G20 TẠI NHẬT Ngày mai hội nghị G20 sẽ khai mạc và dư luận chờ đợi cuộc gặp của lãnh đạo các cường quốc. Các trọng tâm hiện nay đang được chờ...
G20 TẠI NHẬT
Ngày mai hội nghị G20 sẽ khai mạc và dư luận chờ đợi cuộc gặp của lãnh đạo các cường quốc. Các trọng tâm hiện nay đang được chờ đợi là vấn đề Iran, thương chiến Mỹ-Trung và EU sẽ theo lập trường nào trong tam giác Mỹ-Nga-Trung.
Những diễn biến gần đây xoay quanh vấn đề Iran cho thấy những đánh giá của chúng ta đã có cơ sở. Đó là Mỹ và Nga không muốn có chiến tranh tại Iran. Sự kiện các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ-Nga-Israel gặp nhau ngay trước khi G20 khai mạc tại Israel cho thấy Trump và Putin muốn đi đến một thoả thuận chung cho bài toán Iran.
Như trong phân tích về Nga tôi từng nói rằng Nga không muốn có chiến tranh ở Iran là có cơ sở. Một cuộc chiến lúc này tại Iran có thể làm Nga “mất Iran”. Trong khi nếu Trung-Mỹ có va chạm ở Biển Đông thì Nga có khe hở để tận dụng.
Mỹ cũng không muốn có chiến tranh ở Iran vì trọng tâm của Mỹ là Indo Pacific. Mỹ chưa muốn căng thẳng với chính phủ Iran để tận dụng “nhân tố bên trong”, thế nên vừa qua Trump chỉ quyết định cấm vận Đại giáo chủ Khamenei chứ không cấm vận chính phủ Iran. Tôi đánh giá là Nga sẽ hợp tác với Mỹ để đi nước cờ này. Duy trì một chính phủ Iran thân Nga là bước đi có lợi nhất cho tất cả trừ Trung Quốc lúc này.
Nga sẽ tận dụng việc Mỹ cần mình ở Iran để đòi Mỹ phải nhượng bộ hơn về cấm vận và vấn đề Venezuela.
Nếu Đại giáo chủ Khamenei duy trì một chính sách cứng rắn dưới sự ủng hộ của Trung Quốc để gây chiến tranh đến cùng, tôi cho là Nga sẽ ủng hộ Mỹ trong kế hoạch quân sự nhằm giải giáp phe chủ chiến. Mỹ cũng buộc phải làm điều này trước khi cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu không giải quyết dứt điểm vấn đề Khamenei ở Iran mà xảy ra xung đột Biển Đông thì rất dễ trở thành thế chiến.
Tập và Trump vẫn sẽ gặp nhau tại G20 nhưng tôi đánh giá là hai bên sẽ tạm thời không căng thẳng thêm nhưng cũng không giảm nhiệt đi. Cả Trump và Tập đều có những vấn đề đối nội đối ngoại để giải quyết. Tập cần trả lời cho phe chủ hoà trong nội bộ đảng CSTQ về việc TQ có thể làm được gì lúc này. Trump cũng cần trả lời cho các doanh nghiệp Mỹ là cuộc chiến Trung-Mỹ sẽ đi đến đâu để khối doanh nghiệp Mỹ có sự chuẩn bị.
Nếu Mỹ quyết tâm đánh Trung Quốc thì các doanh nghiệp sẽ ứng xử khác theo lợi ích quốc gia chung, còn nếu chỉ vờn bóng thì họ cũng cần bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Nghĩa là họ sẽ phản đối Trump nếu ông hô hào chống Trung chỉ là để kiếm thêm phiếu cho bầu cử. Trump cần trả lời cho họ rõ ràng, sòng phẳng trước khi đi tiếp cuộc chơi của mình.
Về phía EU và Nhật, Ấn Độ, cái mà các nước này cần là nếu Mỹ và Trump chơi trò “bên miệng hố chiến tranh” với Trung Quốc thì Mỹ cần trình bày cho họ thấy chính sách quân sự của Mỹ. Cái mà các nước đại cường đồng minh lo ngại là không để cuộc chiến chống Trung thành chiến tranh thế giới. Nếu Mỹ chưa cho thấy kịch bản khả thi thì dù vẫn là đồng minh nhưng họ sẽ yêu cầu Mỹ thận trọng hơn.
Một miệng hố chiến tranh tại Biển Đông thì khác, mà nhiều miệng hố mở ra song song mà không dứt khoát được gì cả thì lại là khác. Mỹ cũng chịu sức ép thời gian với các đồng minh. Ai cũng muốn thu xếp xong để tất cả còn làm ăn.
Như vậy sau G20 tôi dự đoán các vấn đề sau sẽ rõ ràng hơn. Đó là Mỹ-Nga-EU bắt tay trong vấn đề Iran để loại trừ hẳn ảnh hưởng của Trung Quốc. EU sẽ vây ép Tập về nhân quyền dân chủ chứ không chỉ Mỹ. Trade War sẽ dừng ở đó, không lùi cũng không tiến thêm.
Về phía Việt Nam thì cần thận trọng hơn lúc này nhất là khi chính Philippin cũng muốn đẩy cái lò lửa biển Đông chạy qua phía Việt Nam. Thậm chí vừa rồi Singapore còn tẩy chay không tham gia “Tầm nhìn Indo-Pacific” do các nước trong khu vực đề xướng.
Có lẽ Asean nên thay đổi kiểu bắt tay chéo cánh lâu nay vì nó gây khó khăn cho từng bên bắt tay.
H.M
Không có nhận xét nào