ràng, với khối lượng lớn dữ liệu, dù không mong muốn, đơn vị nắm giữ cũng dễ mất kiểm soát, bởi rủi ro kỹ thuật, rủi ro quản lý hay rủi ro kinh doanh. Và dù có như thế nào thì thông tin cá nhân cũng đã bị rò rỉ. Việc bảo mật thông tin người dùng cũng như bảo vệ họ trước sức mạnh xâm thực của công nghệ trong thế giới dễ dàng chia sẻ và mua bán, vì vậy đã thu hút sự chú ý của nhiều nền pháp luật và ở Việt Nam cũng vậy.
Nhắc mới nhớ, tại Việt Nam, nhiều dịch vụ của Grab chưa được cấp phép trên toàn lãnh thổ hình chữ S, như câu chuyện Grabpay từng bị phạt cuối năm 2018 tới 900 triệu đồng vì cung ứng dịch vụ trung gian không phép. Sau này, Grabpay được đổi thành Grabpay by Moca hay Moca.
Thêm nữa, câu chuyện đóng thuế của Grab vẫn đang là vấn đề kể từ khi Grab đặt chân đến Việt Nam.
Trong kỳ kinh doanh 2014 -2016, Grab có doanh thu 1.755 tỷ đồng nhưng tổng số thuế kê khai, nộp Ngân sách Nhà nước chỉ là 9,5 tỷ đồng. Sau thanh tra, doanh nghiệp này nộp thêm 2,9 tỷ đồng, nâng tổng số thuế nộp vào ngân sách nhà nước trong suốt 3 năm lên mức kinh ngạc đến tức cười: 13,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, Vinasun - một doanh nghiệp taxi truyền thống, trong kỳ kinh doanh 2014 - 2016 cũng đã nộp 1.200 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Rõ ràng, có sự chênh lệch trong đóng thuế giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển. Tại sao, doanh thu Grab lớn như vậy nhưng nghĩa vụ thuế lại quá nhỏ bé? Có lẽ nào Grab đã biết được lỗ hổng thuế để lách qua? Và như vậy, có còn công bằng đối với những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tương tự nhưng theo kiểu truyền thống?
Câu trả lời sẽ dành cho những người làm thuế. Nhưng trước hết, với tư cách người dùng, chúng ta nên biết cách lựa chọn sử dụng giữa một doanh nghiệp đóng thuế đầy đủ và một doanh nghiệp còn nhiều mập mờ trong đóng thuế
Và hơn thế nữa, cũng với tư cách người dùng, chúng ta nên biết cách đừng trở thành con tin của Grab!
Lê Xuân Thọ
Không có nhận xét nào